Doanh nghiệp thủy sản kêu khó khi áp quy chuẩn nước thải

author 15:40 25/10/2017

(VietQ.vn) - Tại hội thảo “QCVN nước thải chế biến thủy sản - nỗ lực tuân thủ của các nhà máy và các khó khăn, bất cập” vừa được VASEP tổ chức, nhiều doanh nghiệp thủy sản cho biết đang phải “è cổ” chịu phạt vì không đáp ứng được quy chuẩn nước thải.

Bị phạt vì không đáp ứng mọi tiêu chuẩn của QCVN

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), gần hai năm qua, nhiều nhà máy chế biến thủy sản gặp vướng mắc sau thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước thuộc ngành môi trường khi áp dụng Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia QCVN 11-MT:2015/BTNMT về nước thải chế biến thủy sản. Các vi phạm chủ yếu ở các nội dung vượt ngưỡng chỉ tiêu phốt-pho (P), ni-tơ (N).

Doanh nghiệp chế biến thủy sản đang gặp khó khăn khi áp dụng QCVN 11-MT:2015/BTNMT vì một số chỉ tiêu không thể đáp ứng. Ảnh: DN&TM

Doanh nghiệp chế biến thủy sản đang gặp khó khăn khi áp dụng QCVN 11-MT:2015/BTNMT vì một số chỉ tiêu không thể đáp ứng. Ảnh: DN&TM 

Trong các doanh nghiệp (DN) đã bị xử phạt, có thể kể ra đây một số trường hợp điển hình như Công ty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú, bị phạt 750 triệu đồng vì xả nước thải có chứa các thông số vượt quy chuẩn kỹ thuật 7 lần; Công ty CP XNK thủy sản Năm Căn bị phạt 350 triệu đồng vì xả nước thải có chứa các thông số vượt quy chuẩn kỹ thuật 5,1 lần; Công ty Quốc Việt bị phạt 380 triệu đồng; Công ty CP Minh Cường bị phạt 325 triệu đồng…Điều đáng nói là nếu các cơ quan quản lý môi trường kiểm tra hết các DN thủy sản, danh sách bị xử phạt sẽ còn lớn hơn rất nhiều.

Theo ông Ngô Văn Ích, Chủ tịch VASEP, với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chế biến thủy sản hiện nay (QCVN 11:2015/BTNMT), tất cả các nhà máy thủy sản đều sẽ bị phạt nếu bị thanh tra, kiểm tra nước xả thải. Bởi ngay cả với các DN đã bỏ ra những khoản tiền lớn để đầu tư hệ thống xử lý nước xả thải, vẫn không cho ra được nước xả thải đáp ứng mọi tiêu chuẩn của QCVN.

Ông Ích cho biết, trong thực tế, hầu hết các nhà máy chế biến thủy sản đều có sử dụng phụ gia trong qua trình sản xuất, nên lượng phốt - pho trong nước thải tăng lên, sau khi xử lý thường vượt cao hơn so với yêu cầu 20-30 mg/l. Vì thế, ở nhiều thời điểm hoặc tùy mặt hàng, các DN thủy sản không thể đáp ứng được quy định hiện hành về nước xả thải.

Theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú, để đạt tiêu chí môi trường theo quy chuẩn mới, đáp ứng chỉ tiêu phốt-pho là rất khó khăn. Thời gian qua, công ty đã thuê các chuyên gia trong và ngoài nước nghiên cứu, xử lý tiêu chí phốt - pho đạt chuẩn nhưng chưa có giải pháp phù hợp. Hiện nếu để đạt chỉ tiêu này, tính ra công ty phải mất 3.000 đồng cho 1 kg thành phẩm. Hiện mỗi năm công ty xuất khoảng 50.000 tấn thành phẩm thì chi phí quá cao, khó cạnh tranh với các nước.

Cần có lộ trình và tính toán phù hợp

Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng dự thảo QCVN 11:2017/BTNMT dựa trên sửa đổi QCVN 11-MT:2015/BTNMT, trong đó vẫn có các chỉ tiêu về phốt-pho, ni-tơ. Các chuyên gia và DN đánh giá, việc rà soát và điều chỉnh tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường trong sản xuất là việc làm cần thiết, tuy nhiên cần được lý giải, tính toán thông số trên cơ sở khoa học và thực tiễn, có tham khảo tiêu chuẩn nước thải chế biến thủy sản của nước ngoài.

Theo ông Phạm Hồng Nhật, Viện Nhiệt đới Môi trường, nước thải thủy sản là nguồn thải công nghiệp chứa phốt - pho quan trọng, cần kiểm soát, nhưng nên có lộ trình và tính toán phù hợp.

Giải quyết vấn đề này, ông Phạm Hồng Nhật đề xuất, cần có lộ trình được thông báo và thống nhất với các DN để có thời gian chuẩn bị, đầu tư hệ thống; đồng thời cho DN vay vốn ưu đãi và chính sách khác… Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường có thí điểm thành công và giới thiệu phương pháp xử lý nước thải thủy sản đạt quy chuẩn trước khi ra quy chuẩn mới.

PGS.TS Lưu Đức Hải - PCT Hội Kinh tế môi trường Việt Nam, cho rằng, việc rà soát và điều chỉnh tiêu chuẩn/quy chuẩn môi trường trong sản xuất là cần thiết trong hoạt động bảo vệ môi trường; việc điều chỉnh, bổ sung các thông số mô trường vào QCVN cũng là cần thiết. Nhưng cần được lý giải về cơ sở khoa học và thực tiễn.

Doanh nghiệp thủy sản đạt tiêu chuẩn Global GAP sẽ nhận thêm chứng chỉ FoS(VietQ.vn) - Tin tức mới nhất cho hay, các doanh nghiệp thủy sản đạt tiêu chuẩn Global GAP sẽ có thể nhận thêm một nhãn tiêu dùng phụ cho sản phẩm của mình.

Uyên Chi

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang