Doanh nghiệp và một số nước cam kết hỗ trợ Việt Nam sản xuất vaccine COVID-19

author 17:08 02/07/2021

(VietQ.vn) - Thời gian qua, một số doanh nghiệp cũng như các quốc gia trên thế giới đã có nhiều hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình nghiên cứu, sản xuất vaccine COVID-19.

Các nước hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu, sản xuất và tiếp cận vaccine COVID-19

Tối ngày 1/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã điện đàm với Thủ tướng nước Cộng hòa Cuba Manuel Marrero Cruz. Trong không khí thắm tình hữu nghị, tin cậy, thực chất, hai Thủ tướng đã trao đổi cụ thể về các biện pháp tiếp tục tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt, hợp tác toàn diện và tin cậy giữa hai Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định coi trọng và quyết tâm làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước trong thời gian tới. Thủ tướng chân thành cảm ơn Chính phủ Cuba đã cử chuyên gia y tế sang giúp Việt Nam ứng phó với dịch bệnh COVID-19 và tặng Việt Nam thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19, qua đó thể hiện truyền thống quan tâm, hỗ trợ lẫn nhau giữa hai nước, đặc biệt trong những lúc khó khăn. Thủ tướng chia sẻ với những khó khăn của Cuba và khẳng định Việt Nam luôn sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác để góp phần bảo đảm an ninh lương thực của Cuba, phù hợp với khả năng của Việt Nam; đồng thời chúc mừng Cuba về kết quả tích cực trong việc nghiên cứu, phát triển vaccine chống COVID-19.

Tại cuộc điện đàm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Cuba Manuel Marrero Cruz chia sẻ về khả năng hợp tác trong lĩnh vực cung ứng và sản xuất vaccine.Ảnh: VGP 

Về phần mình, Thủ tướng Cuba Manuel Marrero Cruz khẳng định Chính phủ và nhân dân Cuba luôn trân trọng tình cảm đoàn kết, sự ủng hộ quý báu và sự chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn của quá trình Đổi mới mà Việt Nam dành cho Cuba trong những năm qua, góp phần hỗ trợ Cuba vượt qua những thách thức, khó khăn để phát triển kinh tế-xã hội. Thủ tướng Manuel Marrero Cruz khẳng định Cuba mong muốn mở rộng hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, nông nghiệp, y tế, nghiên cứu và sản xuất dược phẩm, bao gồm việc hợp tác cung ứng và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine phòng ngừa COVID-19.

Hai nhà Lãnh đạo bày tỏ tin tưởng quan hệ gắn bó anh em giữa hai nước Việt Nam và Cuba sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư. Hai Thủ tướng thống nhất các biện pháp để cụ thể hóa thỏa thuận giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bí thư thứ nhất, Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel gần đây; tăng cường tham vấn trao đổi, triển khai các cơ chế hợp tác song phương bằng các hình thức linh hoạt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19; chỉ đạo Ủy ban liên chính phủ triển khai tích cực các chương trình, dự án hợp tác song phương, sớm đưa hợp tác kinh tế, thương mại phát triển tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước.

Về hợp tác phòng chống COVID-19, hai Thủ tướng chia sẻ kinh nghiệm của mỗi nước và khả năng hợp tác trong lĩnh vực cung ứng và sản xuất vaccine; nhất trí quan tâm chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan của hai nước khẩn trương phối hợp, trao đổi thông tin chuyên môn cũng như đẩy nhanh các bước đi cần thiết để đạt thỏa thuận cung ứng và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine phòng ngừa COVID-19 của Cuba cho Việt Nam.

Trước đó, vào ngày 29/6, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc gấp với Tập đoàn AstraZeneca. Nội dung buổi làm việc giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính với Tập đoàn AstraZeneca do ông Nitin Kapoor – Chủ tịch AstraZeneca tại các Thị trường châu Á, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc AstraZeneca Việt Nam, làm trưởng đoàn, để thúc đẩy đưa vaccine phòng chống COVID-19 về Việt Nam nhiều nhất, sớm nhất có thể; phối hợp, giúp đỡ, hỗ trợ nghiên cứu sản xuất, công nhận vaccine trong nước; nghiên cứu giảm giá bán vaccine cho Việt Nam để thực hiện chiến lược vaccine trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn… 

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Công ty AstraZeneca quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để Việt Nam có được ít nhất 10 triệu liều vaccine phòng chống COVID-19 từ nay đến đầu tháng 8/2021 để thực hiện chiến lược vaccine và tiêm miễn phí cho người dân, kịp thời, an toàn, hiệu quả. Đồng thời, Thủ tướng đề nghị phía AstraZeneca phối hợp chặt chẽ, thúc đẩy, giúp đỡ có hiệu quả việc sản xuất vaccine trong nước và giảm giá bán vaccine cho Việt Nam.

Ông Nitin Kapoor cho biết, thời điểm này trên toàn thế giới, vaccine phòng chống COVID-19 đang rất khan hiếm do nhu cầu sử dụng vaccine trên toàn cầu rất lớn vì dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp khó lường hơn trong khi năng lực sản xuất vaccine trên thế giới còn hạn chế, không thể đáp ứng hết các nhu cầu của các nước; nhưng ông Nitin Kapoor hứa với Thủ tướng sẽ báo cáo Công ty AstraZeneca để ưu tiên và cố gắng thuyết phục chuyển cho Việt Nam ít nhất 8 triệu liều vaccine ngay trong tháng 7 và đầu tháng 8/2021. Ông Nitin Kapoor cũng ghi nhận và cam kết sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền của AstraZeneca để nghiên cứu ưu tiên giảm giá bán Vaccine cho Việt Nam tốt nhất có thể.

Ông Nitin Kapoor cho biết AstraZeneca sẽ giúp đỡ, hỗ trợ Việt Nam sản xuất vaccine trong nước, tăng cường đầu tư gia công, sản xuất các loại thuốc cần thiết tại Việt Nam như thuốc chữa ung thư, tim mạch, đường ruột và một số loại thuốc cho trẻ em, bên cạnh đó thúc đẩy các chương trình hỗ trợ cho ngành y tế. Ông Nitin Kapoor cũng bày tỏ tin tưởng rằng với sự quyết liệt, quan tâm đặc biệt của Chính phủ, Thủ tướng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của nhân dân, việc chống dịch ở Việt Nam sẽ thành công và Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế-xã hội, vì sức khỏe của nhân dân, vì sự phát triển ổn định của đất nước.

Còn vào ngày 28/5, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã điện đàm với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken để trao đổi về các vấn đề song phương, khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chúc mừng Ngoại trưởng Antony Blinken về những thành công gần đây của Hoa Kỳ trong việc ngăn chặn và tiến tới đẩy lùi dịch Covid-19, bước đầu phục hồi nền kinh tế; đồng thời cảm ơn Chính phủ Hoa Kỳ đã có những hình thức thiết thực để hỗ trợ Việt Nam chống dịch bệnh, đặc biệt là giúp tiếp cận vaccine.

Về phần mình, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết, trên cơ sở cam kết của Hoa Kỳ về ủng hộ Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng, Ngoại trưởng Blinken khẳng định Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sẽ phối hợp các cơ quan liên quan để tiếp tục thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên tầm cao mới.

Ngoại trưởng Blinken đánh giá cao những thành công của Việt Nam trong ứng phó với dịch Covid-19; cho biết Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ các nước và Việt Nam tiếp cận vaccine thông qua chương trình COVAX và các nước đối tác, trong đó có 80 triệu liều vaccine Hoa Kỳ sẽ cung cấp cho thế giới trong thời gian tới.

Doanh nghiệp cam kết ủng hộ Việt Nam nghiên cứu vaccine

Không chỉ có các quốc gia trên thế giới, Việt Nam cũng nhận được những cam kết hỗ trợ từ doanh nghiệp nước ngoài cho việc nghiên cứu, sản xuất và tiếp cận vaccine COVID-19.

Điển hình như vào ngày 30/6, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã chủ trì Tọa đàm trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp Mỹ để cùng chia sẻ tầm nhìn, sáng kiến và giải pháp thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Mỹ phát triển sâu rộng cũng như hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực hết sức trong việc thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch và phát triển kinh tế, nhờ đó, Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế dương, đạt 2,91% trong năm 2020 và đạt 5,64% trong 6 tháng đầu năm 2021. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 có thể đạt 6,5 %.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chủ trì Tọa đàm trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp Mỹ. Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ (USCC) Charles Freeman phát biểu. Ảnh: VGP 

Về quan hệ Việt Nam-Mỹ, Phó Thủ tướng khẳng định hợp tác kinh tế đóng vai trò nòng cốt trong quan hệ hai nước. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng nhanh, từ mức 450 triệu USD năm 1994 lên hơn 90 tỉ USD năm 2020.

Trong những năm qua, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đứng thứ 11/40 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn gần 10 tỉ USD. Nếu tính cả vốn đầu tư của doanh nghiệp Mỹ qua nước thứ 3 thì tổng vốn đầu tư của Mỹ đạt trên 14 tỉ USD. Nhiều tập đoàn hàng đầu của Mỹ đang đầu tư kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng đánh giá cao cam kết của Chính phủ Mỹ tài trợ 4 tỉ USD cho sáng kiến Tiếp cận toàn cầu vắc-xin Covid-19 (COVAX) và mong muốn Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Mỹ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc tiếp cận các nguồn cung vắc-xin, cũng như trong sản xuất và chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin để sớm khắc phục tác động của dịch bệnh Covid-19 và nhanh chóng phục hồi kinh tế.

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp Mỹ đều bày tỏ đánh giá cao kết quả phòng chống dịch bệnh Covid-19 và phát triển kinh tế của Việt Nam; đánh giá cao tiềm năng, dư địa trong quan hệ kinh tế giữa hai nước; đưa ra những đề xuất, sáng kiến về hợp tác phát triển kinh tế số, hạ tầng, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, phát triển bền vững… những lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu và các doanh nghiệp Mỹ có thế mạnh.

Các doanh nghiệp Mỹ cũng đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ của các Bộ, ngành và địa phương của Việt Nam trong việc tăng cường trao đổi, thảo luận thẳng thắn, xây dựng về những quan tâm của doanh nghiệp để sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, góp phần tạo thuận lợi cho các hoạt động của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, trong đó có các nhà đầu tư từ Mỹ.

Hai bên cũng trao đổi về các sáng kiến và giải pháp của doanh nghiệp Mỹ nhằm hỗ trợ Việt Nam tiếp cận nguồn cung vaccine, hợp tác sản xuất vaccine trong quá trình phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch.

Bảo Linh (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang