Doanh nghiệp Việt cần đẩy mạnh nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định thương hiệu

author 09:02 03/11/2020

(VietQ.vn) - Trong bối cảnh hội nhập cùng các FTA, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, khẳng định thương hiệu. Đồng thời, việc phân phối sản phẩm như thế nào cũng là chiến lược cạnh tranh quan trọng, nhằm giữ vững thị trường nội địa hơn 100 triệu dân.

Thời gian qua, việc Việt Nam tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA… giúp mở rộng cơ hội xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam tới thị trường thế giới với mức thuế quan giảm thấp.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, các doanh nghiệp Việt cũng đứng trước nhiều thách thức, khi hàng hóa của nhiều quốc gia sẽ tăng nhập khẩu vào Việt Nam nhờ được hưởng ưu đãi thuế quan. Việc Việt Nam mở cửa thị trường cho hàng hóa, dịch vụ đến từ các nước đối tác khiến thị trường trong nước không còn là khái niệm “sân nhà”. Cùng với đó, tâm lý tiêu dùng của người dân ngày càng muốn sử dụng những sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp, giá cả cạnh tranh, vì thế sẽ tạo thêm nhiều áp lực cho doanh nghiệp Việt. Chính trong lúc này, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” càng trở thành điểm nhấn quan trọng khẳng định sức mạnh của hàng Việt, đặc biệt là trong các FTA.

Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, khẳng định thương hiệu.  

Theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), hơn 10 năm qua và cả những thời điểm khó khăn do dịch bệnh, hàng hóa trong nước vẫn luôn có một vị thế nhất định trong lòng người tiêu dùng Việt Nam, khi mà 88% người tiêu dùng Việt khẳng định họ quan tâm tới cuộc vận động, gần 70% xác nhận họ sẽ ưu tiên mua và sử dụng hàng của doanh nghiệp trong nước sản xuất.

Ở thời điểm hiện tại, hàng Việt được đánh giá rất cao và được các nhà phân phối, bán lẻ ưu tiên trong cơ cấu hàng hóa bày bán trên các quầy, kệ. Tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống phân phối hiện đại được duy trì ở mức cao, cụ thể, tại Co.op mart hàng Việt chiếm 90-93%, Satra chiếm 90-95%,Vinmart 96%, Vissan 95%, Hapro 95%. Tại các kênh phân phối nước ngoài, tỷ lệ hàng Việt cũng chiếm 65-96%...

“Mặc dù vậy vẫn không thể phủ nhận, hàng hóa Việt đa phần được sản xuất nhỏ lẻ, quy mô hạn chế, chất lượng không đồng đều, bất cập về an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cả chưa thực sự cạnh tranh, bao bì chưa bắt mắt... Khâu trung gian và lưu thông phân phối chiếm tỷ trọng cao dẫn đến giá thành chưa chiếm lợi thế”, bà Nga thừa nhận.

Cho rằng những điểm nghẽn nói trên cần phải được giải tỏa để có thể nâng sức cạnh tranh cho hàng Việt, nhất là trong bối cảnh hội nhập cùng các FTA, bà Nga chĩ rõ, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, khẳng định thương hiệu,… việc phân phối sản phẩm như thế nào cũng là chiến lược cạnh tranh quan trọng, nhằm giữ vững thị trường nội địa hơn 100 triệu dân.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai các chương trình thuộc Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 - 2020; Các chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; Các chương trình xúc tiến thương mại trong nước; Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài...

"Tuy nhiên, cùng với hỗ trợ các cơ quan chức năng, trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh thông qua ứng dụng khoa học và công nghệ, học tập, áp dụng các mô hình thành công đã có để có sự chuẩn bị tốt nhất khi phải đối mặt với áp lực cạnh tranh", bà Lê Việt Nga cho biết.

Kiểm tra, xử phạt hơn 3.000 vụ việc vi phạm hàng hóa(VietQ.vn) - Trong tháng 10/2020, Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội đã tổ chức thanh tra, kiểm tra hơn 3.000 vụ việc; xử phạt hành chính, truy thu thuế, thu hồi thuế và tiền bán hàng hóa tịch thu tổng trị giá hơn 301 tỷ đồng.

Phương Mai

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang