Doanh nghiệp Việt Nam cẩn trọng khi giao dịch mặt hàng thép đường ray từ Ả-rập Xê-út

author 06:16 05/10/2021

(VietQ.vn) - Thương vụ Việt Nam tại Ả-rập Xê-út cảnh báo tình trạng một số môi giới bán hàng tại Ả-rập Xê-út chào bán mặt hàng thép đường ray đã qua sử dụng, ray lỗi kỹ thuật, ray mới có xuất xứ từ Ả-rập Xê-út tới nhiều doanh nghiệp Việt Nam.

Gần đây, một số môi giới bán hàng tại Ả-rập Xê-út chào bán mặt hàng thép đường ray đã qua sử dụng, ray lỗi kỹ thuật, ray mới có xuất xứ từ Ả-rập Xê-út tới nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Qua tìm hiểu Thương vụ Việt Nam tại Ả-rập Xê-út nhận thấy có nhiều thủ đoạn và dấu hiệu bất minh.

Thứ nhất, các đại lý này thường chào bán cho nhiều công ty, doanh nghiệp của Việt Nam cùng 1 thời điểm, số lượng lớn từ 2-10 triệu tấn thép đường ray đã qua sử dụng, ray lỗi kỹ thuật, ray mới với giá ưu đã chỉ khoảng 175 USD/1 tấn.

Thứ hai, các đại lý đã đưa ra ưu đãi chiết khấu thêm tổng 20% giá trị hợp đồng nếu thanh toán trước 1 khoản tiền bằng 20% giá trị hợp đồng đó, điều này khiến nhiều doanh nghiệp tin tưởng và phải thanh toán trước một số chi phí như: Phí hát hành hóa đơn 1334 USD/ mỗi 100 nghìn tấn; Phí bảo lãnh quyền mua từ3,000 – 10,000 USD/ 1 hợp đồng.

Thứ ba, họ yêu cầu doanh nghiệp mua mở SBLC tại ngân hàng quốc tế, khi doanh nghiệp thực hiện mở SBLC thì không xác nhận và tiếp tục chào bán hàng với các doanh nghiệp khác, mới mục đích chiếm đoạt tiền phát hành hóa đơn nêu trên.

Thứ tư, các đối tác này thường cung cấp thông tin công ty và người giao dịch không rõ ràng, địa chỉ công ty trên hợp đồng không có thật. Thứ năm, Website công ty luôn luôn trong tình trạng không cho phép truy cập.

Trước những dấu hiệu bất minh này, nhằm tránh những thiệt hại không đáng có, Thương vụ Việt Nam tại Ả-rập Xê-út khuyến nghị các doanh nghiệp không thực hiện giao dịch về mặt hàng thép đường ray đối với công ty: SHIEKHA MOHAMMED BAGHLAF Est. FOR TRADING. Website : www.baghlafsteel-saudiarabia.com. Email : [email protected], bởi vì đây không phải là nhà sản xuất thép tại Saudi Arabia.

Khi doanh nghiệp nhận được thư chào hàng, vui lòng không giao dịch và liên hệ với Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Ả-rập Xê-út để được cung cấp thêm những thông tin cần thiết.

Thương vụ Việt Nam tại Ả-rập Xê-út cảnh báo về giao dịch mặt hàng thép đường ray từ Ả-rập Xê-út. Ảnh minh họa

 

Trước đó, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Maroc, kiêm nhiệm Benin cũng đã ra thông tin khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nói chung và xuất khẩu hàng đồ uống nói riêng thận trọng trong giao dịch với đối tác Benin nhằm tránh rủi ro.

Công ty Hi-Profile International General Trading Co có trụ sở tại Dubai do ông Khalifa (người Benin) trực tiếp giao dịch có biểu hiện không uy tín trong giao dịch nhập khẩu, trốn tránh trách nhiệm thanh toán theo hợp đồng đã ký kết. Hàng đến Cảng Cotonou chịu chi phí kho bãi, trong khi đó doanh nghiệp xuất khẩu của ta không thể liên hệ được với ông Khalifa, người trực tiếp thương thảo, ký hợp đồng, chuyển cọc từ Dubai. Ông này vẫn xem tin nhắn liên hệ nhưng im lặng, không trả lời.

Cho đến nay, 01 công ty của Việt Nam đã gặp trục trặc do bán 02 container nước tăng lực nhãn hiệu Buffalo Jungle cho Công ty Hi-Profile. Hàng đến cảng đã nhiều ngày nhưng ông Khalifa không nhận hàng, không thanh toán tiền. Khi thấy doanh nghiệp Việt Nam đổi vận đơn gốc thì thông đồng với đầu Benin mở tờ khai hải quan nhưng không thanh toán với mục đích giữ hàng (do một người tên là Coulibaly Fako liên hệ qua Tel/Whatsap: +22997910830).

Ngay khi nhận được đề nghị hỗ trợ, Thương vụ Marốc đã giữ trao đổi thường xuyên với đại diện doanh nghiệp xuất khẩu và triển khai tất cả biện pháp cần thiết bao gồm liên hệ với cơ quan chức năng Benin như: Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp, liên hệ phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Dubai, nhất là liên hệ tới Cảng vụ, Hải quan Cảng Cotonou, Benin… nhằm thúc đẩy xử lý vụ việc.

Đồng thời, Thương vụ cũng giới thiệu đối tác giao nhận có uy tín tại Cảng Cotonou hỗ trợ Công ty Việt Nam về thủ tục nhằm đổi tên vận đơn gốc với mục đích bán cho khách hàng khác. Tuy nhiên, quy định sở tại để làm thủ tục quay hàng về Việt Nam hoặc bán cho bên thứ ba cần có ý kiến của bên nhập khẩu, gây khó khăn cho xử lý vụ việc. Chúng tôi cũng trực tiếp thuyết phục, gây sức ép nhưng các đối tượng không hợp tác. Trong trao đổi giữa hai bên doanh nghiệp, công ty Việt Nam thiện chí đề xuất không thu tiền 01 công hàng, nhưng đối tượng vẫn không chấp nhận.

Xét thấy đây là trường hợp nghiêm trọng, để tránh rủi ro cho các doanh nghiệp khác, Thương vụ ĐSQ Việt Nam tại Maroc, kiêm nhiệm Benin thông báo và khuyến cáo các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, nhất là ngành hàng đồ uống và các doanh nghiệp xuất khẩu đồ uống biết và không giao dịch với đối tác Benin tại Dubai nêu trên, tránh thiệt hại cho doanh nghiệp của ta.

Thương vụ Marốc cũng kêu gọi các doanh nghiệp xuất khẩu đặc biệt lưu ý tìm hiểu đầy đủ thông tin nhà nhập khẩu trước khi tiến hành giao dịch, bên cạnh các biện pháp giảm thiểu rủi ro khi xuất khẩu sang Benin và một số địa bàn Bắc Phi, Tây Phi như: cọc cao, xuất CIF, ghi tên bên xuất khẩu trên bill gốc, lưu ý về ngân hàng, phương thức thanh toán, hợp đồng giao nhận, hợp đồng qua trung gian…

Bảo An (Tổng hợp)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang