Doanh nghiệp Việt Nam còn đối mặt với nhiều thách thức khi tiếp cận thị trường Canada

author 17:12 26/11/2023

(VietQ.vn) - Canada luôn là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam chưa tạo được thương hiệu riêng, có khả năng cạnh tranh trên thị trường đầy tiềm năng này.

Hiện nay, Việt Nam là cửa ngõ để Canada vào khu vực Đông Nam Á và châu Á Thái Bình Dương, đồng thời là đối tác thương mại hàng đầu của Canada trong ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ 6 của Canada trong nhóm 40 quốc gia Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, Việt Nam đã ký với Canada hiệp định CPTPP có hiệu lực từ 14/01/2019 và hiện tái khởi động đàm phán FTA ASEAN – Canada trong năm nay.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang thị trường Canada 10 tháng năm 2023 ước đạt 5,214 tỷ USD giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó Việt Nam xuất siêu sang Canada là 5,448 tỷ USD. Tuy nhiên, kết quả này còn khá khiêm tốn so với tiềm năng của 2 quốc gia.

Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, Canada hiện đang là nhà đầu tư nước ngoài đứng thứ 14 trong tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Tính đến tháng 7 năm 2023, Canada đầu tư trực tiếp vào Việt Nam 253 dự án với tổng vốn đăng ký là 4,84 tỷ USD. Trong đó, tại TPHCM, Canada có 131 dự án đầu tư với hơn 133 triệu USD, đứng thứ 22/120 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào TPHCM.

Tính riêng 10 tháng năm 2023, Canada có 20 dự án với tổng số vốn đầu tư là 3,1 triệu USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa TPHCM và Canada năm 2022 ước đạt 632.829.000 USD trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 470.294.000 USD tăng 28% so với cùng kỳ 2021.

Tuy vậy, đại diện Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho rằng, giá trị mặt hàng xuất khẩu Việt Nam sang Canada còn khiêm tốn, thị phần chưa tương xứng với tiềm năng.

Canada luôn là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Ảnh minh họa

Cơ hội tận dụng ưu đãi từ hiệp định này chưa thực sự cân bằng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Cụ thể, trên 60% hàng nhập khẩu từ Việt Nam là các sản phẩm của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Trong khi khu vực trong nước chủ yếu vẫn xuất khẩu mặt hàng gia công hoặc sản phẩm ở dạng nguyên liệu thô. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam chưa tạo được thương hiệu riêng có khả năng cạnh tranh.

Mặt hàng xuất khẩu tính theo mã HS 2 số thống kê xuất đi thị trường Canada quy ra kim ngạch chỉ chiếm chưa tới 3% kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này của Việt Nam đi thế giới. Con số này còn khiêm tốn và còn nhiều dư địa ở thị trường 38,2 triệu dân và mức thu nhập bình quân đầu người là trên 51.000 USD nhiều tiềm năng này.

Theo đại diện Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, yếu tố lớn nhất cản trở xuất khẩu Việt Nam sang Canada là năng lực vận tải và logistics nội địa, thiếu hụt lao động khiến giá xuất khẩu của Việt Nam kém cạnh tranh so với các nước láng giềng Nam Mỹ. Canada duy trì chính sách tỷ giá thấp để thúc đẩy xuất khẩu cũng là bất lợi cho hàng xuất khẩu của Việt Nam vì giá của Việt Nam sẽ trở nên đắt hơn.

Một số lĩnh vực mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam sang địa bàn cũng có nguy cơ bị áp thuế chống phá giá hoặc xem xét gia hạn áp thuế chống phá giá như tấm pin năng lượng mặt trời, thép chống ăn mòn, phụ kiện ống đồng, ghế bọc nệm… cũng là những cản trở không nhỏ. Ngoài ra, thị trường CPTPP có những tiêu chuẩn phát triển bền vững như bảo vệ môi trường, giảm phát thải. Đây là trở ngại không nhỏ cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Để thâm nhập vào thị trường Canada, các chuyên gia cho rằng, sản xuất gia công, sản xuất theo nhãn hàng của các chuỗi siêu thị và các nhà nhập khẩu phân phối lớn của thế giới là phương cách để các doanh nghiệp tiếp cận thị trường một cách bền vững và có đơn hàng ổn định. Sản phẩm có tính sáng tạo cao, có tính riêng, tính mới cũng nên xây dựng thương hiệu riêng một cách bài bản, lấy thị trường trong nước làm chủ đạo, làm cơ sở để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài như Canada.

Muốn xuất khẩu dịch vụ như dịch vụ xây dựng, dịch vụ nhượng quyền thương mại, dịch vụ viễn thông, dịch vụ công nghệ thông tin cần bắt buộc phải phát triển thương hiệu riêng.

Đại diện Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ khuyến nghị, doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể dựa vào thương mại điện tử để làm bàn đạp ra thị trường khu vực và thế giới.

Về lựa chọn phân khúc, doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận phân khúc giày đặc chủng, giày dép thời trang, giày dép trẻ em, giày dép trong nhà, quần áo trẻ em, quần áo đi biển, quần áo bảo hộ lao động hay quần áo ngủ…

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến đặc điểm và xu hướng tiêu dùng của người dân Canada. Trong đó, đáng chú ý là xu hướng tiêu dùng bền vững, sản phẩm có tính nhân văn hoặc sản phẩm hữu cơ, sản phẩm tự nhiên.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang