Doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội xuất khẩu yến sang thị trường nước ngoài

author 17:08 24/11/2023

(VietQ.vn) - Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), việc Trung Quốc chính thức cho phép nhập khẩu sản phẩm tổ yến từ Việt Nam tạo ra nhiều cơ hội cho ngành chăn nuôi chim yến và sản xuất, chế biến tổ yến của Việt Nam.

Hiện nay, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sản phẩm tổ yến lớn nhất thế giới, với nhu cầu hơn 300 tấn/năm, chiếm khoảng 80% thị phần toàn cầu. Với nhu cầu lớn như vậy, hàng năm Trung Quốc nhập khẩu lượng lớn yến sào từ các nước khác.

“Trung Quốc là thị trường vô cùng tiềm năng cho tổ yến Việt Nam, xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc sẽ tạo cơ hội cho ngành nuôi yến phát triển theo chuỗi giá trị để mang về giá trị gia tăng tốt nhất”, ông Lê Thành Đại, Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam nhận định.

Cả nước hiện có 42/63 tỉnh, thành phố nuôi chim yến với trên 22.000 nhà yến, sản lượng tổ yến khoảng 150 tấn, giá trị trên 600 triệu USD. Nếu hoạt động đầu tư của doanh nghiệp tiếp tục gia tăng, ký kết được nhiều hợp đồng mới, khả năng tiến tới doanh thu tỷ USD từ xuất khẩu mặt hàng này không quá xa.

Đến nay, có 45 doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc, được Cục Thú y hướng dẫn thực hiện giám sát an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm theo yêu cầu của Trung Quốc tại Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y đối với sản phẩm tổ yến xuất khẩu. Trong đó, 9 doanh nghiệp đã hoàn thiện hồ sơ đăng ký xuất khẩu và nộp cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc xem xét. Ðối với các doanh nghiệp khác, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đang tiếp tục xét duyệt hồ sơ, đánh giá và sẽ thông báo sau khi kết quả đạt yêu cầu.

Việc Trung Quốc chính thức cho phép nhập khẩu sản phẩm tổ yến từ Việt Nam tạo ra nhiều cơ hội cho ngành chăn nuôi chim yến và sản xuất, chế biến tổ yến của Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Cuối tuần qua, lô sản phẩm tổ yến đầu tiên của Việt Nam do Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Avanest Việt Nam sản xuất đã được xuất khẩu thành công sang thị trường Trung Quốc theo Nghị định thư ký vào cuối năm 2022. Lô hàng xuất khẩu chỉ ít ngày sau khi Tổng cục Hải quan Trung Quốc chấp thuận cho Avanest và một doanh nghiệp khác của Việt Nam là Công ty cổ phần Nước giải khát Yến sào Khánh Hòa được xuất khẩu các sản phẩm tổ yến sang thị trường này.

Đầu tư trọng điểm, nâng cao năng lực cạnh tranh

Ngành yến Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển và tiềm năng mang lại giá trị kinh tế cao, đặc biệt là sau khi Nghị định thư về xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc được ký kết. Mặc dù dư địa còn rất lớn nhưng điều quan trọng là các doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi tư duy trong việc nuôi, khai thác tổ yến để đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm từ thị trường nhập khẩu.

Trung Quốc đã mở cửa thị trường cho tổ yến của Việt Nam nhưng cũng đặt ra nhiều tiêu chuẩn với mặt hàng này trong cả chuỗi giá trị sản xuất. Đó là lý do Nghị định thư yêu cầu tới 16 điều, bao gồm các quy định liên quan đến an toàn dịch; an toàn thực phẩm (giám sát sản phẩm tổ yến theo tiêu chuẩn của Việt Nam và Trung Quốc); xây dựng và vận hành có hiệu quả hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm (đảm bảo các sản phẩm tổ yến có thể truy xuất được tới các nhà nuôi chim yến); hoàn tất quy trình đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu; các yêu cầu khác về quy trình sản xuất, bao bì, nhãn mác.

Từ thực tế ký kết các nghị định thư cho nông sản xuất khẩu gần đây, đặc biệt với sầu riêng và chuối được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, ngành yến kỳ vọng sẽ có sự bứt phá trong việc khai thác thị trường, tăng tốc xuất khẩu. Chỉ sau gần 15 tháng ký Nghị định thư và tròn 1 năm xuất khẩu lô hàng đầu tiên, đến nay, doanh thu xuất khẩu sầu riêng đã đạt gần 1,6 tỷ USD. Còn mặt hàng chuối cũng mang về hơn 310 triệu USD vào năm 2022, tăng 35% so với năm 2021 và dự kiến đạt 400 triệu USD trong năm nay.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thuận lợi xuất khẩu yến, Cục Thú y đã ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết quy trình (7 bước) đăng ký xuất khẩu tổ yến từ Việt Nam sang Trung Quốc gửi doanh nghiệp và đơn vị liên quan; ban hành văn bản hướng dẫn và tổ chức giám sát dịch bệnh, an toàn thực phẩm theo đúng quy định tại Nghị định thư. Cục thành lập hàng chục đoàn công tác đến các địa phương, doanh nghiệp để hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra việc tổ chức thực hiện Nghị định thư; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị hồ sơ, mở tài khoản đăng ký xuất khẩu trên Hệ thống CIFER; chuẩn hóa quy trình sản xuất theo đúng yêu cầu của Nghị định thư: hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị để Tổng cục Hải quan Trung Quốc tổ chức đánh giá trực tuyến; thông báo kết quả, hướng dẫn khắc phục sau đánh giá trực tuyến.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang