Đội mũ bảo hiểm giả: Phạt hay không?

author 09:25 15/03/2013

(VietQ.vn) - "Dự kiến khi nghị định được thông qua thì lúc đó ai tham gia giao thông mà đội mũ bảo hiểm không đủ 3 bộ phận sẽ bị xử phạt. Chứ không phải như báo chí hiện nay tuyên truyền là từ 15/4 người dân sẽ bị xử phạt nếu đội mũ bảo hiểm dởm. Dự thảo thông tư liên tịch không quy định như vậy"

Quy định Chính phủ như thế nào sẽ xử phạt như thế

Hôm qua (14/3) Bộ Tư pháp đưa ra thông cáo báo chí về nội dung liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi “không đội mũ bảo hiểm theo quy định” của người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy. Tuy nhiên, thông cáo này có những điểm chưa chính xác, có thể gây hiểu nhầm cho người dân.

Theo người phát ngôn của Bộ Tư pháp, Thông tư liên tịch có những điểm thiếu thuyết phục và gây khó cho người dân và cảnh sát giao thông.  Thông cáo viết: “Theo quy định này, người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy phải đội mũ bảo hiểm và mũ bảo hiểm phải đáp ứng khoảng trên 10 tiêu chí như: Có tác dụng giảm chấn thương vùng đầu; có cấu tạo 03 bộ phận; kiểu dáng; đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy; được gắn dấu hợp quy CR và ghi nhãn hàng hóa theo quy định…”, “có nhiều loại mũ có hình dáng giống mũ bảo hiểm, mũ giả, mũ không đúng tiêu chuẩn nhưng đó là mũ bảo hiểm giả, người dân rất khó để phát hiện, phân biệt, thậm chí cũng rất khó đối với cả lực lượng cảnh sát giao thông”.
 
 Người tham gia giao thông chỉ bị xử phạt khi không đội mũ bảo hiểm và đội mũ bảo hiểm không cài quai theo đúng quy cách
 
Trao đổi với PV Chất Lượng Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Đánh giá hợp chuẩn hợp quy (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) cho biết: “Khoản 2 Điều 10 Dự thảo Thông tư liên tịch quy định: “ Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), xe đạp máy vi phạm quy định về đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ".
 
” Điều này có nghĩa là quy định của Chính phủ về đội Mũ bảo hiểm như thế nào thì sẽ bị xử phạt như vậy”, ông Linh nói.
 
Hiện tại quy định của Chính phủ tại Nghị định 34/2010 và Nghị định 71/2012 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34/2010 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ  quy định rất rõ:  “Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ:  Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Người điều khiển, người ngồi trên xe không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ.
 
Như vậy, người tham gia giao thông chỉ bị xử phạt khi không đội mũ bảo hiểm  và đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy cách!
 
“Hiện nay 2 Nghị định này đang được xem xét sửa đổi. Khi Nghị định sửa đổi này có hiệu lực (dự kiến 1.7.2013) có quy định rõ hơn thế nào là hành vi vi phạm về đội mũ bảo hiểm thì lúc đó người tham gia giao thông mới bị xử lý theo đúng hành vi đó”, ông Linh cho biết.
 
Không có chuyện CSGT phạt người đội mũ bảo hiểm dởm
 
Theo nguồn tin của Chất lượng Việt Nam, hiện nay quy định hành vi vi phạm về đội mũ bảo hiểm đang được xem xét chỉnh sửa theo hướng: “Người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, đội mũ bảo hiểm cài quai không đúng quy cách hoặc đội mũ bảo hiểm không đủ 3 bộ phận: vỏ mũ, lớp đệm hấp thụ xung động (lớp xốp bên trong vỏ mũ) và quai đeo”
 
"Như vậy, khi Nghị định này được thông qua theo quy định dự kiến như trên thì lúc đó ai tham gia giao thông mà đội mũ bảo hiểm không đủ 3 bộ phận sẽ bị xử phạt. Chứ không phải như báo chí hiện nay tuyên truyền là từ 15/4 người dân sẽ bị xử phạt nếu đội mũ bảo hiểm dởm. Dự thảo thông tư liên tịch không quy định như vậy”, ông Linh nói.
 
Cũng trong ngày hôm qua, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia đã tổ chức họp báo, theo đó, theo kế hoạch, từ ngày 15/3 đến ngày 15/6, Ủy ban ATGT Quốc gia, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), Cục CSGT đường bộ, đường sắt (Bộ Công an) sẽ tổ chức chiến dịch tuyên truyền, hướng dẫn người dân phân biệt mũ giả mạo mũ bảo hiểm và mũ bảo hiểm đạt quy chuẩn theo quy định của pháp luật.
 
Ngoài ra, thực hiện theo Chỉ thị 04 ngày 8/3 của Thủ tướng Chính phủ, lực lượng CSGT sẽ tăng cường kiểm tra, nhắc nhở và xử lý các trường hợp người tham gia giao thông không đội MBH, đội mũ bảo hiểm không đúng quy cách.
 
Trả lời  báo giới về thông cáo báo chí  về Thông tư 06 của Bộ Tư pháp được phát đi cùng ngày, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT, khẳng định không hề có chuyện CSGT xử phạt người dân đội mũ bảo hiểm “dởm”, giả, nhái, không đạt chất lượng.
 
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp cũng  cho biết, sắp tới Ban An toàn giao thông các tỉnh thành sẽ tổ chức ký cam kết với các cửa hàng bán mũ bảo hiểm trên địa bàn về việc chỉ bán mũ bảo hiểm đạt chuẩn, hợp quy. Bên cạnh đó sẽ tổ chức kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ tổ chức các điểm đổi mũ giả mạo mũ bảo hiểm lấy mũ bảo hiểm hợp quy, có trợ giá cho người đội mũ theo mô hình mà Đà Nẵng đã áp dụng thành công.
Điều 9, khoản 3 Nghị định 34/2010 Chính phủ nêu rõ: 
 
 Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông;
b) Không giảm tốc độ hoặc không nhường đường khi điều khiển xe chạy từ trong ngõ, đường nhánh ra đường chính;
c) Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 05 km/h đến dưới 10 km/h;
d) Điều khiển xe chạy tốc độ thấp mà không đi bên phải phần đường xe chạy gây cản trở giao thông;
đ) Đi vào đường cấm, khu vực cấm; đi ngược chiều của đường một chiều, trừ trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định;
e) Bấm còi, rú ga liên tục trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định;
g) Xe không được quyền ưu tiên sử dụng tín hiệu còi, cờ, đèn của xe ưu tiên;
h) Người điều khiển xe hoặc người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt súc vật, mang vác vật cồng kềnh; người ngồi trên xe đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái; xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định; điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác;
i) Người điều khiển, người ngồi trên xe không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ;
k) Chở người ngồi trên xe không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật;
l) Chở theo 2 (hai) người trên xe, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 14 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật.
 

Thanh Uyên
 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang