Đối phó với vấn nạn mạo danh, xâm phạm uy tín thương hiệu doanh nghiệp

author 05:38 27/07/2023

(VietQ.vn) - Những hành vi: Giả mạo nhãn hiệu, thông tin doanh nghiệp, sử dụng trái phép hình ảnh, thương hiệu công ty… đang diễn ra ngày càng phổ biến với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, sử dụng kết hợp các công cụ mạng xã hội, không chỉ làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp mà còn xâm phạm, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng và người dùng.

Nguyên nhân dẫn tới hành vi giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm uy tín thương hiệu doanh nghiệp ngày càng phổ biến

Bản thân doanh nghiệp chưa có ý thức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trước khi kinh doanh nên khi xảy ra tình huống bị giả mạo hình ảnh, thông tin doanh nghiệp nhưng không biết dựa vào đâu, căn cứ nào để xử lý.

Chế tài xử phạt hành chính chưa đủ sức răn đe và dường như chúng ta chưa có được các cơ quan đủ mạnh, đủ kiến thức chuyên môn để xử lý các hành vi trên mạng.

Quá trình xử lý vi phạm cũng mất nhiều thời gian và phức tạp. Trong đó xử lý hành chính sẽ gặp khó khăn nếu không tìm ra được đối tượng vi phạm. Còn với dân sự, việc xác định thiệt hại là vô cùng phức tạp.

Mặt khác, các đối tượng vi phạm không có thông tin địa chỉ chính xác trên thực tế, có hoạt động kinh doanh không minh bạch nên không thể truy ra địa chỉ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến quá trình xử lý vi phạm.

Doanh nghiệp nên thường xuyên theo dõi hoạt động trên mạng liên quan đến thương hiệu của mình. Ảnh minh họa

Một số biện pháp chống xâm phạm thương hiệu dành cho doanh nghiệp

Thử nhất, đăng ký bảo hộ là việc đầu tiên và được xem là biện pháp pháp lý hữu hiệu nhất để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nên thực hiện càng sớm càng tốt để có căn cứ pháp lý bảo vệ cho quyền lợi của mình trước những hành vi sử dụng trái phép, hạn chế một cách tối đa thiệt hại do việc khai thác, sử dụng bất hợp pháp của các chủ thể khác. Sau khi đăng ký, doanh nghiệp công khai các thông tin liên quan đến thương lịiệu về văn bằng bảo hộ, chủ sở hữu, phạm vi, thời Ỉạn bảo hộ và các thông tin khác nhằm thông báo rằng, các đối tượng sở hữu trí tuệ đang được bảo hộ à khuyến cáo người khác không được xâm phạm, ất nhiên, điều đó không có nghĩa là thương hiệu sẽ không bị xâm phạm nữa.

Thứ hai, cùng với hoạt động đăng ký bảo hộ, doanh nghiệp có thể áp dụng một hoặc một vài các biện pháp kỹ thuật cho sản phẩm. Cụ thể như:

Tạo tên thương hiệu và dấu hiệu độc đáo khác biệt: Một thương hiệu với tên gọi và logo có tính cá biệt cao, không bị trùng lặp hoặc khó trùng lặp sẽ là rào cản để bảo vệ thương hiệu khỏi bị xâm phạm. Tên thương hiệu cần ấn tượng, đơn giản, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, mang lại nhiều cảm xúc, có tính cách riêng, có tính văn hóa và có đặc tính gắn liền với chất lượng hàng hóa, chuyển tải những thông điệp phù hợp, lột tả được giá trị sản phẩm cũng như giá trị của thương hiệu.

Bao bì và kiểu dáng hàng hoá độc đáo và thường xuyên đổi mới: Bao bì và kiểu dáng sản phẩm thể hiện tính thương mại, kỹ thuật, mỹ thuật, thúc đẩy hành vi mua hàng và còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sản phẩm. Hình ảnh thiết kế trên bao bì và kiểu dáng hàng hóa càng độc đáo và thường xuyên đổi mới thì đối thủ cạnh tranh càng khó sao chép hay làm giả sản phẩm.

Sử dụng các loại tem cho thấy rõ nguồn gốc của sản phẩm: Thiết kế và sử dụng các loại tem chống hàng giả cũng là một rào cản xâm phạm thương hiệu. Đó có thể tem chống hàng giả, chip điện tử, chất chỉ thị màu, cảm quang, hoặc các dấu hiệu riêng cầu kỳ, phức tạp... Giải pháp công nghệ cao 4.0 để chống hàng giả có thể được ứng dụng như: Tem chống hàng giả công nghệ nước (khi thoa nước lên bề mặt tem, logo hoặc tên doanh nghiệp sẽ hiến thị); tem chống hàng giả công nghệ phát sáng (khi soi đèn cực tím, trên bề mặt tem sẽ phát sáng); tem chống hàng giả công nghệ điện tử (SMS) kết hợp QR Code, nhiệt, nước và phát sáng (giúp khách hàng kiếm tra sản phẩm bằng cách nhắn tin SMS và quét QR Code bằng điện thoại thông minh và tra cứu trên web).... Việc truy xuất nguồn gốc sẽ cung cấp đày đủ thông tin cho người tiêu dùng về nơi chế biến, nhà sản xuất, tên sản phẩm, giá cả, các địa điểm phân phối, thời gian cụ thể từng giai đoạn sản xuất và cung ứng...

Thứ ba, thiết lập mạng lưới truyền thông xây dựng hình ảnh thương hiệu kết nối khách hàng với thương hiệu đúng nơi và đúng lúc. Truyền thông thương hiệu tạo hiệu ứng đám đông, tập trung dư luận, tác động tích cực tới khách hàng. Doanh nghiệp có khá nhiều hình thức truyền thông thương hiệu nhằm đạt được hiệu quả tối đa như truyền thông qua truyền hình, quảng cáo trên các trang web, bao bì, internet, ấn phẩm...

Doanh nghiệp cần ứng xử như thế nào khi đối diện với tình huống bị mạo danh, xâm phạm nhãn hiệu, uy tín doanh nghiệp

Theo dõi và giám sát: Doanh nghiệp nên thường xuyên theo dõi hoạt động trên mạng liên quan đến thương hiệu của mình. Điều này bao gồm theo dõi sự xuất hiện của thương hiệu trên các trang web, diễn đàn, mạng xã hội và quan sát ý kiến và đánh giá từ người dùng.
Phản hồi nhanh chóng: Nếu phát hiện bất kỳ hoạt động xâm phạm thương hiệu, doanh nghiệp nên phản ứng nhanh chóng. Liên hệ với các bên liên quan như nhà cung cấp dịch vụ, nhà đăng ký tên miền hoặc nền tảng mạng xã hội để yêu cầu xử lý sự việc và loại bỏ nội dung xâm phạm.

Tương tác và đối phó công khai: Doanh nghiệp có thể đối phó với các thông tin xâm phạm trên mạng bằng cách tương tác công khai. Điều này có thể bao gồm việc đăng bài viết, bình luận hoặc phản hồi trực tiếp để giải đáp và làm rõ thông tin, đồng thời xây dựng lại uy tín và đáp ứng đối tác và khách hàng.

Nâng cao nhận diện thương hiệu: Tăng cường quảng cáo tích cực để đảm bảo rằng thông điệp chính xác và đúng truyền đạt đến khách hàng và công chúng. Tăng cường hoạt động quảng cáo và truyền thông để tạo dựng và nâng cao nhận diện thương hiệu tích cực và đánh bại thông tin xâm phạm.

Tìm kiếm sự hỗ trợ của luật sư: Nếu tình huống xâm phạm trở nên phức tạp hoặc không thể tự giải quyết, doanh nghiệp nên tìm kiếm sự tư vấn và hỗ trợ từ luật sư cũng như chuyên gia về thương hiệu…vv

Khuyến nghị tới người dân sử dụng Internet đối mặt với thông tin giả mạo, xâm phạm uy tín thương hiệu doanh nghiệp

Cần nâng cao nhận thức và phân biệt thông tin đúng và thông tin sai trước khi chia sẻ và phát tán thông tin về một doanh nghiệp hay thương hiệu nào đó. Các doanh nghiệp được coi là chính thống luôn công khai những thông tin hoạt động kinh doanh, thông tin thanh toán qua website, mạng xã hội để mọi người cùng nắm được.

Tuân thủ luật pháp. Người dùng internet nên tuân thủ các quy định và pháp luật sở hữu trí tuệ. Không sao chép, phát tán hoặc sử dụng trái phép nội dung, hình ảnh, logo hoặc thông tin thuộc về doanh nghiệp khác. Ngoài ra cũng phải tuân thủ các pháp luật khác có liên quan như Luật cạnh tranh, pháp luật bảo vệ dữ liệu cá nhân, Luật an ninh mạng…

Báo cáo vi phạm: Nếu phát hiện hoạt động xâm phạm uy tín và thương hiệu của một doanh nghiệp, hãy báo cáo vụ việc cho nhà cung cấp dịch vụ, nền tảng mạng xã hội hoặc cơ quan có thẩm quyền. Báo cáo này có thể giúp giải quyết vấn đề và bảo vệ các doanh nghiệp khỏi sự xâm phạm.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang