Đồng hành cùng doanh nghiệp FDI vượt khó do dịch bệnh

author 19:06 27/09/2021

(VietQ.vn) - Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt về thu hút vốn đầu tư nước ngoài giữa các quốc gia thì Việt Nam càng phải chứng tỏ tinh thần cầu thị, tập trung vào việc cải cách hành chính, chứng minh được sự sẵn sàng tiếp nhận cũng như tạo điều kiện thuận lợi tối đa đối với doanh nghiệp FDI.

Theo số liệu thống kê, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong mấy tháng qua có xu hướng giảm do ảnh hưởng nặng nề của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4. Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với nhà đầu tư.

Cụ thể, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI (VAFIE) cho rằng, do ảnh hưởng nặng nề của đợt dịch Covid-19 thứ tư, nhiều doanh nghiệp FDI gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, những khó khăn này chỉ là tạm thời và khả năng dịch chuyển chuỗi cung ứng của nhà đầu tư nước ngoài ra khỏi Việt Nam là rất ít.

“Việc dịch chuyển nhà xưởng ra khỏi một quốc gia để thiết lập nhà xưởng sản xuất tại quốc gia khác là rất phức tạp. Vì vậy, trước mắt các doanh nghiệp FDI vẫn chưa dịch chuyển ra khỏi Việt Nam nhưng có thể họ phải đẩy bớt một số đơn hàng ra cơ sở sản xuất khác để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng”, ông Toàn cho biết.

Khả năng dịch chuyển chuỗi cung ứng của nhà đầu tư nước ngoài ra khỏi Việt Nam là rất ít. Ảnh minh họa.

Về trung và dài hạn, đại diện VAFIE cho rằng Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với nhà đầu tư ngoại khi lao động, ưu đãi đầu tư… vẫn được xem là yếu tố hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Đặc biệt, trong bối cảnh một số quốc gia phát triển phục hồi trở lại sau đại dịch, quá trình tìm kiếm cơ hội đầu tư càng được đẩy nhanh.

Đồng quan điểm, ông Trịnh Văn Quang, Giám đốc Phát triển dự án Vina CPK cho biết, Việt Nam vẫn được đánh giá là quốc gia được hưởng lợi từ làn sóng chuyển dịch đầu tư. Theo đó, một lần nữa khẳng định môi trường đầu tư của Việt Nam thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư FDI chứ không phải chỉ là lợi thế về nhân công giá rẻ và chi phí thuê mặt bằng thấp so với các nước trong khu vực. “Diễn biến tích cực này cho thấy các chính sách của nhà nước và sự ổn định về chính trị xã hội của Việt Nam đang là lợi thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực”, ông Quang chia sẻ.

Mặc dù vẫn lạc quan trước những triển vọng trong thu hút FDI nhưng theo lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài, đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tiếp tục có tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khu vực phía Nam.

Do đó, các chuyên gia cho rằng, trước mắt Chính phủ Việt Nam cần hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài, cùng đồng hành vượt qua khó khăn hiện nay như triển khai tiêm vaccine, hỗ trợ về vốn… đồng thời, tiếp tục phát triển các quyết sách lâu dài đảm bảo lợi ích cho các nhà đầu tư.

Mới đây, tại cuộc gặp với Thủ tướng, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng kiến nghị đẩy nhanh tiêm vaccine cho người lao động tại doanh nghiệp; trong đó, có các doanh nghiệp châu Âu. Ngoài vaccine, các doanh nghiệp EU tại Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ sửa mô hình "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến" đang khiến hầu hết doanh nghiệp khó khăn. Ngoài ra, các khó khăn liên quan tới chuỗi cung ứng, hậu cần logistics... cũng khiến các doanh nghiệp EU tại Việt Nam gặp khó, và họ đã có những kiến nghị cụ thể gửi tới Thủ tướng.

Có thể nói, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt về thu hút vốn đầu tư nước ngoài giữa các quốc gia thì Việt Nam càng phải chứng tỏ tinh thần cầu thị, tập trung vào việc cải cách hành chính, chứng minh sự sẵn sàng tiếp nhận cũng như tạo điều kiện thuận lợi tối đa đối với doanh nghiệp FDI.

Các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, tác động, kết quả do cải cách thể chế, hành chính luôn mang lại hiệu quả thiết thực đối với nhà đầu tư, vì họ được thụ hưởng quyền lợi thông qua sự minh bạch và bền vững, đồng thời cho phép tiết kiệm thời gian tuân thủ quy định gắn liền với giảm thiểu chi phí…

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang