Đồng Nai: Truy xuất nguồn gốc thực phẩm thiết yếu có nguồn gốc động vật hướng tới các sản phẩm an toàn

author 05:10 19/07/2023

(VietQ.vn) - Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, truy xuất nguồn gốc thực phẩm thiết yếu có nguồn gốc động vật là giải pháp căn cơ và thiết thực để giải quyết nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm an toàn.

Nhằm đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động truy xuất nguồn gốc để phục vụ hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa, đảm bảo công khai, minh bạch các thông tin truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, hàng hóa trên thị trường, cung cấp thông tin, kiến thức thiết yếu về truy xuất nguồn gốc, ngày 19/01/2019 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc, trong đó giao Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng, vận hành và quản lý Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia. 

Với nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, tỉnh Đồng Nai đã không ngừng hợp tác chặt chẽ trong xây dựng, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong đó việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm thiết yếu có nguồn gốc động vật là giải pháp căn cơ và thiết thực để giải quyết nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ trên thị trường nên tỉnh Đồng Nai rất quan tâm thực hiện.

 Trong 6 tháng đầu năm 2023 toàn tỉnh Đồng Nai có hơn 34 ngàn con heo được đeo vòng và dán tem truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Phan Anh

Ngay từ năm 2021 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai đã hợp tác với đơn vị tiên phong trong việc phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc theo tiêu chuẩn quốc gia. Theo đó hỗ trợ 2.000 doanh nghiệp, HTX, trang trại tỉnh Đồng Nai sử dụng miễn phí hệ thống truy xuất nguồn gốc bao gồm đăng ký tài khoản, hỗ trợ cập nhật thông tin, hình ảnh về sản phẩm, tạo mã QR Code trong vòng 1 năm.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, hiện nay chăn nuôi đang phát triển theo hướng trang trại (khoảng 90%), khoảng 21% trang trại chăn nuôi sử dụng chuồng lạnh, chuồng kín, 11,5% trang trại ứng dụng công nghệ tự động hóa trong chăn nuôi. Khoảng 45% tổng đàn heo, 31% tổng đàn gà của các doanh nghiệp được truy xuất nguồn gốc. Từ 20 - 22% tổng sản lượng gà, heo cung ứng ra thị trường đạt chứng nhận VietGAHP; 84% cơ sở sản xuất chăn nuôi có hệ thống xử lý chất thải…

Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có hơn 34 ngàn con heo được đeo vòng và dán tem truy xuất nguồn gốc; trên 1,1 ngàn trang trại đã khai báo chăn nuôi trên phần mềm quản lý chăn nuôi.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết thêm, mặc dù ngành chăn nuôi của tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan nhưng vẫn còn những khó khăn tồn tại. Do đó trong giai đoạn từ nay tới 2025, ngành nông nghiệp địa phương này sẽ tập trung triển khai nhiều chương trình, đề án lớn trong lĩnh vực nông nghiệp như phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ. 

Tiếp tục tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi trong giá trị sản xuất nông nghiệp. Chăn nuôi theo hướng trang trại quy mô lớn, ưu tiên các dự án đầu tư ứng dụng công nghê cao trong xử lý chất thải, dự án sản xuất giống, dự án nuôi gia cầm đẻ trứng và các dự án đầu tư gắn với sơ chế, chế biến sản phẩm.

Chuyển đổi cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng giảm tỷ trọng đàn heo, tăng tỷ trọng đàn gia cầm và gia súc ăn cỏ. Tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đặc biệt là đầu tư các dự án chuỗi liên kết gắn sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm để nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp tại các địa phương có nhiều tiềm năng.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang