Đồng Tháp: Nâng cao khả năng ứng dụng truy xuất sản phẩm hàng hóa cho doanh nghiệp

author 06:47 17/07/2024

(VietQ.vn) - Nhằm đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế, tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức các buổi tập huấn chuyên sâu về mã số mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho các doanh nghiệp.

Theo đó, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Đồng Tháp đã phối hợp với Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia tổ chức các buổi tập huấn về mã số mã vạch, nhãn hàng hóa và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa cho các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã, hội quán, chủ thể OCOP và cán bộ, công chức các sở, ngành, huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Một buổi tổ chức tập huấn truy xuất nguồn gốc tại Đồng Tháp. Ảnh: Báo Đồng Tháp

Các chuyên gia chia sẻ nhiều thông tin về tổng quan về mã số mã vạch, lợi ích sử dụng mã số mã vạch trong sản xuất, tiêu thụ, xuất nhập khẩu; hệ thống GS1 (hệ thống tiêu chuẩn được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới) toàn cầu và GS1 Việt Nam; phổ biến các quy định liên quan đến mã số mã vạch; hướng dẫn triển khai đăng ký sử dụng, hệ thống quản lý mã số mã vạch; phổ biến các quy định về nhãn hàng hóa, chia sẻ kinh nghiệm khắc phục các lỗi phổ biến trong ghi nhãn hàng hóa mà các cơ sở sản xuất, kinh doanh cần nắm rõ.

Bên cạnh đó, phổ biến nội dung thông tư quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hoá; hướng dẫn, triển khai áp dụng mô hình truy xuất nguồn gốc, giới thiệu các mô hình truy xuất nguồn gốc theo đặc thù riêng từng địa phương và mô hình áp dụng truy xuất nguồn gốc phù hợp tiêu chuẩn quốc gia; Giới thiệu demo ứng dụng truy xuất nguồn gốc; giải pháp quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc, cầu nối thông tin minh bạch về sản phẩm, hàng hóa Việt Nam; tem QR truy xuất nguồn gốc...

Theo tiêu chuẩn TCVN 12850:2019, tổ chức phải xác định dữ liệu truy xuất nguồn gốc bao gồm các dữ liệu từ các bộ phận và quá trình khác nhau trong phạm vi truy xuất nguồn gốc đã xác định. Dữ liệu truy xuất nguồn gốc phải trả lời các câu hỏi “Ai, Cái gì, Ở đâu, Khi nào và Tại sao” và phải được tạo ra mỗi khi một quá trình liên quan đến truy xuất nguồn gốc được thực hiện trong tổ chức.

Hệ thống truy xuất nguồn gốc phải đảm bảo khả năng truy xuất ngược, xuôi trong chuỗi cung ứng và có tính thích ứng, khả năng nâng cấp. Tổ chức cần xác định sự kiện theo dõi trọng yếu và phần tử dữ liệu chính, thiết lập hệ thống thu thập, lưu trữ, chia sẻ dữ liệu và đảm bảo tính tương tác, trao đổi dữ liệu thông tin với các bên tham gia trong chuỗi cung ứng.

Mô hình hoạt động cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa Quốc gia.

Việc xây dựng và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo TCVN 12850:2019 giúp các tổ chức đạt được mục tiêu quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, chất lượng và an toàn sản phẩm, tạo sự minh bạch thông tin và nâng cao uy tín của tổ chức. Đồng thời, sản phẩm sẽ có giá trị cao hơn, góp phần xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam xuất khẩu và tạo niềm tin với người tiêu dùng.

Nhiều thị trường trên thế giới hiện nay yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm như một điều kiện bắt buộc, đặc biệt là các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật và Trung Quốc. Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) cũng đề cao vấn đề nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Để xuất khẩu sang EU, hàng hóa Việt phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm. Trung Quốc, một thị trường lớn của Việt Nam, cũng ban hành nhiều chính sách kiểm soát thương mại biên mậu và kiểm tra an toàn thực phẩm, trong đó yêu cầu phải thực hiện truy xuất nguồn gốc.

Do đó, việc nâng cao khả năng ứng dụng truy xuất sản phẩm hàng hóa là bước đi quan trọng giúp doanh nghiệp Đồng Tháp đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường trong nước và quốc tế, nâng cao giá trị sản phẩm và uy tín thương hiệu, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp và kinh tế địa phương.

Duy Trinh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang