Đồng Tháp: Phát hiện hơn một tấn đường cát nhập lậu chuẩn bị đi tiêu thụ

author 14:06 22/02/2023

(VietQ.vn) - Lực lượng Hải quan Đồng Tháp vừa phối hợp với các đơn vị bắt giữ vụ nhập lậu đường cát qua biên giới. Tang vật thu giữ 1.350 kg đường cát ghi nhãn hiệu CAMBODIA WHITE SUGAR.

Theo đó, vào lúc hơn 3h ngày 20/02/2023, Tổ công tác gồm Đội Nghiệp vụ Hải quan cửa khẩu Sở Thượng, Cục Hải quan Đồng Tháp phối hợp với Công an xã Thường Thới Hậu A, Trạm Biên phòng cửa khẩu Ba Nguyên tổ chức tuần tra, kiểm soát tuyến đường nội đồng khu vực từ cầu Bình Tân Nhơn đi ngã tư Nam Hang thuộc ấp Bình Hòa Trung, xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự phát hiện, bắt giữ 1.350 kg đường cát chứa trong nhiều bao PP, trên bao bì có ghi nhãn hiệu CAMBODIA WHITE SUGAR, do Campuchia sản xuất và nhãn hiệu WHITE SUGAP HACCP, do Thái Lan sản xuất.

Bước đầu, lực lượng Hải quan xác định, toàn bộ số đường trên do các đối tượng buôn lậu dùng xe gắn máy vận chuyển từ biên giới theo đường nội đồng, nhằm tránh các lực lượng chức năng kiểm soát, để đưa vào nội địa để tiêu thụ. Khi phát hiện Tổ công tác đang làm nhiệm vụ, các đối tượng bỏ lại các bao đường kết tinh, lợi dụng đêm tối bỏ trốn.

Hiện vụ việc được Đội Nghiệp vụ Hải quan cửa khẩu Sở Thượng phối hợp lập hồ sơ xử lý theo quy định.

Hơn 1 tấn đường cát nhập lậu bị tạm giữ

Theo lực lượng chức năng, một trong những khó khăn trong việc ngăn chặn đường buôn lậu, nhập khẩu trái phép vào Việt Nam chính là do thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu đường cát rất tinh vi nhằm trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng như: Chia nhỏ, đóng bao (loại 50 kg) đường nhập lậu bằng bao bì đường Việt Nam ở bên kia biên giới rồi sử dụng giấy tờ hợp pháp tuồn sâu vào nội địa hoặc xóa hết các thông tin trên bao bì đựng đường để cơ quan chức năng không xác định được nguồn gốc xuất xứ; Tổ chức thành nhóm với đường dây chặt chẽ, thuê người theo dõi lực lượng chống buôn lậu để tìm cách đối phó; lợi dụng khu vực cửa khẩu phụ, đường mòn, lối mở để vận chuyển trái phép qua biên giới; sử dụng phương tiện chuyên chở hàng đa dạng…

Các đối tượng cầm đầu đường dây buôn lậu đều không trực tiếp thực hiện, mà chúng thuê người làm thay, dùng lợi ích kinh tế để thu hút và gắn chặt họ vào đường dây, một số đối tượng do không có nghề nghiệp ổn định, một số đã có tiền án, tiền sự, có kinh nghiệm đối phó với cơ quan chức năng khi bị bắt giữ gây khó khăn trong việc xử lý đối với đối tượng cầm đầu...

Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh ngăn chặn, Công an các địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để giúp người dân nâng cao nhận thức, tham gia góp phần phòng ngừa đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung, chống buôn lậu đường cát nói riêng. Xem xét trang cấp thêm phương tiện, công cụ hỗ trợ và các trang thiết bị phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh chống buôn lậu.

Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu xây dựng và triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc các sản phẩm đường. Với công nghệ hiện tại, việc truy xuất bằng mã QR hoàn toàn có thể thực hiện đồng bộ từ đó giúp các cơ quan chức năng kiểm tra được tính hợp pháp và xuất xứ hàng hóa một cách nhanh chóng. Ví dụ thành công gần đây là việc sử dụng mã QR để kiểm soát xe luồng xanh đem lại nhiều hiệu quả khả quan. Một khi triển khai truy xuất nguồn gốc thành công, đường lậu sẽ không còn có “đất” để tồn tại và gây lũng đoạn thị trường như hiện nay.

Nhưng quan trọng hơn vẫn là có những biện pháp chế tài thích đáng đối với các đối tượng tham gia và tiếp tay cho đường lậu, kiên quyết tiến hành điều tra, xử lý nghiêm những công chức có hành vi bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu và gian lận thương mại đường nhập lậu; tăng mức xử phạt với hành vi vi phạm… Cùng với đó, cần xử lý nghiêm là hoạt động mua bán hoá đơn bất hợp pháp tạo vỏ bọc cho “đường lậu” thay đổi nguồn gốc. Nếu được thực hiện quyết liệt, “không vùng cấm”, các giải pháp trên sẽ ngăn chặn hầu như triệt để đường lậu ngay tại đường biên.

Bảo Linh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang