Đồng Tháp ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm nông nghiệp

(VietQ.vn) - Tỉnh Đồng Tháp đang tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, đảm bảo chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập cho người dân.
Phát triển công nghệ mới tạo ra loại kính không sử dụng hóa chất độc hại để tự làm sạch
AISC 2025- Cơ hội để Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị ngành công nghệ cao
Xung lực mới tạo đột phá cho ngành khoa học công nghệ
Tận dụng lợi thế về khoa học công nghệ trong quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa
Phong trào ứng dụng khoa học công nghệ lan tỏa
Trong những năm gần đây, tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều bước tiến quan trọng trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Các sở, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ cùng với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và người dân về tầm quan trọng của việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Qua đó, tỉnh Đồng Tháp đã cụ thể hóa thành công Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị khóa XIII về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số Quốc gia.
Người dân ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: baodongthap.vn
Người dân đã dần thay đổi nhận thức, chuyển từ quan niệm “sản xuất nông nghiệp” sang “làm kinh tế nông nghiệp”. Không chỉ dừng lại ở sản xuất nhỏ lẻ, nhiều nông dân còn chủ động liên kết và tham gia vào các hợp tác xã để có điều kiện tốt hơn trong việc sản xuất đầu vào và tiêu thụ đầu ra sản phẩm. Những bước đi này không chỉ góp phần tăng thu nhập mà còn giúp nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, tạo niềm tin vững chắc cho người tiêu dùng trong nước cũng như mở rộng thị trường quốc tế.
Đặc biệt, Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Tháp đã phối hợp các báo, đài truyền hình triển khai các chuyên trang, chuyên mục về truy xuất nguồn gốc theo tiêu chuẩn TCVN 2850:2019. Những thông tin này giúp người dân nắm rõ quy trình, tiêu chuẩn và cách thức áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, từ đó tạo ra một môi trường sản xuất minh bạch và hiệu quả.
Tập huấn và chuyển giao công nghệ để ngành nông nghiệp 'bay xa'
Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Tháp phối hợp cùng Trung tâm Mã số, mã vạch Quốc gia (Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia) đã tổ chức nhiều khóa tập huấn tại TP Cao Lãnh và các huyện như Châu Thành, Lai Vung, Lấp Vò, Sa Đéc. Các khóa tập huấn với chủ đề “Mã số, mã vạch, nhãn hàng hóa và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa” đã hướng dẫn cho các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã, hội quán và chủ thể OCOP về thiết kế nhãn hiệu, bao bì theo nhu cầu thị trường hiện đại. Thông qua đó, người tham gia nắm vững kiến thức tổng quan về lĩnh vực truy xuất nguồn gốc, giúp họ áp dụng hiệu quả các tiêu chuẩn Quốc gia vào thực tiễn sản xuất kinh doanh.
Việc chuyển giao công nghệ không chỉ dừng lại ở khâu tập huấn mà còn mở rộng ra các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, sơ chế và bảo quản nông sản. Trên địa bàn tỉnh, các vùng nguyên liệu quy mô tập trung đã được hình thành, gắn liền với hệ thống mã vùng trồng và truy xuất nguồn gốc điện tử, đảm bảo cung ứng và liên kết tiêu thụ qua các kênh phân phối hiện đại.
Đơn cử trong ngành hàng lúa, gạo – một trong những ngành hàng chủ lực của Đồng Tháp – đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Tỉnh đã cấp 718 mã số vùng trồng với tổng diện tích hơn 132.210 ha. Trong đó, diện tích đạt chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm là 8.083 ha với sản lượng 163.728 tấn/năm; diện tích đạt chứng nhận VietGAP là 5.588 ha với sản lượng 96.683 tấn/năm; diện tích sản xuất hữu cơ đạt 1,2 ha; và diện tích áp dụng truy xuất nguồn gốc điện tử là 183,2 ha. Các hợp tác xã và tổ hợp tác với doanh nghiệp đã thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ trên tổng diện tích trên 116.000 ha, chiếm 23,4% tổng diện tích gieo trồng, góp phần tạo ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của ngành hàng lúa.
Đặc biệt, mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP (sản xuất lúa gạo bền vững) được triển khai tại huyện Thanh Bình với diện tích 790 ha. Phương thức sản xuất này áp dụng giải pháp "1 phải, 5 giảm", tức là bắt buộc sử dụng giống được xác nhận và giảm các chi phí như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chi phí bơm tát, thu hoạch và thất thoát sau thu hoạch. Mô hình SRP không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng mà còn tăng hiệu quả kinh tế, mang lại thu nhập cao cho nông hộ. Ông Tạ Văn Bông - Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Bình cho biết, HTX đang quyết tâm tái cơ cấu ngành nông nghiệp thông qua việc thành lập các cánh đồng lớn, tập hợp thành viên sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, từ đó thu hút các doanh nghiệp đến hợp đồng thu mua.
Mô hình sản xuất xoài hữu cơ cũng được triển khai tại ấp Tân Hậu, xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh với 24 thành viên tham gia. Ông Đặng Văn Những, Chủ nhiệm Tâm Quê Hội quán làm tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất, cho biết, khi tham gia tổ hợp tác sản xuất, nông dân được nhà nước hỗ trợ 50% chi phí mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và máy móc phục vụ sản xuất. Phương pháp canh tác xoài theo hướng hữu cơ giúp giảm thiểu sử dụng hóa chất, đảm bảo an toàn thực phẩm và tạo điều kiện bán được giá cao trên thị trường có truy xuất nguồn gốc.
Để thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Tháp đã kết nối với các trường đại học danh tiếng như Đại học Cần Thơ, Đại học Đồng Tháp, và Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh). Qua đó, tỉnh đã xúc tiến nhiều hoạt động chuyển giao công nghệ, xét chọn cho 10 doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo nhằm phục vụ sản xuất kinh doanh. Các đề tài nghiên cứu như “Cải thiện giống hoa hồng lửa và hoa cúc Tiger phù hợp với Làng hoa Sa Đéc”, “Sản xuất thử nghiệm, nghiên cứu sản xuất nguyên liệu và giá thể trồng hoa kiểng quy mô công nghiệp cho Làng hoa Sa Đéc” và “Nghiên cứu đa dạng hóa bộ giống sen và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong canh tác sen của tỉnh Đồng Tháp” đã góp phần đăng ký xác lập chủ quyền, quản lý và phát triển quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực của địa phương.
Nhìn về tương lai, tỉnh Đồng Tháp sẽ tiếp tục triển khai tổ chức sản xuất và phát triển các ngành hàng chủ lực gắn với truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu thụ ngày càng khắt khe. Đồng thời, các chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ cùng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh tiếp cận nguồn vốn, đầu tư máy móc thiết bị, đổi mới quy trình sản xuất sẽ được đẩy mạnh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông sản.
Bên cạnh đó, phát triển thị trường khoa học công nghệ là một trong những trọng điểm của tỉnh. Việc kết nối, chuyển giao công nghệ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các sáng chế và kết quả nghiên cứu có tiềm năng thương mại hóa trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và nâng cao chất lượng sản phẩm ra thị trường trong nước cũng như quốc tế.
Duy Trinh (t/h)