Sử dụng chung đồ dùng có thể gây lây nhiễm bệnh không mong muốn

authorHương Giang 13:38 01/02/2021

(VietQ.vn) - Việc dùng chung những loại đồ dùng sau đây không chỉ mất vệ sinh, thậm chí còn có thể gây nguy hiểm cho sức khoẻ như lây lan nấm, vi khuẩn,... và một số bệnh truyền nhiễm khác.

Những đồ dùng cá nhân như bàn chải, dao cạo,... mọi người đều biết không nên dùng chung. Tuy nhiên, có rất nhiều đồ dùng cá nhân khác mà chúng ta thỉnh thoảng dùng chung với người khác nhưng thực sự không nên. Sau đây là danh sách các vật dụng không được có nhiều hơn một chủ sở hữu và cách giữ chúng sạch sẽ trong tình trạng tốt nhất.

Son bóng và son môi

Chắc hẳn ai cũng đã trong tình huống người quen của mình quên không mang đồ trang điểm và hỏi mượn son môi. Hành động dùng chung này tưởng chừng như vô hại nhưng đây lại điều khiến nhiều bệnh như nổi mụn rộp, nhiều loại vi khuẩn và virus dễ dàng lây truyền qua son môi. Ngay cả khi người dùng không bị ảnh hưởng rõ ràng, mầm bệnh vẫn có thể tồn tại trong màng nhầy miệng và nước bọt. 

Nếu đã có những biểu hiện nổi mụn, mẩn đỏ xung quanh miệng, hãy ngừng sử dụng son môi đó. Sau khi hết mẩn ngứa, mọi người nên mua một sản phẩm mới để ngăn ngừa bệnh tái phát. Để tránh sự tích tụ của bụi bẩn và vi khuẩn, hãy dùng khăn giấy sạch để loại bỏ lớp trên cùng của son môi thường xuyên.

Tai nghe

Mỗi người có một hệ vi khuẩn cân bằng duy nhất trong ráy tai của mình. Bất cứ khi nào quyết định chia sẻ tai nghe với người khác, chúng ta có nguy cơ đối diện với sự phá vỡ cân bằng này và gây ra nhiễm trùng tai.

Mọi người có thể vệ sinh tai nghe bằng cách dùng que hoặc tăm bông nhúng vào dung dịch oxy già với lượng vừa đủ để không làm hỏng loa. Các miếng đệm mút có thể được khử trùng bằng cách ngâm vào cồn. Trong trường hợp sử dụng thường xuyên, hãy đảm bảo vệ sinh tai nghe ít nhất 1 lần/tuần.

Kẹp tóc và máy uốn tóc

Mọi người chỉ nghĩ rằng không nên cho mượn lược nhưng thực chất điều này áp dụng với  tất cả các phụ kiện tóc tiếp xúc với da đầu. Nấm và chấy rất dễ lây lan qua việc mượn băng đô, lược, khăn quấn đầu hoặc dụng cụ uốn tóc.

Các loại phụ kiện bằng vải nên được giặt vài tuần một lần, tùy thuộc vào tần suất sử dụng. Dụng cụ uốn tóc và kẹp tóc bằng kim loại có thể được rửa sạch bằng nước xà phòng.

Lăn khử mùi

Ngay cả các chất khử mùi có đặc tính kháng khuẩn thì việc tiếp xúc với các bề mặt chứa vi khuẩn vẫn khá nguy hiểm, bởi vi khuẩn gây ra mùi mồ hôi có thể bám trên sản phẩm và lây lan nếu sử dụng chung.

Tốt nhất mọi người nên sử dụng chất khử mùi ngay sau khi vừa tắm xong, thời điểm này da vẫn sạch sẽ.  Nếu cần làm sạch vùng nách trong ngày, hãy lau chúng bằng khăn giấy ẩm trước rồi sử dụng lăn khử mùi

Khăn tắm

Chức năng chính của khăn là thấm hút lượng nước từ bề mặt cơ thể một cách tối đa. Đó là lý do tại sao ngay cả khi cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh, độ ẩm bên trong phòng tắm tăng dần sẽ biến vải ẩm như khăn tắm, khăn mặt thành nơi sinh sản tuyệt vời cho nấm mốc, vi khuẩn.

Các chuyên gia vệ sinh khuyên mọi người nên thay khăn 3-4 ngày một lần. Khăn nên được phơi ở nơi khô ráo như ngoài ban công thay vì để trong phòng tắm.

Phụ kiện làm đẹp, làm móng

Nhíp, bấm móng tay, máy nhổ lông, dao cạo râu chỉ nên là đồ dùng cá nhân của từng người. Trong quá trình sử dụng, những vật dụng này có thể dính những giọt máu cực nhỏ không nhìn thấy được trên bề mặt. Dùng chung những đồ dùng này làm tăng nguy cơ bị nhiễm herpes và nấm, thậm chí là nhiều căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Sau mỗi lần sử dụng, hãy vệ sinh bề mặt của phụ kiện bằng cồn.

Phụ kiện chăm sóc da

Máy rửa mặt, con lăn mát-xa và miếng bọt biển dường như khá dễ dàng để làm sạch. Tuy nhiên, theo thời gian, bề mặt của chúng sẽ tích tụ đầy những mảnh da nhỏ chứa vi khuẩn, từ đó gây ra mụn trứng cá, khiến da mặt bong tróc. Đừng quên vệ sinh cẩn thận các dụng cụ này bằng nước xà phòng sau mỗi lần sử dụng và thay mới sau mỗi 2-3 tháng.

Dép đi trong nhà

Khi đi giày dép, chắc chắn chân sẽ bắt đầu đổ mồ hôi, tạo điều kiện sinh sản hoàn hảo cho nấm. Mọi người nên cố gắng tránh thói quen đi dép khi chân còn ướt để ngăn ngừa sự xuất hiện của nấm và vi khuẩn. Hãy thay dép 6 tháng một lần và thường xuyên vệ sinh chúng bằng cách giặt hoặc ngâm trong dung dịch khử trùng.

Hương Giang (theo: Bright Side)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang