Du xuân trẩy hội Gióng

author 07:02 03/02/2022

(VietQ.vn) - Du xuân trẩy hội, đi lễ là truyền thống của người Việt. Hội Gióng ở Sóc Sơn – Hà Nội dịp đầu năm vốn luôn thu hút du khách. Nhất là từ năm 2010, được Unesco chính thức công nhận cùng với hội Gióng ở đền Phù Đổng – Gia Lâm là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, lượng du khách đến với hội Gióng càng đông hơn. Lễ hội độc đáo với quần thể di tích đền, chùa đan xen giữa núi non, rừng thông xanh ngát. Cùng với tượng Phật Tổ bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á và tượng Thánh Gióng cưỡi ngựa bay về trời ở trên đỉnh núi đã tạo thành điểm du lịch tâm linh hấp dẫn, không chỉ dịp đầu năm.

Lễ hội độc đáo với nhiều biểu tượng văn hoá

Cách trung tâm Thủ đô khoảng 40km về phía Bắc, khu di tích đền Sóc nằm trên dãy núi Mã trong vòng cung núi Tam Đảo. Nơi đây tương truyền là cái rốn tích tụ linh khí của hệ núi Tam Đảo. Hội Gióng (hay còn gọi là lễ hội đền Sóc) chính là để tưởng nhớ công lao đánh giặc của Thánh Gióng. Theo truyền thuyết, khi giặc tan, Ngài cởi áo giáp sắt vắt lên cây trầm hương ngồi nghỉ, rồi một mình một ngựa phi thẳng lên núi bay về trời. Chính tại gốc cây trầm đó sau này được đắp thành tượng Thánh Gióng với tư thế đứng cùng các tướng chư hầu ở hậu cung đền Thượng ngày nay.

Du xuân trẩy hội Gióng

Đỉnh núi Đá Chồng, nơi dấu chân ngựa cuối cùng còn in lại, nay là chỗ đặt tượng Thánh Gióng bay về trời nặng 85 tấn, cao 11,7 mét, độ vươn 16m. Từ xa cả chục km đã nhìn thấy tượng Thánh Gióng cưỡi ngựa đang vút bay. Để lên đây, du khách có thể đi ô tô, xe máy đoạn đường đèo 3km. Hoặc đi bộ theo những bậc tam cấp uốn lượn xuyên qua những hàng thông vi vút tới chùa Non Nước chiêm ngưỡng tượng Phật Tổ kỷ lục cao 6,5 mét nặng 30 tấn, rồi tiếp tục leo lên chân đỉnh núi Đá Chồng với độ cao gần 300m. Chính hội diễn ra 3 ngày mùng 6, 7, 8 tháng Giêng hàng năm nhưng ngay từ Giao thừa đã có nhiều gia đình, đoàn thể đến dâng hương. Người trẩy hội đông như nêm, nhất là ngày mùng 6 khai hội với các đám rước: rước giò hoa tre, rước Đức Hiển trẩy Hội Gióng Du xuân trẩy hội, đi lễ là truyền thống của người Việt. Hội Gióng ở Sóc Sơn – Hà Nội dịp đầu năm vốn luôn thu hút du khách. Nhất là từ năm 2010, được Unesco chính thức công nhận cùng với hội Gióng ở đền Phù Đổng – Gia Lâm là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, lượng du khách đến với hội Gióng càng đông hơn. Lễ hội độc đáo với quần thể di tích đền, chùa đan xen giữa núi non, rừng thông xanh ngát. Cùng với tượng Phật Tổ bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á và tượng Thánh Gióng cưỡi ngựa bay về trời ở trên đỉnh núi đã tạo thành điểm du lịch tâm linh hấp dẫn, không chỉ dịp đầu năm. voi, rước ngà, rước cỏ, rước ngựa, rước trầu cau, rước tướng... của các xã trong vùng. Các lễ rước trong hội Gióng ở Sóc Sơn đều xuất phát từ truyền thuyết về Thánh đánh giặc, được thể hiện sinh động bằng các biểu tượng mang nhiều ý nghĩa.

Chẳng hạn như Giò hoa tre là một vật mang tính biểu tượng, theo cách giải thích từ bao đời nay của người dân nơi đây thì nó tượng trưng cho cây gậy tre của Thánh Gióng khi xưa dùng đánh giặc. Khi giặc tan cũng là lúc cây gậy bị dập nát tạo thành những tua dài trông giống như cây hoa. Thánh Gióng bèn bảo quân lính lấy quả giành giành ở quanh núi nhuộm vào và nói đó là hoa tre. Hàng năm, dân làng Vệ Linh xã Phù Ninh đảm nhiệm việc làm và rước giò hoa tre, luôn đi đầu đoàn rước. Đoàn người mang theo gậy để bảo vệ lễ rước không bị cướp, bởi người dân có quan niệm cướp được giò hoa tre là có lộc. Khi làm lễ dâng xong, mới đem cho khách trẩy hội cướp lộc. Người ta quan niệm rằng, đó là lộc Thánh, nếu ai cướp được thì sẽ may mắn cả năm. Lễ rước trầu cau của làng Đan Tảo xã Tân Minh cũng được đông đảo du khách, nhất là các nam thanh nữ tú đón đợi để “cướp” lộc, bởi lâu nay vẫn truyền trong dân gian rằng, cướp được trầu cau thì sẽ thuận lợi trong tình duyên.

Tương truyền, khi Thánh Gióng đánh đuổi giặc có cả đoàn quân cùng voi, ngựa tham gia (dùng chở lương thực). Do quá đói, voi xông vào vườn chuối của dân làng Yên Sào để ăn và dẫm nát nhiều cây cối. Dân làng không biết, đã đuổi đánh nhầm voi của Thánh, voi bị đánh gãy ngà ở Phả Lộng (xã Đức Hòa), bị giết ở Dược Thượng (xã Tiên Dược). Vì vậy hàng năm, dân 3 làng này phải “chịu phạt”, làm lễ tiến cống voi, ngà (được làm to như thật) và cỏ voi tượng trưng bằng hai cây chuối nhỏ. Các lễ rước đều được chuẩn bị kỹ càng, sau khi cúng lễ ở đình làng rồi được cung kính rước vào đền Thượng trong khu di tích Đền Sóc, thể hiện lòng thành kính, sự biết ơn của nhân dân đối với một trong Tứ Bất tử của văn hoá dân gian nước Việt. Đoàn rước của các làng luôn rất hoành tráng, uy nghi, làm náo nhiệt cả đoạn đường đi hàng km.

Trò chém tướng thể hiện trận đánh khí thế của Thánh Gióng

Tục truyền rằng, Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt truy đánh giặc Ân đến chân núi Sóc. Tại đây, đã diễn ra trận chiến đấu ác liệt giữa Thánh Gióng với tên tướng giặc là Thạch Linh. Tương truyền, Thạch Linh là một dị tướng phương Bắc nhiều ma thuật phi thường, răng cắn vỡ đá, thở rung cành cây. Sau nhiều ngày giao tranh trên núi Sóc, Thánh Gióng đã chém được đầu Thạch Linh, dẹp sạch giặc Ân. Đây là một trò diễn dân gian được khách trẩy hội rất thích thú. Khi bắt được tướng giặc, được chọn từ một bé gái đồng trinh của làng Yên Tàng xã Bắc Phú, chăm ngoan học giỏi, gia đình nền nếp, từ 9 đến 13 tuổi đóng, sẽ đem lên đỉnh núi làm động tác giả chém đầu, trò chém tướng kết thúc, người làng phải cõng tướng chạy giấu đi nếu không sẽ bị du khách cướp thì vừa mất tiền chuộc vừa bị đen đủi cho cả làng. Trò chém tướng được coi như khúc khải hoàn ca chiến thắng, vừa là niềm tự hào, biết ơn, vừa là lời nhắc nhở thế hệ trẻ ý chí chiến đấu cho độc lập, tự do của dân tộc.

Du xuân trẩy hội Gióng

Du xuân trầy hội Gióng, được chiêm ngưỡng, hoà mình vào những lễ rước sẽ là điều may mắn và để lại ấn tượng sâu sắc trong mỗi du khách. Mấy năm gần đây, một vài chi tiết trong lễ rước giò hoa tre, trầu cau và chém tướng có chút thay đổi để tránh việc cướp lộc bị lợi dụng bởi những du khách thiếu ý thức gây bạo lực, ẩu đả.

Quần thể di tích thờ Thánh Gióng dưới chân núi Sóc được xây dựng từ thời Tiền Lê, nhất là từ khi Lý Công Uẩn rời đô ra Thăng Long. Trải qua các biến cố lịch sử và nhiều lần trùng tu, đến nay, các di tích này mang đậm nét kiến trúc thời Nguyễn. Hội Gióng ở Sóc Sơn đã được lưu truyền khá liên tục và toàn vẹn qua nhiều thế hệ. Mặc dù trải qua nhiều biến động do chiến tranh, sự xâm nhập văn hóa, hội Gióng vẫn tồn tại một cách bền vững, không bị thương mại hóa. Không chỉ du Xuân trẩy hội mà ngày thường, vẫn luôn có đông đảo du khách khắp nơi tìm về với vùng tâm linh, bình an thưởng ngoạn giữa mênh mông cây cối, không gian thoáng đãng, tĩnh mịch và thâm nghiêm. 

Trần Đức Hiển

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang