Phát hiện chủng nấm có khả năng phân hủy nhựa
Cảnh báo người dùng thận trọng khi đổi máy điện thoại hỗ trợ 4G
Trên 90 gian hàng tham gia Tuần hàng Việt thành phố Hà Nội năm 2024
Hợp tác nhà nước- viện trường - doanh nghiệp: Đòn bẩy cho phát triển và đổi mới lĩnh vực công nghệ
Nhóm nghiên cứu tại Viện Sinh thái nước ngọt Leibniz đã tìm thấy tại hồ Stechlin ở phía Đông Bắc nước Đức các loại vi nấm sinh sôi được trên nhựa mà không cần hấp thụ nguồn carbon nào. Điều này khiến giới khoa học đặt ra giả thuyết về một số loại nấm có khả năng phân hủy polyme tổng hợp để làm thức ăn.
Trong số 18 chủng nấm được chọn để phân tích, các nhà nghiên cứu kết luận, có 4 chủng có khả năng phân hủy nhựa tổng hợp theo cách trên. Những loại nấm này đặc biệt hiệu quả trong việc phân hủy polyurethane, một vật liệu phổ biến được sử dụng trong keo bọt xốp dùng trong xây dựng. Đối với túi nhựa và vật liệu đóng gói thì quá trình phân hủy sẽ chậm hơn, còn vi nhựa từ bánh xe được xem là loại khó “ăn” nhất.
Các nhà khoa học kỳ vọng rằng, những hiểu biết sâu sắc này có thể giúp giải quyết vấn đề hàng triệu tấn chất thải gây ô nhiễm đại dương mỗi năm.
Rác thải nhựa đang là vấn nạn toàn cầu. Ảnh minh họa
Ông Hans - Peter Grossart, làm việc tại Viện Sinh thái nước ngọt Leibniz - người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết: "Những loại nấm mà chúng tôi vừa tìm thấy có khả năng phát triển trên một số loại polyme tổng hợp và thậm chí tạo thành sinh khối. Điều này rất đặc biệt vì nó chứng minh rõ ràng rằng những loại nấm này có khả năng phân hủy các loại polyme tổng hợp."
Theo nhóm nghiên cứu, phương pháp phân hủy nhựa bằng vi khuẩn có thể được sử dụng hiệu quả trong các cơ sở có kiểm soát như các nhà máy xử lý nước thải. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn cảnh báo cần có thêm nhiều biện pháp hơn nữa nhằm giải quyết tình trạng sử dụng nhựa ngày càng gia tăng trên toàn cầu.
Một hiệp hội sản xuất nhựa tại châu Âu mới đây dẫn số liệu cho thấy, riêng trong năm 2021, khoảng 430 triệu tấn nhựa đã được sản xuất trên toàn thế giới, nhưng hiện chỉ có chưa đến 10% rác thải nhựa được tái chế. Vì vậy, theo các chuyên gia, cách hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa vẫn là giảm lượng vật liệu nhựa thải ra môi trường.
Trước đó, Federica Bertocchini – nhà nghiên cứu Tây Ban Nha ở Đại học Cantabria đã có phát hiện đáng kinh ngạc là, sâu sáp có thể ăn được rác thải nhựa khi đang quan sát tổ ong. Loài sâu sáp thường được sử dụng để làm mồi câu cá, chúng có thể gây hại cho tổ ong bằng cách đục thủng tổ bằng sáp. Bertocchini đã sử dụng một túi nhựa làm bằng polyethylene để bỏ những con sâu mà bà bắt ra được từ tổ ong. Sau khoảng 1 giờ, bà rất bất ngờ khi thấy chiếc túi nylon bị thủng lỗ chỗ.
Nhà nghiên cứu Bertocchini đã đem những con sâu này về để nghiên cứu. Cùng với những nhà phân tích tại Đại học Cambridge, nước Anh, bà nhận thấy sâu sáp không những cắn thủng túi nylon mà còn ăn luôn nhựa và phân giải thành một hợp chất khác. Khả năng phân hủy nhựa của sinh vật sâu sáp mở ra những giải pháp hữu ích để xử lý rác thải trong tương lai. Hy vọng, từ những phát hiện mới này, cuộc chiến bảo vệ môi trường sẽ có nhiều thành công để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.
Trong diễn biến liên quan tới rác thải nhựa, hàng năm nhân loại sử dụng trên 1 tỉ chiếc túi nylon; trong đó, polyethylene chiếm khoảng 92% tổng số các loại túi nhựa sản xuất. Ngày nay, trên các đại dương đã có hàng tỉ kilogram nhựa bị đổ xuống làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường biển và các loài sinh vật đang sống trong đó.
Tại Việt Nam, theo thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, trong đó 0,28- 0,73 triệu tấn bị thải ra biển nhưng chỉ 27% trong số này được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Điều đáng nói, việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế khi có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại là được tái chế.
PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng, để giảm thiểu rác thải nhựa, phát triển công nghệ tái chế thì Nhà nước cần phải có chính sách hỗ trợ giai đoạn đầu cho các doanh nghiệp tái chế. Có như vậy mới hình thành được khu công nghiệp tái chế rác thải, ngành tái chế khi đó mới phát triển bài bản, khoa học và đảm bảo an toàn.
Trên cơ sở các nhiệm vụ này, Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu rác thải nhựa nhằm tiếp tục tăng cường hiệu quả các hoạt động quản lý, xử lý, tái sử dụng, tái chế nhựa đã qua sử dụng, giảm thiểu phát thải rác thải nhựa ra môi trường.
Liên quan đến vi nhựa, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường "nghiên cứu, xây dựng hàng rào kỹ thuật môi trường đối với các sản phẩm, hàng hóa chứa hạt vi nhựa, nano nhựa và túi ni-lông để phòng ngừa các tác động xấu đến sức khỏe con người, môi trường sinh thái; nghiên cứu, đề xuất lộ trình cấm sử dụng hạt vi nhựa trong sản xuất hóa mỹ phẩm, may mặc, phân bón...”;
Bộ Công Thương "tổ chức rà soát, công bố các sản phẩm sản xuất trong nước và nhập khẩu có chứa vi nhựa, nano nhựa để người tiêu dùng biết.
Bộ Khoa học và Công nghệ thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ sản xuất vật liệu thân thiện với môi trường nhằm thay thế nhựa trong sản xuất, kinh doanh như: Vật liệu nhựa phân hủy ở trong nước biển, vật liệu nhựa sinh học (bio plastic), ứng dụng công nghệ dùng xenlulo, thay thế vật liệu nhựa bằng giấy; thúc đẩy, hỗ trợ các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ liên quan đến tái chế và xử lý chất thải nhựa; thẩm định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến tái chế và xử lý chất thải nhựa.
An Dương (T/h)