Đức tham gia sâu vào giáo dục đào tạo ở Việt Nam

author 14:37 18/03/2013

(VietQ.vn) – Tuyên bố chung nhằm định hướng đào tạo nghề giữa Việt Nam và Đức vừa được ký.

Sau việc thành lập đại học tiên tiến Việt Đức (một trong 2 đại học tiên tiến của Việt Nam), quốc gia châu Âu này tiếp tục tham gia vào quá trình đào tạo ở nước ta trong chương trình đào tạo nghề.

Thứ trưởng MoLISA Nguyễn Ngọc Phi, Đại sứ Đức Jutta Frasch, Thứ trưởng MoET Trần Quang Quý cùng nâng ly chúc mừng sự kiện
Thứ trưởng MoLISA Nguyễn Ngọc Phi, Đại sứ Đức Jutta Frasch, Thứ trưởng MoET Trần Quang Quý cùng nâng ly chúc mừng sự kiện

Đại sứ quán Đức vừa thông báo cho Chất lượng Việt Nam biết, sáng nay, 18/3, Đại sứ CHLB Đức, Bà Jutta Frasch, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (MOET), Ông Trần Quang Quý và Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (MOLISA), Ông Nguyễn Ngọc Phi cùng ký Tuyên bố chung nhằm cải thiện những điều kiện khung cho tăng cường định hướng thực tiễn trong công tác đào tạo nghề, đặc biệt là đào tạo nghề cho các doanh nghiệp.

Định hướng đào tạo nghề gắn kết với thực tiễn sẽ được cải thiện thông qua nhiều khóa thực tập và thời gian thực tập kéo dài tại các doanh nghiệp. Đào tạo nghề tại Việt Nam có sự gắn kết với nhu cầu thực tiễn thông qua việc hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp sẽ là một bước tiến quan trọng trong việc cải thiện khả năng cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường ASEAN tới đây. Trong khuôn khổ Quan hệ đối tác chiến lược được ký kết trong năm 2011, Đức và Việt Nam đã cam kết tăng cường sự hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nghề và thu hút sự tham gia của giới doanh nghiệp tư nhân.

Tuyên bố chung được ký kết ngày hôm nay là kết quả của sáng kiến chung giữa Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Hội Doanh nghiệp Đức (GBA). Trên cơ sở định hướng đào tạo nghề rất thành công của Đức, giai đoạn đào tạo tại các trường đào tạo nghề phải có sự phối hợp với quy định lao động của các doanh nghiệp. Qua đó thì các học viên sẽ được tiếp cận sớm nhất với môi trường làm việc của họ trong tương lai. Việc tham gia một kỳ thi bổ sung sẽ giúp các học viên có cơ hội để nhận chứng chỉ tốt nghiệp theo tiêu chí đào tạo về nội dung của IHK/AHK Đức (Phòng thương mại và Công nghiệp Đức).

Mục đích của sáng kiến này nhằm giúp chi phí đào tạo phát sinh của doanh nghiệp được tính là chi phí doanh nghiệp và được khấu trừ thuế cũng như thời gian đào tạo học viên nghề tại doanh nghiệp được kéo dài hơn so với trước nhiều.

Việc thực hiện Tuyên bố chung này sẽ do Hội doanh nghiệp Đức (GBA), Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức tại Việt Nam (AHK) và tổ chức Deutsche Gesellschaft für Internationale Zusammenarbeit (GIZ) hỗ trợ thực hiện trong khuôn khổ chương trình ’’Cải cách đào tạo nghề tại Việt Nam“ do Chính phủ CHLB Đức tài trợ.

CHLB Đức là đối tác quan trọng nhất của Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo nghề. Sự hỗ trợ lâu dài trong lĩnh vực Hợp tác phát triển sẽ được Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Đức và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống nhất trong năm nay.

Hồng Hoa

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang