Dùng giấy bạc bọc thực phẩm ở nhiệt độ cao liệu có an toàn?

author 07:05 03/10/2021

(VietQ.vn) - Hiện nay, nhiều gia đình thường dùng giấy bạc để bọc thức ăn nhưng việc sử dụng loại giấy này ở nhiệt độ cao có nguy cơ thôi nhiễm nhôm gây hại sức khỏe.

Giấy nhôm làm bằng nhôm (giấy bạc) hiện được rất nhiều người sử dụng từ các quán ăn đến gia đình. Công dụng của chúng là giữ ẩm thực phẩm khi nấu nướng, làm hương vị của món ăn được bảo toàn, không bị bay hơi, mất mùi. Ngoài ra khi sử dụng chúng món ăn được chín đều, không bị cháy. 

Tuy nhiên, khi nấu, nướng ở nhiệt độ cao, nhất là cho vào nồi chiên không dầu, lượng nhôm trong giấy bạc có thể thôi vào thực phẩm. Tùy thuộc vào mức độ nhôm thôi nhiều hay ít mới đánh giá được chúng có gây hại hay không.

Theo chuyên gia thực phẩm Vũ thế Thành, cơ thể chúng ta không cần nhôm. Nhưng nhôm lại có tự nhiên trong hầu hết thực phẩm và một phần do con người vô tình đưa vào, như sử dụng hợp chất nhôm làm phụ gia thực phẩm, đánh phèn nhôm để lọc nước… Y học cũng dùng nhôm trong thuốc đau bao tử (antacid). Do đó việc dùng màng nhôm trong bao phủ thực phẩm chỉ là một trong những nguồn cung cấp nhôm cho cơ thể ngoài ý muốn, như các loại thực phẩm khác.

 Dùng giấy bạc bọc thực phẩm ở nhiệt độ cao có khả năng thôi nhiễm nhôm gây hại sức khỏe. Ảnh minh họa

Ở nhiệt độ càng cao sẽ càng thôi nhôm nhiều hơn, ví dụ dùng giấy bạc để hấp thực phẩm lượng nhôm nhiễm vào thực phẩm sẽ ít hơn khi dùng chúng để nướng. Thực phẩm có tính acid như cà chua, bắp cải, giấm làm thôi nhôm nhiều hơn.

Trong đó, sử dụng giấy bạc trong nồi chiên không dầu, lò vi sóng lại càng không an toàn. Nồi chiên không dầu hoạt động theo nguyên lý chiên chân không với cơ chế làm nóng bằng thanh nhiệt (nguồn nhiệt từ điện) và kết hợp với quạt tản nhiệt đối lưu, giúp thực phẩm được làm chín bởi môi trường không khí nóng. Nhưng ở nhiệt độ cao giấy bạc sẽ tan chảy vào thực phẩm nhiều hơn. 

Ngoài ra, khi dùng giấy bạc bọc thực phẩm trong lò vi sóng sẽ có các tia lửa bắn tóe ra. Chất nhôm trong giấy bạc làm chệch hướng sóng điện từ khiến chúng không chiếu xạ vào để làm thức ăn chín mà có thể gây hại cho lò. Mặt khác, khi dùng giấy bạc dự trữ những thực phẩm có nhiều axit là các loại trái cây có vị chua và món ăn có giấm, mặn... lâu ngày lượng axit sẽ phản ứng với chất nhôm trong giấy bạc và ăn mòn chúng. Một lượng nhôm nhỏ có thể thẩm thấu vào thức ăn và làm cho món ăn có vị kim loại, làm hương vị của món ăn bị ảnh hưởng.

Cũng theo ông Vũ Thế Thành, nhôm khi vào cơ thể được hấp thu qua đường ruột, một phần tích lũy ở các mô rải rác, nhiều nhất là ở xương. Đa số bài tiết ra ngoài theo phân hoặc nước tiểu. Tỉ lệ tích lũy và đào thải tùy thuộc một phần nhôm được đưa vào cơ thể ở dạng hợp chất nào.

Khi thử nhôm trên chuột thì thấy chuột bị nhiễm độc thần kinh, thậm chí ảnh hưởng đến cả hệ thần kinh của thế hệ con cháu nhà chuột. Những người chạy thận nhân tạo cũng cho thấy bị nhiễm độc này nếu phơi nhiễm với nhôm nồng độ cao.

Theo một số chuyên gia khác, nhôm ở giấy bạc nếu tích lũy vượt mức còn có khả năng gây ảnh hưởng đến các cơ quan chức năng, tổn thương não, suy giảm trí nhớ. Do vậy, năm 2006, WHO và Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu (EFSA) đã siết chặt việc sử dụng nhôm trong thực phẩm và đưa ra khuyến cáo, mức dung nạp hàng tuần với nhôm là 1 mg/kg thể trọng, nghĩa là một người nặng 50 kg, chỉ nên tiêu thụ tối đa hàng tuần 50 mg nhôm.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang