Coi chừng tác dụng ngược nếu dùng kem chống nẻ cho trẻ sai cách

author 10:07 03/01/2019

(VietQ.vn) - Để giúp làn da trẻ đỡ bị nứt nẻ vào mùa đông, nhiều bà mẹ thường tìm đến các sản phẩm kem chống nẻ. Tuy nhiên theo các bác sĩ, việc dùng kem chống nẻ cho trẻ nhỏ cũng cần phải thận trọng.

Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau khiến da khô như yếu tố môi trường, chế độ ăn uống, lối sống, bệnh về da như viêm da, vẩy nến… Trong mùa đông, khí hậu hanh, khô cũng làm cho da trẻ dễ bị mất nước gây khô da hơn các mùa khác trong năm. Bên cạnh đó, thời tiết lạnh khiến chúng ta phải sử dụng nước nóng khi tắm, gội, rửa mặt, sử dụng máy điều hòa, lò sưởi… làm cho da bị mất nước nhanh hơn dẫn đến tình trạng khô, nứt nẻ da.

 Dùng kem chống nẻ cho bé vào mùa đông cần thận trọng kẻo tác dụng ngược

 Dùng kem chống nẻ cho bé vào mùa đông cần thận trọng kẻo tác dụng ngược

Để khắc phục chứng khô da, tốt nhất là tìm được nguyên nhân để chữa trị tận gốc. Đối với các dạng da khô do bệnh lý cần điều trị bệnh càng sớm càng tốt. Đối với khô da trong mùa đông thì biện pháp chủ yếu là bổ sung độ ẩm cho da bằng các loại kem dưỡng dưới dạng gel, thuốc mỡ, lotion, emulsifier (kem dưỡng da nhẹ) và kem (cream). Tất cả các loại dưỡng da này đều chứa một hỗn hợp dầu và nước nhưng thành phần rất khác nhau, trong đó thuốc mỡ chứa lượng dầu nhiều nhất, ít nhất là gel.

Tuy nhiên theo bác sĩ, Nguyễn Thị Hà tư vấn trên báo Sức khỏe và Đời sống, nếu dùng kem dưỡng chữa nứt nẻ vào mùa đông, nhất là cho trẻ nhỏ, người dùng nên thận trọng không nên dùng bừa bãi. 

Hiện nay tại các cửa hàng chuyên bán sản phẩm cho mẹ và bé như Bibomart, Kidsplaza… giới thiệu nhiều loại kem dưỡng da dành cho bé như: Bubchen, Pigeon, Johnson’s Baby… Các mặt hàng này cũng được bán khá chạy trong thời gian qua. Ngoài ra, một số loại kem dành cho bé được quảng cáo là có nguồn gốc tự nhiên, không hóa chất, không chất phụ gia cũng được quảng cáo trên các trang mạng xã hội.

Tủ thuốc gia đình sẽ 'vô dụng' và gây nguy hiểm nếu mắc sai lầm khi bảo quản(VietQ.vn) - Tủ thuốc gia đình hầu hết nhà nào cũng có tuy nhiên để bảo quản đúng cách giúp thuốc giữ được tác dụng thì không phải ai cũng biết.

Tuy nhiên điều đáng chú ý, nhiều phụ huynh khi thấy con có dấu hiệu khô, nẻ ở má đã tự ý mua các loại kem dưỡng da thông thường cho bé mà chưa tìm hiểu nguyên nhân. Việc làm này là không đúng. Bởi khi da trẻ bị khô, nứt nẻ là do nhiều nguyên nhân. Có nhiều bé bị chàm sữa trong mùa hanh khô nhưng nhiều mẹ lại cứ tưởng trẻ bị nẻ do thời tiết nên đã tự ý mua kem chống nẻ về bôi cho con có khi còn làm nặng thêm.

Cụ thể, trường hợp của chị Trần Thanh Hoa (Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội) là điển hình. Chị có con 8 tháng tuổi đi mua kem dưỡng được quảng cáo chiết xuất từ dầu dừa, bôi trong 3 tuần, nhưng tình trạng nẻ không đỡ mà tổn thương còn nặng hơn, lan rộng… Lúc này chị mang con tới bác sĩ chuyên khoa nhi để khám mới biết con của mình bị chàm sữa…

Theo các bác sĩ, dù kem chống nẻ có an toàn hay đắt tiền thì việc sử dụng không đúng cũng không mang lại hiệu quả. Do vậy khi thấy con có dấu hiệu da khô nẻ thì cần hỏi ý kiến của bác sĩ chuyên khoa nhi hoặc bác sĩ chuyên khoa da liễu trước khi sử dụng bất kỳ kem dưỡng da nào cho con.

Cách chăm sóc làn da cho bé vào mùa đông

Để trẻ không bị nứt nẻ vào mùa đông, cha mẹ nên cắt giảm thời gian tắm cho bé. Bởi nếu tắm quá lâu, lớp dầu tự nhiên trên da bé sẽ bị trôi mất, da bé dễ bị mất nước và trở nên khô ráp. Đặc biệt khi tắm, nên dùng nước ấm cho bé (tránh nước quá nóng) và tạm thời ngừng sử dụng các loại xà phòng, sữa tắm mà nên dùng dầu gội có dưỡng chất thiên nhiên.

Do mùa đông lạnh nên nhiều bà mẹ thích dùng quạt (đèn) sưởi để giữ ấm cho bé. Điều này sẽ khiến da bé bị khô và dễ tổn thương nếu phải mặc trang phục quá cứng. Vì thế hãy lựa chọn những bộ quần áo mềm, nhẹ nhàng cho trẻ.

Không nên để nhiệt độ trong phòng bé quá khác biệt với nhiệt độ thực tế ngoài trời (tránh để điều hòa nóng hoặc lò sưởi trong phòng bé ở nhiệt độ cao). Điều này sẽ khiến da bé bị khô do mất nước và bé có thể bị sốc khi ra ngoài đột ngột. Nếu có việc phải đưa bé ra ngoài nên tắt các thiết bị sưởi trong phòng bé trước đó khoảng 15-20 phút để cơ thể bé quen dần với nhiệt độ môi trường.

An Dương (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang