Dùng thuốc kích thích trẻ ăn ngon, tăng cân hiểm họa khó lường

author 13:39 02/01/2022

(VietQ.vn) - Theo các chuyên gia dinh dưỡng, cha mẹ cần thận trọng khi sử dụng thuốc kích thích giúp trẻ ăn ngon cho trẻ vì chúng cũng tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.

Dễ dàng mua thuốc kích thích cho trẻ ăn ngon

Nghiên cứu của viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy, tình trạng thiếu vi chất vẫn còn phổ biến ở trẻ em Việt Nam, thể hiện ở tỷ lệ thiếu máu, thiếu vitamin A tiền lâm sàng (retinol huyết thanh thấp), thiếu kẽm… còn ở mức cao. Số trẻ em đến khám vì lý do biếng ăn cũng ở mức rất cao (tỷ lệ 45,9% - 57,7%).

Quan niệm mong con “hay ăn chóng lớn” vô hình tạo nên một áp lực lớn đối với cha mẹ, thậm chí gây ra tình trạng biếng ăn ở trẻ. Nhiều khi công việc bận rộn, không ít cặp vợ chồng trẻ hằn học nhau vì chuyện cho con ăn gì, ăn như thế nào để bé chịu ăn và phát triển tốt.

Nhiều mẹ chồng - nàng dâu cũng xích mích nhau chỉ vì chuyện trẻ biếng ăn và chậm phát triển. Thực tế, hầu hết các bậc phụ huynh luôn lo lắng cho sự phát triển và sức khỏe của trẻ, vì vậy mà có bất cứ loại thuốc nào được biết đến để giúp trẻ ăn ngon miệng, phát triển nhanh, họ luôn sẵn sàng bỏ một số tiền không nhỏ để đầu tư mà quên mất những tác hại không ngờ từ nó. Thuốc kích thích thèm ăn là một ví dụ điển hình.

 Sử dụng thuốc kích thích ăn ngon cho trẻ có nhiều tác dụng phụ cha mẹ cần biết để cẩn trọng khi dùng. Ảnh minh họa

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại thuốc kích thích ăn được quảng cáo rất tốt dùng cho trẻ em, giúp trẻ ăn ngon, ngủ ngon, hấp thu dinh dưỡng tốt, phát triển chiều cao và trí thông minh… Nghe lời giới thiệu truyền tai, qua quảng cáo trên báo đài, các bà mẹ tìm đủ mọi cách mong cho con ăn được nhiều để mau lớn, khỏe mạnh từ mua thuốc cam cho con dùng, các loại cốm ăn ngon ngủ ngon có thành phần chiết suất từ tâm sen, lạc tiên… cũng cho dùng thử.

Những loại thuốc sirô hay cốm bổ sung cho trẻ ăn, ngủ ngon có thể mua dễ dàng tại các hiệu thuốc tân dược hay các shop bán đồ chuyên dụng cho trẻ em. Theo đó, vị ngọt của các sản phẩm này làm trẻ thích thú, ăn uống một cách dễ dàng và nhanh chóng chìm sâu vào giấc ngủ khiến các bà mẹ an tâm làm việc.

Trong khi đó, thông thường các sản phẩm hỗ trợ tăng cân đều chứa các loại vitamin, acid amin và các khoáng chất cần thiết cho cơ thể để giúp bé tăng cân. Các sản phẩm này có thể là thuốc hoặc thực phẩm chức năng, đó là các vi chất dinh dưỡng (vitamin nhóm B, L-lysine, taurine, magie, kẽm, calci...) giúp nâng cao sức đề kháng tự nhiên, thúc đẩy hệ tiêu hóa khỏe mạnh và tăng cường hấp thu dưỡng chất, ngăn ngừa tình trạng lười ăn do thiếu vi chất dinh dưỡng.

Theo ghi nhận, hiện nay các loại thuốc kích thích trẻ ăn ngon và tăng cân như thuốc có chứa cyproheptadin, thuốc chống viêm glucocorticoid, thuốc có dẫn chất là hormon sinh dục, thuốc có nguồn gốc Đông y...cho kết quả rất nhanh và rõ rệt, tuy nhiên nếu trẻ dùng không đúng, lạm dụng có thể gây nhiều hệ lụy nguy hiểm cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

Thuốc kích thích ăn ngon cho trẻ tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ

Trước hết, các bậc phụ huynh cần biết bản chất của các thuốc kích thích trẻ ăn ngon và tăng cân ở trẻ. Thuốc thường được các bà mẹ mách nhau dùng là cyproheptadin. Ðây là thuốc kháng histamin chống dị ứng nhưng có thêm tác dụng kích thích sự thèm ăn. Thuốc không làm tăng trọng mà tác dụng gián tiếp điều trị chứng chán ăn cho trẻ, làm cho trẻ dùng thuốc ăn ngon hơn.

Cần lưu ý, cyproheptadin chỉ kích thích trẻ thèm ăn tạm thời và có nhiều tác dụng phụ. Khi đang dùng thuốc, thuốc sẽ kích thích ăn ngon miệng nhưng khi ngưng thuốc trẻ sẽ chán ăn trở lại. Thuốc có tác dụng phụ gây buồn ngủ và không được dùng cho trẻ em dưới 2 tuổi. Ðối với trẻ nhỏ, thuốc có thể gây cơn co giật còn gọi là tác dụng phụ thần kinh ngoại tháp. Do lợi bất cập hại như vậy nên nhiều nước đã không còn dùng cyproheptadin để điều trị chứng chán ăn cho trẻ em nữa.

Các thuốc chống viêm glucocorticoid, thường được gọi tắt là corticoid hay steroid cũng hay bị lạm dụng cho mục đích này. Thuộc nhóm này gồm dexamethason thường được quen gọi là “đề xa”, prednison, pednisolon... Corticoid là thuốc dùng để chống viêm, điều trị các bệnh thấp khớp, các bệnh dị ứng ngoài da và hệ hô hấp như hen phế quản, bệnh thận hư, nhưng không bao giờ được sử dụng làm thuốc kích thích trẻ ăn ngon và tăng cân. Do cơ thể trẻ có vẻ béo ra và tăng trọng khi uống thuốc này kéo dài mà một số người tưởng là tốt nhưng thực ra là biểu hiện của tác dụng phụ có hại của thuốc. Vì corticoid có tác dụng giữ nước và muối natri trong cơ thể.

Ngoài corticoid, một số thuốc khác cũng có tác dụng tương tự như phenylbutazon chống viêm, carbenoxolon điều trị viêm loét dạ dày... gây rối loạn chuyển hóa lipid và làm đọng mỡ lại ở mặt, cổ và lưng, nên trẻ em dùng thuốc lâu ngày sẽ bị béo phì, nhưng thật ra cơ thể lại bị teo cơ. Ngoài tác dụng phụ gây béo phì, thuốc còn có một số tác dụng phụ nguy hiểm khác như làm loãng xương, tăng huyết áp, gây tắc mạch, có thể gây loét dạ dày - tá tràng, làm giảm sự đề kháng của cơ thể dễ dẫn đến các bệnh nhiễm trùng.

Bên cạnh đó cũng phải đề cập đến các loại thuốc “Đông y giả”. Một số thuốc Đông y có pha trộn corticoid, cyproheptadin để tạo những tác dụng trước mắt kích thích trẻ ăn ngon và tăng cân, nhưng tác hại do việc dùng lâu ngày các loại này là không thể lường trước được.

Hiện trên thị trường Việt Nam có hơn 1.700 loại thực phẩm chức năng, trong đó sản phẩm của doanh nghiệp trong nước sản xuất hiện chiếm 65% thị phần. Trong số hơn 1.100 công ty, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng trong nước chỉ có một đơn vị đạt GMP (thực hành sản xuất tốt). Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng vẫn chưa đặt ra các yêu cầu về GMP. Các sản phẩm được phát hiện vi phạm chủ yếu sản xuất trong nước được quảng cáo với các tác dụng phòng và hỗ trợ điều trị bệnh ung thư, tiểu đường, tim mạch, loãng xương, suy giảm chức năng miễn dịch, suy giảm sức đề kháng.

Theo các chuyên gia y tế, việc lạm dụng các loại thuốc và hormone tăng trưởng gây rối loạn chuyển hóa, cơ thể chậm phát triển, thậm chí gây các bệnh lý rất nguy hiểm cho trẻ. Các loại thuốc kích thích ăn ở trẻ thực ra thường dùng điều trị những bệnh về dị ứng và nội tiết nhưng có tác dụng phụ là làm cho thèm ăn, được khuyến cáo hạn chế sử dụng. Nếu ngưng dùng thuốc cũng đồng nghĩa ngưng cảm giác thèm ăn và dễ gây biến chứng. Do đó, trẻ lệ thuộc hoàn toàn vào thuốc, không kích thích hệ tiêu hóa phát triển.

Các chuyên gia y tế cũng cảnh báo, thực chất một số loại thuốc kích thích ăn và làm tăng trọng, tăng trưởng dùng cho trẻ rất có hại. Đây là các loại thuốc không thể tri được chứng biến ăn mà chỉ giữ nước, tạo béo giả tạo. Từ đó, gây nguy cơ táo bón, tiêu chảy, gây khô miệng, khó tiều tiện, phù nề và ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Việc biếng ăn, chậm tăng trưởng ở trẻ có nhiều nguyên nhân. Vì vậy, khi trẻ biếng ăn, thấp, còi các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi khám chuyên khoa dinh dưỡng để tìm ra giải pháp tốt nhất cho trẻ, không nên tự động mua thuốc biếng ăn để tiền mất, tật mang.

Do đó, theo các bác sĩ về dinh dưỡng, đã gọi là uống thuốc thì có một lưu ý đặc biệt là chỉ uống khi cần thiết và đặc biệt là uống thuốc phải có sự chỉ dẫn của bác sĩ, dù đó là thuốc bổ. Trước khi uống thuốc, cha mẹ cần xác định rõ nguyên nhân biếng ăn của trẻ để tìm được loại thuốc trị đúng bệnh, loại bỏ đúng nguyên nhân đó. Ngoài ra, phải tìm hiểu thật kỹ loại thuốc định cho trẻ uống, đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng, tuân thủ đúng liều lượng và quy định của thuốc.

Có một số loại thuốc có thể trộn vào thức ăn để trẻ uống cho dễ nhưng không phải loại nào cũng có thể làm như vậy. Nên hạn chế việc trộn thuốc vào thức ăn để thuốc đạt được hiệu quả cao nhất.

Việc bổ sung vi chất cần có khoảng thời gian tối thiểu 1-2 tháng giúp trẻ hấp thu, từ đó cải thiện cảm giác thèm ăn tự nhiên, tăng hấp thu, tăng cân ở trẻ.

Thuốc tăng cân là một dạng thực phẩm chức năng hỗ trợ tăng cân, không thể tăng cân nhanh chóng. Ngoài việc sử dụng thuốc bổ tăng cân trẻ, cần có chế độ ăn uống, tập luyện thể dục, thể thao và nghỉ ngơi hợp lý.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang