Đường sắt liên vận với Trung Quốc đủ năng lực vận chuyển để ‘giải cứu’ nông sản ùn ứ

author 07:06 30/12/2021

(VietQ.vn) - Năng lực vận chuyển hàng hóa tuyến đường sắt Đồng Đăng (Việt Nam) - Bằng Tường (Trung Quốc) có thể vận chuyển 4000 tấn hàng hóa mỗi ngày, năng lực gấp nhiều lần đường bộ. Đây có thể sẽ là phương án vận chuyển tháo gỡ, giảm ùn tắc cho nông sản đang ùn ứ tại các cửa khẩu, và là hướng đi lâu dài trong tương lai.

600 toa tàu Trung Quốc chờ sang bốc hàng

Sáng 29/12, Bộ GTVT họp tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn vận tải hàng đường sắt, đặc biệt là giải pháp để đường sắt tham gia hỗ trợ vận tải hàng xuất khẩu đang ùn ứ ở các cửa khẩu đường bộ với Trung Quốc.

Theo lãnh đạo (VNR), hiện vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường sắt kết nối với Trung Quốc vẫn triển khai tốt, dù có dấu hiệu quá tải, nhưng vẫn có thể hỗ trợ xuất khẩu nông sản để chia sẻ với đường bộ đang ùn tắc. Tuy nhiên, hàng hóa qua đường sắt phải là xuất nhập khẩu chính ngạch.

Ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, theo hiệp định vận tải đường sắt, tất cả các loại hàng hóa đi đường sắt liên vận quốc tế đều phải xuất nhập khẩu chính ngạch, hàng xuất khẩu tiểu ngạch không vận chuyển được bằng đường sắt.

 Đường sắt liên vận có năng lực vận chuyển lớn gấp nhiều lần đường bộ.

Tuy nhiên, theo ông Mạnh, hiện đã có dấu hiệu ùn ứ tại các ga cửa khẩu và ga trong nội địa trên tuyến Yên Viên – Đồng Đăng. Hiện có hơn 600 toa tàu Trung Quốc đang chờ để sang Việt Nam. Các ga khu vực xung quanh Hà Nội đều đã quá tải do năng lực bãi hàng không đáp ứng nhu cầu.

Các ga trên tuyến Bắc - Nam hạ tầng kho, bãi, đường kết nối ra vào cũng không thuận lợi cho vận chuyển container từ Nam ra Bắc, cũng như xuất qua Trung Quốc bằng đường sắt. Do đó, VNR kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ có giải pháp hỗ trợ đầu tư hạ tầng, tăng năng lực xếp dỡ bãi hàng tại các ga như: Kép, Đông Anh, Yên Viên... Từ đó tăng năng lực vận tải container bằng đường sắt, giảm tải cho các ga Đồng Đăng, Lào Cai.

VNR cũng kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ làm việc với phía Trung Quốc cho phép hoạt động kiểm dịch tại ga Bằng Tường để tiếp nhận hàng nông sản, hoa quả từ Việt Nam sang bằng đường sắt. Cùng đó, kiến nghị Tổng cục Hải quan bố trí nhân viên, thời gian làm thêm để giải quyết thủ tục cho hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường sắt.

Về dài hạn, ngoài đầu tư hạ tầng, VNR kiến nghị bổ sung các ga liên vận quốc tế tại khu vực miền Trung và phía Nam, để hàng hóa xuất nhập khẩu đi bằng đường sắt được làm thủ tục hải quan sâu trong nội địa, góp phần giảm ách tắc tại các ga biên giới. Các bộ ngành cần có hướng dẫn doanh nghiệp chuyển sang xuất nhập khẩu theo hình thức chính ngạch để rút ngắn thủ tục, thời gian thông quan cũng như có thể vận chuyển xuất khẩu bằng đường sắt.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho hay, hiện các cửa khẩu đường bộ với Trung Quốc đang ách tắc xe chở hàng xuất khẩu, trong khi hàng hóa qua các ga đường sắt biên giới vẫn thông suốt. Điều đó cho thấy thuận lợi của vận tải đường sắt, không chỉ hàng qua lại biên giới cả hàng đi châu Âu. Do đó, cần giải pháp để thể tháo gỡ khó khăn, tạo đà cho vận tải hàng hóa phát triển.

Có thể vận chuyển 4000 tấn hàng hóa/ngày sang Trung Quốc

Năm 2021, hàng đi đường sắt liên vận quốc tế tăng 34% về sản lượng so với năm trước, trong đó qua ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) tăng tới 82%. Đường sắt đã tổ chức các đoàn tàu liên vận chở container hàng xuất nhập khẩu kết nối thẳng giữa Việt Nam và châu Âu. Mở thêm các đoàn tàu chuyên tuyến container đến các thành phố của Trung Quốc. Hàng đi đường sắt chủ yếu là quặng, hóa chất, hàng điện tử, dệt may, linh phụ kiện, hàng tiêu dùng…

Ông Phạm Đức Khái, Trưởng Ga đường sắt Quốc tế Đồng Đăng cho biết, từ đầu năm nay đến 30/11, kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Ga đường sắt Quốc tế Đồng Đăng Đăng (Lạng Sơn) đạt hơn 142 triệu USD. Hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là tinh quặng, cây huyết đằng, đồ gỗ mỹ nghệ, ván gỗ ép…

Một ngày tại Ga đường sắt Quốc tế Đồng Đăng có thể chạy đến 4 chuyến Đồng Đăng (Việt Nam) - Bằng Tường (Trung Quốc) với khối lượng hàng hóa chuyên chở có thể lên đến 1.000 tấn/chuyến, lớn hơn rất nhiều so với thực hiện xuất khẩu qua các cửa khẩu đường bộ.

Nếu thực hiện xuất khẩu hàng hóa qua đường sắt, doanh nghiệp cũng sẽ giảm được chi phí vận chuyển, cùng với đó sẽ góp phần giảm thiểu các rủi ro lây nhiễm dịch Covid-19 do số lượng người tập trung rất ít. Ông Phạm Đức Khái cho biết thêm: "Hiện tại việc xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Trung Quốc là hết sức thuận lợi. Các doanh nghiệp có thể sử dụng xe container chở hàng đến tận ga (nơi đã phân luồng xếp dỡ sẵn), sau đó bốc xếp lên tàu và xuất thẳng sang Trung Quốc. Đoàn tàu sẽ do nhân viên đường sắt Trung Quốc kéo về. Tất cả nhân viên tổ tàu chỉ khoảng 7 người và nhân viên 2 bên đều không tiếp xúc trực tiếp với nhau, đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch".

Cũng theo ông Khái, nếu xuất khẩu nông sản qua đường sắt chắc chắn sẽ giảm bớt được một phần ách tắc hiện nay tại các cửa khẩu đường bộ. Đơn vị cũng bố trí người trực 24/24, phục vụ xếp dỡ, dồn toa tàu, phối hợp với các lực lượng phun khử khuẩn… để tàu sang Trung Quốc một cách thuận lợi và nhanh nhất. Hiện nay, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các ngành chức năng sẵn sàng phương án vận chuyển hàng hóa xuất khẩu bằng đường sắt qua Ga đường sắt Quốc tế Đồng Đăng Đăng, chỉ còn đợi phía bạn tiếp nhận hàng hóa bằng hướng này.

Nguyễn Hương (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang