EVFTA: Những cơ hội, thách thức từ một FTA ‘thế hệ mới’

author 06:40 27/06/2022

(VietQ.vn) - Bài viết phân tích các đặc điểm của một FTA thế hệ mới và đánh giá cơ hội cũng như thách thức từ các đặc trưng FTA “thế hệ mới” này của Hiệp định EVFTA đối với Việt Nam.

 

Tóm tắt: Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) được biết đến như một trong những Hiệp định thương mại tự do (FTA) “thế hệ mới” đáng chú ý nhất của Việt Nam (bên cạnh Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương - CPTPP). Những cam kết xuất phát từ tính chất “thế hệ mới” này của Hiệp định EVFTA dẫn tới những tác động đặc thù tới nhiều khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường của Việt Nam, qua đó tạo ra cơ hội và thách thức đối với nền kinh tế, các doanh nghiệp cũng như chủ thể khác có liên quan.

Đặc điểm của “FTA thế hệ mới” trong EVFTA

Thông cáo báo chí của EU nhân dịp Hiệp định EVFTA có hiệu lực (ngày 1/8/2020) đánh giá EVFTA là một Hiệp định “toàn diện”. Phân tích văn kiện EVFTA cho thấy Hiệp định này thể hiện ở mức cao tất cả các đặc trưng của một FTA “thế hệ mới” thực chất và đầy đủ.

Về phạm vi, Văn kiện EVFTA với tổng cộng 17 Chương, 02 Nghị định thư và 02 Biên bản ghi thì có tới 07 Chương về các khía cạnh thương mại mới chưa từng được đề cập trong WTO. Cụ thể, Hiệp định  EVFTA có cam kết về các vấn đề thương mại truyền thống theo WTO, bao gồm thương mại hàng hóa (thuế quan, quy tắc xuất xứ, các biện pháp phi thuế, hải quan và tạo thuận lợi thương mại, phòng vệ thương mại, rào cản kỹ thuật TBT, biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật SPS); thương mại dịch vụ (nguyên tắc ứng xử, biểu cam kết mở cửa thị trường dịch vụ); di chuyển thể nhân; sở hữu trí tuệ; minh bạch hóa.

Ở tất cả các khía cạnh được xem là truyền thống này, Hiệp định EVFTA đều có thêm các cam kết, quy định, yêu cầu bổ sung so với cam kết WTO. Các lĩnh vực vượt ra ngoài phạm vi WTO (lĩnh vực WTO+) được điều chỉnh trong Hiệp định EVFTA bao gồm: Tự do hóa đầu tư, Thương mại điện tử, Mua sắm công, Chính sách cạnh tranh, Doanh nghiệp Nhà nước/độc quyền Nhà nước, Phát triển bền vững (bao gồm lao động, môi trường, các vấn đề phát triển bền vững khác), Hợp tác nâng cao năng lực, Hàng rào phi thuế đối với thương mại và đầu tư sản xuất năng lượng tái tạo. Phạm vi các vấn đề WTO+ được điều chỉnh trong Hiệp định EVFTA không thua kém bất kỳ FTA thế hệ mới nào đang có trên thế giới tính tới thời điểm ký kết Hiệp định này và ngang bằng với phạm vi các lĩnh vực WTO+ trong Hiệp định CPTPP.

Về mức độ cam kết, trong hầu hết khía cạnh, các cam kết mà cả Việt Nam và EU đưa ra trong EVFTA đều có mức mở cửa, tự do hóa hoặc theo chuẩn thuộc hàng cao nhất mà Việt Nam/EU từng dành cho đối tác FTA tính tới thời điểm EVFTA được ký kết. Về mức cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, tỷ lệ các dòng thuế mà Việt Nam cam kết sẽ loại bỏ ở cuối lộ trình cho hàng hóa EU cao nhất, lên tới 98,3%, so với mức tương tự mà Việt Nam từng cam kết trong các FTA trước đó, kể cả CPTPP. Ngược lại, mức cam kết ưu đãi thuế quan của EU dành cho hàng xuất khẩu Việt Nam cũng thuộc diện cao nhất trong số các đối tác FTA (ngoại trừ một số đối tác ASEAN và Hongkong).

Về mức độ cam kết mở cửa thị trường dịch vụ, số lượng ngành, phân ngành dịch vụ mà Việt Nam cam kết mở cửa cho nhà cung cấp dịch vụ EU ở tất cả các phương thức cung cấp dịch vụ trong Hiệp định EVFTA nhiều hơn đáng kể so với mức mở cửa của Việt Nam trong WTO cũng như các FTA đã ký trước đó (ngoại trừ ASEAN, CPTPP).

Về mức cam kết tự do hóa đầu tư, cùng với Hiệp định CPTPP, Hiệp định UKVFTA và Hiệp định RCEP, EVFTA thuộc nhóm các FTA đầu tiên mà Việt Nam có cam kết mở cửa cho đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất. Tất nhiên, đây là lĩnh vực mà trong suốt 3 thập kỷ qua Việt Nam luôn mở cửa rộng cho nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có EU. Mặc dù vậy, trước Hiệp định EVFTA, việc mở cửa cho đầu tư của Việt Nam hoàn toàn là tự nguyện đơn phương, không bị ràng buộc bởi cam kết nào, do đó tính ổn định và có thể dự đoán trước hạn chế hơn nhiều.

Về mức cam kết mở cửa thị trường mua sắm công, Việt Nam cho tới nay mới chỉ có cam kết mở cửa thị trường mua sắm công (cho phép các nhà thầu của đối tác được tham gia đấu thầu các gói thầu mua sắm công ở Việt Nam) trong Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA (và Hiệp định UKVFTA).

 Ảnh minh hoạ.

Trong so sánh với mức mở cửa theo Hiệp định CPTPP, Việt Nam có cam kết mạnh hơn trong Hiệp định EVFTA, không chỉ ở phạm vi các cơ quan mua sắm phải thực hiện (bao gồm cả 02 thành phố là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh) trong khi Hiệp định CPTPP chỉ bao gồm các cơ quan ở trung ương) mà còn ở hạn mức giá trị các gói thầu phải mở cửa cho nhà thầu (các hạn mức trong Hiệp định EVFTA đều thấp hơn so với Hiệp định CPTPP, do đó số lượng các gói thầu phải mở cửa nhiều hơn).

Về các cam kết quy tắc, hầu như tất cả cam kết quy tắc trong Hiệp định EVFTA đều có chuẩn cao hơn WTO (gọi là chuẩn WTO+). Chuẩn cao hơn này không chỉ được thể hiện trong cam kết thuộc các lĩnh vực mà WTO chưa đề cập (và do đó không có chuẩn WTO để so sánh, ví dụ cạnh tranh, thương mại điện tử) mà còn cả trong các khía cạnh mà WTO đã quy định nhưng ở chuẩn thấp hơn.

Về các khía cạnh phát triển bền vững, Hiệp định EVFTA có thể xem là Hiệp định có cam kết rộng nhất, mạnh nhất về các vấn đề liên quan tới phát triển bền vững đặt trong mối quan hệ với thương mại - đầu tư cho tới hiện tại của Việt Nam. Trong khi Hiệp định CPTPP chỉ đề cập tới lao động và môi trường, Hiệp định EVFTA còn mở rộng tới các khía cạnh khác của phát triển bền vững như năng lượng tái tạo, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, biện pháp bảo trợ nhóm yếu thế.

Tóm lại, Hiệp định EVFTA là một điển hình của các FTA “thế hệ mới” không chỉ của Việt Nam mà cả trên bình diện thế giới, phản ánh ở mức cao tất cả đặc trưng quan trọng của FTA “thế hệ mới”.

Cơ hội và thách thức từ Hiệp định “thế hệ mới” của EVFTA đối với Việt Nam

Cơ hội từ Hiệp định “thế hệ mới” EVFTA

Phân tích các cam kết đặc trưng cho tính “thế hệ mới” của Hiệp định EVFTA và đánh giá các tác động trực tiếp và trong lâu dài của các cam kết này đối với Việt Nam cho thấy Hiệp định EVFTA có thể mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội ở cả ba khía cạnh bao gồm kinh tế, xã hội - môi trường và thể chế.

Cơ hội về kinh tế

Nhiều cơ hội từ góc độ kinh tế được kỳ vọng từ các cam kết “thế hệ mới” trong Hiệp định EVFTA, đặc biệt là trong xuất nhập khẩu, phát triển thị trường dịch vụ, thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy chi tiêu công hiệu quả.

Về xuất nhập khẩu, Hiệp định EVFTA bao gồm các cam kết loại bỏ thuế quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với EU, qua đó mang lại các cơ hội tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa có thế mạnh của Việt Nam và nhập khẩu các sản phẩm mà Việt Nam có nhu cầu cao từ EU. Tuy nhiên, với các cam kết loại bỏ thuế quan gần như tuyệt đối - đặc trưng của FTA “thế hệ mới”, các cơ hội xuất nhập khẩu mà Hiệp định EVFTA mang lại cho doanh nghiệp Việt Nam được đánh giá là lớn hơn đáng kể so với các FTA trước đây.

Đối với nhập khẩu, tương ứng với cam kết của EU, Việt Nam cũng có cam kết “tự do hóa” ở mức cao nhất, với lộ trình ngắn nhất dành cho một đối tác FTA trong EVFTA. Cụ thể, Việt Nam cam kết loại bỏ thuế quan hoàn toàn với 48,5% dòng thuế cho hàng hóa nhập khẩu từ EU ngay khi Hiệp định có hiệu lực và 98,3% dòng thuế từ 1/1/2031 (số 1,7% còn lại Việt Nam có cam kết về hạn ngạch thuế quan, chỉ không cam kết với một số rất ít dòng thuế liên quan tới sản phẩm ô tô).

Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận với nguồn máy móc, thiết bị, công nghệ, nguyên phụ liệu (hạt nhựa, chất dẻo, nguyên phụ liệu dệt may…) với giá hợp lý, chất lượng tốt từ khu vực nắm giữ nhiều công nghệ nguồn, công nghệ hiện đại của thế giới.

Về mở cửa thị trường dịch vụ, với tính chất là một FTA “thế hệ mới”, Hiệp định EVFTA đi xa hơn hầu hết FTA mà Việt Nam đã có trong cam kết về mở cửa các thị trường dịch vụ, cả của Việt Nam cho nhà cung cấp dịch vụ EU và ngược lại. Việc Việt Nam mở rộng cửa, hạ thấp các điều kiện tiếp cận thị trường và bảo đảm các biện pháp quản lý thuận lợi cho nhà cung cấp dịch vụ EU dự kiến sẽ giúp doanh nghiệp, khách hàng Việt Nam được tiếp cận các dịch vụ kinh doanh (y tế, nghiên cứu phát triển, chụp ảnh chuyên biệt, hội chợ triển lãm), dịch vụ thông tin (bưu chính, viễn thông), dịch vụ phân phối, môi trường, tài chính và đặc biệt là dịch vụ vận tải tiêu chuẩn cao, chất lượng tốt của EU một cách thuận lợi và dễ dàng hơn.

Về đầu tư nước ngoài, với một hệ thống chuẩn ứng xử hiện đại được ghi nhận rõ ràng (đặc biệt là các nguyên tắc không phân biệt đối xử, không can thiệp vào quyền tự quyết của nhà đầu tư nước ngoài), và với cam kết mở cửa thị trường ổn định cho đầu tư trong các lĩnh vực sản xuất hàng hóa trong Hiệp định EVFTA, Việt Nam có thêm điểm cộng quan trọng trong lựa chọn của các nhà đầu tư EU. Điều này được kỳ vọng sẽ thu hút nguồn vốn đầu tư có chất lượng từ EU vào Việt Nam. Hơn thế nữa, với Hiệp định EVFTA, Việt Nam trở thành điểm kết nối quan trọng giữa thị trường châu Á với EU, từ đây tạo nên sức hấp dẫn cho đầu tư nước ngoài từ các nguồn khác ngoài EU tới Việt Nam để tận dụng các cơ hội về tăng trưởng kinh tế.

Về mua sắm công, với tính chất của một FTA “thế hệ mới”, Hiệp định EVFTA lần đầu tiên mở cửa thị trường mua sắm công của Việt Nam cho các nhà thầu EU và ngược lại. Đối với Việt Nam, điều này đồng nghĩa với việc nhà thầu EU được tham gia cạnh tranh công bằng với nhà thầu Việt Nam trong một số gói thầu giá trị lớn.

Đồng thời, quy tắc đấu thầu trong các gói thầu này phải bảo đảm nguyên tắc minh bạch và hiệu quả cao hơn so với các quy định hiện hành. Điều này có thể khiến các nhà thầu Việt Nam vất vả hơn trước các đối thủ mạnh từ EU, nhưng trong tổng thể sẽ giúp cho quy trình đấu thầu ở Việt Nam minh bạch và cạnh tranh hơn, hạn chế các hiện tượng tiêu cực, từ đó tăng tính hiệu quả trong chi tiêu mua sắm từ nguồn ngân sách Nhà nước.

Ở chiều ngược lại, việc EU mở cửa thị trường mua sắm công khổng lồ của mình cho nhà thầu Việt Nam thông qua các cam kết trong Hiệp định EVFTA cho phép doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận và tham gia cung ứng trực tiếp các loại hàng hóa, dịch vụ cho các đơn vị sử dụng ngân sách của EU cũng như của 27 nước thành viên EU. Đây là cơ hội bổ sung rất có ý nghĩa, đặc biệt cho hàng hóa Việt Nam ở EU bên cạnh cơ hội tạo ra từ các ưu đãi thuế quan của Hiệp định EVFTA.

Cơ hội về thể chế

Là FTA “thế hệ mới” với các cam kết quy tắc điều chỉnh các vấn đề thể chế đằng sau đường biên giới, Hiệp định EVFTA dự kiến sẽ mang lại những thay đổi tích cực về thể chế, đặc biệt là thể chế kinh tế, cho Việt Nam.

Các cam kết trong Hiệp định EVFTA, đặc biệt là các quy tắc nhằm bảo đảm môi trường cạnh tranh và bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh (Chương Cạnh tranh), các yêu cầu về bảo hộ tài sản sở hữu trí tuệ chặt chẽ qua đó thúc đẩy sáng tạo và phát triển nền kinh tế tri thức (Chương Sở hữu trí tuệ), các quy định nghiêm khắc về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp nhà nước trong hoạt động thương mại (Chương Doanh nghiệp nhà nước), các quy tắc ổn định và thống nhất trong quản lý viễn thông và hoạt động thương mại trên môi trường điện tử  (Chương Dịch vụ, thương mại điện tử) được đánh giá là sẽ làm thay đổi các thể chế pháp luật và thực tiễn liên quan của Việt Nam trong các khía cạnh liên quan.

Thông qua quy định pháp luật, chính sách nội địa được ban hành để triển khai thực hiện các cam kết này ở Việt Nam, doanh nghiệp sẽ có cơ hội có được môi trường thể chế an toàn hơn, thuận lợi và tự do hơn, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế hơn, có cơ hội để chuyển đổi số và hướng tới nền kinh tế số, kinh tế tri thức trong tương lai.

Cơ hội về xã hội - môi trường

Các cam kết về thương mại và phát triển bền vững trong Hiệp định EVFTA thể hiện một trong các đặc trưng tiêu biểu nhất của các FTA “thế hệ mới”. Với các cam kết này, Việt Nam phải thực thi một số tiêu chuẩn nhất định về phát triển bền vững, đặc biệt là về lao động và môi trường, cả trong hiện tại cũng như định hướng tương lai.

Việc cam kết và sau đó triển khai thực hiện các tiêu chuẩn xã hội - môi trường này một mặt giúp Việt Nam bảo đảm được các yếu tố cơ bản và cần thiết cho sự phát triển các yếu tố xã hội, bảo vệ môi trường một cách hài hòa trong quá trình phát triển kinh tế, qua đó thực hành phát triển bền vững. Người lao động, doanh nghiệp, môi trường Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc thực hiện các cam kết này. Đây cũng là tiền đề để Việt Nam tiếp tục phát triển ổn định, bao trùm, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, không để ai lại phía sau.

Thách thức từ Hiệp định “thế hệ mới” EVFTA

Với các đặc trưng “thế hệ mới”, Hiệp định EVFTA được cho là sẽ đặt Việt Nam trước những thách thức mới, cả từ góc độ cạnh tranh, chi phí tuân thủ và sự giới hạn của không gian chính sách.

Thách thức cạnh tranh

Trên thế giới, EU là đối thủ cạnh tranh mạnh ở nhiều khía cạnh. Trong lĩnh vực hàng hóa, EU là khu vực xuất khẩu hàng đầu thế giới về các sản phẩm máy móc thiết bị, dược phẩm, phương tiện vận tải, một số loại nông sản. Về dịch vụ, các nhà cung cấp tài chính, logistics, viễn thông, phân phối của EU luôn đứng trong nhóm có năng lực cạnh tranh mạnh trên phạm vi toàn cầu. EU cũng là khu vực xuất khẩu các tài sản trí tuệ lớn của thế giới.

Theo yêu cầu tự do hóa cao của một FTA “thế hệ mới”, trong Hiệp định EVFTA, Việt Nam cam kết sẽ loại bỏ hầu như toàn bộ các dòng thuế cho hàng hóa nhập khẩu từ EU, mở cửa thêm nhiều thị trường dịch vụ (trong đó có logistics, viễn thông) cho nhà cung cấp dịch vụ EU, cũng như đưa ra các cam kết mạnh để bảo hộ sở hữu trí tuệ EU, đặc biệt là các chỉ dẫn địa lý của khu vực này. Điều này chắc chắn sẽ khiến cho cạnh tranh trên thị trường nội địa Việt Nam giữa các hàng hóa, dịch vụ Việt Nam tương tự với sản phẩm EU trở nên khó khăn, phức tạp hơn.

Các doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm này trên thị trường Việt Nam sẽ phải chịu những sức ép rất lớn từ các đối thủ mạnh EU. Tuy nhiên, trong tổng thể, có một số cơ sở để để tin rằng Việt Nam có thể hóa giải các thách thức cạnh tranh này.

Thứ nhất, về thương mại hàng hóa, phần nhiều các sản phẩm dự kiến sẽ gia tăng nhập khẩu từ EU sau Hiệp định EVFTA là sản phẩm mà Việt Nam có nhu cầu cao, trong khi sản xuất trong nước hoặc là chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, hoặc là đáp ứng cho những phân khúc tiêu dùng thấp, không cạnh tranh trực diện với các sản phẩm EU.

Thứ hai, về mở cửa thị trường dịch vụ, kinh nghiệm của hội nhập WTO về dịch vụ cho thấy càng có sức ép thì các nhà cung cấp dịch vụ Việt Nam càng có động lực để cải thiện năng lực cạnh tranh, hoàn thiện chính mình. Hơn thế nữa, trong nhiều thị trường dịch vụ, cạnh tranh và hợp tác luôn đan xen, các doanh nghiệp dịch vụ Việt Nam trong khi cạnh tranh vẫn có thể tranh thủ hợp tác với các đối tác EU để phát triển, nhất là trong những khía cạnh hoạt động mà Việt Nam mới chỉ mở cửa có điều kiện cho EU.

Thứ ba, trước EU, Việt Nam cũng đã mở cửa khá rộng (ví dụ theo Hiệp định CPTPP) cho những đối tác có thế mạnh cạnh tranh tương tự EU, do đó, các doanh nghiệp và nền kinh tế đã được tập dượt ở mức độ đáng kể để đối mặt với các thách thức từ EVFTA.

Thách thức từ chi phí tuân thủ

Với cam kết tiêu chuẩn cao trên hầu hết các khía cạnh, Hiệp định EVFTA đòi hỏi Việt Nam phải thay đổi nhiều chuẩn mực liên quan trong cả hiện tại và tương lai. Trong phần lớn các trường hợp, sự thay đổi này khiến Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội phải bỏ ra nhiều chi phí hơn để thực hiện, trước khi có thể cảm nhận được các cơ hội bền vững trong lâu dài từ các tiêu chuẩn cao này.

Ví dụ, để thực hiện cam kết về tiêu chuẩn lao động, môi trường, doanh nghiệp có thể sẽ phải bỏ ra nhiều chi phí hơn hiện tại để điều chỉnh quy trình sản xuất, điều kiện lao động, công nghệ xử lý ô nhiễm tiếng ồn, bụi, chất thải, truy xuất nguồn gốc nhằm đáp ứng các quy chuẩn, chỉ tiêu, yêu cầu cao hơn.

Thách thức từ sự hạn chế không gian chính sách

Các cam kết về quy tắc, thể chế là một đặc trưng của FTA “thế hệ mới” trong Hiệp định EVFTA. Các cam kết này đưa ra những yêu cầu phải tuân thủ trong nhiều khía cạnh quản lý Nhà nước liên quan tới thương mại, đầu tư. Điều này tạo ra những khung khổ có tính ràng buộc mà các biện pháp pháp luật hay chính sách của Nhà nước trong các lĩnh vực liên quan bị giới hạn, do đó “không gian” tự do hành động của Nhà nước bị thu hẹp. Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA vẫn ghi nhận các ngoại lệ quan trọng (về an ninh quốc phòng, trật tự công cộng…) cho phép Việt Nam có thể vượt ra khỏi không gian chính sách ràng buộc bởi cam kết trong Hiệp định EVFTA trong những trường hợp cần thiết.

Tóm lại, với tính chất là một FTA thế hệ mới, Hiệp định EVFTA được đánh giá là sẽ mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội đặc biệt và những thách thức đáng kể ở cả các khía cạnh kinh tế, thể chế và phát triển bền vững. Mặc dù vậy, các cơ hội được đánh giá là lớn hơn, và thách thức mặc dù đáng chú ý nhưng đều có các cơ chế khả thi để giảm thiểu tác động.

TS. Nguyễn Thị Thu Trang

Liên Đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang