EVFTA với quan hệ thương mại Việt Nam - EU: Nghiên cứu tác động và kiến nghị giải pháp

author 10:25 04/10/2022

(VietQ.vn) - Mặc dù mới được triển khai thực hiện hơn 2 năm nhưng EVFTA đã để lại nhiều ảnh hưởng tích cực đối với quá trình phát triển của Việt Nam nói chung và các hoạt động thương mại nói riêng.

Tóm tắt: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1 tháng 8 năm 2020. EVFTA và CPTPP là hai hiệp định thương mại tự do thế hệ mới thể hiện các nỗ lực hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và toàn diện của Việt Nam trong những năm qua. Mặc dù mới được triển khai thực hiện hơn 2 năm nhưng EVFTA đã để lại nhiều ảnh hưởng tích cực đối với quá trình phát triển của Việt Nam nói chung và các hoạt động thương mại nói riêng. Đáng chú ý nhất trong số này là các tác động thuận lợi của EVFTA đối với các hoạt động xuất nhập khẩu và quan hệ thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU.

EVFTA không chỉ chứng minh tầm quan trọng của thị trường EU đối với sự phát triển của kinh tế Việt Nam và ngược lại, mà còn mang đến cho các doanh nghiệp xuất khẩu của hai bên nhiều lợi thế cạnh tranh không nhỏ. Nhiều nhà đầu tư của EU không chỉ lựa chọn Việt Nam làm xuất phát điểm cho chiến lược tiếp cận khu vực châu Á, mà còn để tận hưởng các lợi thế do EVFTA mang lại.

Trong khi đó, việc giảm chi phí đầu vào cũng tạo ra những lợi thế cạnh tranh nhất định đối với các mặt hàng của Việt Nam. Biểu hiện rõ nhất của quá trình này là kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU tăng mạnh sau hai năm thực hiện EVFTA. Mặc dù vậy, quá trình thực hiện EVFTA cũng gặp phải một số khó khăn nhất định, nên các giải pháp đi kèm là điều không thể tránh khỏi.

EVFTA có tác động tích cực đối với quan hệ thương mại Việt Nam - EU. Ảnh minh họa.

1. Đặt vấn đề

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) còn được biết đến bên ngoài Việt Nam với cái tên là EU-Vietnam Free Trade Agreement (EVFTA) và thường được gọi tắt là EVFTA là một trong những hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU. EVFTA được chính thức khởi động vào tháng 10 năm 2010 trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch EU và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 08 năm 2020. Điều đó có nghĩa là EVFTA phải mất gần một thập kỷ chuẩn bị và trải qua 14 vòng đàm phán với rất nhiều cuộc họp các cấp khác nhau.

Đến tháng 9 năm 2017, EU chính thức đề nghị tách riêng nội dung bảo hộ đầu tư và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước với nhà đầu tư ra khỏi Hiệp định EVFTA. Đề xuất này đã làm cho các nội dung đầu tư trong EVFTA chỉ bao gồm tự do hóa đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhưng EU có quyền phê chuẩn hiệp định và đưa vào áp dụng trong thời gian sớm nhất có thể. Trong khi đó, Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) chỉ có hiệu lực với sự phê chuẩn của cả Nghị viện Châu Âu và Nghị viện các nhà nước thành viên của tổ chức này.

Đến ngày 26 tháng 06 năm 2018, việc chia tách EVFTA thành Hiệp định Thương mại (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) chính thức được chấp thuận và kết thúc quá trình rà soát pháp lý. Đến ngày 30 tháng 6 năm 2019, cả EVFTA và IPA đều đã được Việt Nam và EU chính thức ký kết. Ngày 30 tháng 3 năm 2020, Hiệp định EVFTA đã được Hội đồng châu Âu thông qua. Hiệp định này cũng nhận được sự đồng thuận tối đa của tất cả đại biểu Quốc hội Khóa XIV của Việt Nam (457/457 đại biểu) vào ngày 08 tháng 6 năm 2020.

EVFTA được khởi động với các cuộc đàm phán giữa Việt Nam và 28 nước thành viên của EU từ tháng 10 năm 2010, nhưng sau khi Vương quốc Anh rời khỏi EU, EVFTA chỉ còn hiệu lực giữa 27 nước thành viên của EU hiện tại với Việt Nam. Trong khi đó, EVIPA cần phải có thêm sự phê chuẩn của Nghị viện tất cả các nước thành viên EU. EVFTA và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là hai hiệp định thương mại tự do (FTA) toàn diện, rộng lớn, mạnh mẽ nhất trong lịch sử hình thành và phát triển của chính thể Việt Nam hiện tại.

Ví dụ, EVFTA đã tạo cơ hội cho các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam được xâm nhập thị trường EU nhanh chóng và thuận lợi hơn. Khoảng 94% trong tổng số 547 dòng thuế của các mặt hàng rau quả tươi và chế biến nông sản sẽ bị loại bỏ hoàn toàn. Rất nhiều mặt hàng trong số này là các sản phẩm xuất khẩu lợi thế của Việt Nam. EVFTA đã tạo thuận lợi cho các sản phẩm nông sản của Việt Nam có sức cạnh tranh cao hơn trên thị trường EU. Việc hoàn thành ký kết EVFTA chính vì thế được xem là một trong những dấu mốc quan trọng nhất trong tiến trình hội nhập kinh tế Việt Nam.

EVFTA mở ra những cơ hội tiềm năng và triển vọng dồi dào cho các mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nhà nước thành viên của EU. Tuy nhiên, các hiệp định thương mại tự do nói chung và EVFTA nói riêng không chỉ mang đến cơ hội, mà còn có thể tạo ra nhiều thách thức không nhỏ đối với các hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Bài viết này chính vì thế không chỉ phân tích các tác động tích cực của EVFTA đối với hoạt động xuất xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua và tìm hiểu các bất lợi mà doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam thường hay gặp phải trong quá trình thực hiện EVFTA trong gần hai năm qua mà còn đề xuất một số giải pháp nhằm làm cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU được thuận lợi hơn.

2. Những ảnh hưởng tích cực của EVFTA đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam với EU

EVFTA có nhiều tác động tích cực đối với các hoạt động xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua, nhưng dễ nhận thấy nhất là trên các phương diện như sau:

Thứ nhất, EU là thị trường rộng lớn và tiềm năng cũng như đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Tất cả 27 nhà nước thành viên của EU có tổng dân số lên đến khoảng 516 triệu người. Thu nhập bình quân đầu người của EU lên đến 35.000/năm. Sức mua của người dân EU chính vì thế không chỉ rất mạnh, mà thị trường EU hàng năm đều có nhu cầu nhập khẩu khối lượng rất lớn nhiều mặt hàng từ bên ngoài.

Ví dụ, kim ngạch nhập khẩu hàng năm của EU lên đến gần 2.000 tỷ USD. Khoảng 8,3% trong số này được sử dụng để nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp. EU chính vì thế là thị trường nhập khẩu nông sản tiềm năng và triển vọng đối với các nền sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. EU là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất thế giới. Mỗi năm thị trường này bỏ ra đến 35 tỷ Euro để nhập khẩu rau quả. Con số này chiếm đến 45% giá trị thương mại của các mặt hàng rau quả trên toàn thế giới.

Các nước EU thường chi khoảng hơn 160 tỷ USD để nhập khẩu các mặt hàng nông sản mỗi năm. Khoảng 5,5 tỷ USD trong số này dành cho các mặt hàng nông sản từ Việt Nam. Con số này đã biến EU thành thị trường tiêu thụ nông sản lớn thứ ba của Việt Nam. Điều đó có nghĩa EU là một trong những thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Thị trường EU chiếm 13,7% tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính yếu của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường EU lên đến 41,48 tỷ USD và nhập khẩu đạt 14,91 tỷ USD năm 2019.

Các nước Hà Lan, Đức, Anh, Italy đều là những thị trường xuất khẩu điều trọng điểm của Việt Nam. EU là thị trường xuất khẩu hạt điều lớn thứ 2 của Việt Nam (23% giá trị xuất khẩu và 22% trị giá sản xuất). Năm 2021, Việt Nam xuất khẩu 135.000 tấn hạt điều sang thị trường EU để thu về 816 triệu USD. Con số này tăng 16,5% số lượng và 8% giá trị so với năm trước. EU là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất thế giới. Mỗi năm thị trường này bỏ ra đến 35 tỷ Euro để nhập khẩu rau quả. Con số này chiếm đến 45% giá trị thương mại của các mặt hàng rau quả trên toàn thế giới.

Kim ngạch buôn bán song phương giữa Việt Nam và EU năm 2021 đạt mức 57 tỷ USD. EVFTA là cơ hội hiếm có để các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam xâm nhập sâu hơn vào thị trường rộng lớn này. Nhu cầu tiêu dùng rau quả nhiệt đới của EU đang tăng cao. Nhu cầu rau quả tươi tăng 15-20% mỗi năm, trong khi các sản phẩm chế biến tăng hơn 30%. Khoảng 80.000 tấn gạo hạn ngạch không đánh thuế theo EVFTA năm 2021 chưa được sử dụng hết.

Việc xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường EU được dự báo sẽ còn tiếp tục gia tăng mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Cà phê, hạt điều, cao su, rau quả, hạt tiêu... cũng được dự báo sẽ được xuất khẩu nhiều vào thị trường EU trong năm 2022. Tất cả các diễn biến đó đã chứng minh rằng EU là một trong những thị trường xuất khẩu hàng hóa và đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

EVFTA đã giúp Việt Nam đa dạng hóa các đối tác thương mại truyền thống. Thị trường EU rộng lớn và tiềm năng chính vì thế đã góp phần thúc đẩy khả năng ứng phó, phục hồi kinh tế của Việt Nam trước các khó khăn khách quan của đại dịch Covid-19. Việc tận dụng tốt con đường cao tốc EVFTA không chỉ giúp các mặt hàng nông sản của Việt Nam chiếm lĩnh thị trường EU ở quy mô rộng lớn hơn, mà uy tín nhiều mặt hàng khác cũng sẽ được nâng lên ở các thị trường khó tính tương tự.

Thứ hai, cả CPTPP và EVFTA đều cam kết mở cửa thị trường khá mạnh đối với một số mặt hàng nguyên vật liệu của Việt Nam. EU loại bỏ 85,6% tổng số dòng thuế đang áp dụng đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam. Năng lực cạnh tranh của khoảng 70,3% kim ngạch xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam vào thị trường EU sẽ được cải thiện đáng kể. Thuế nhập khẩu các mặt hàng hàng gốm, sứ, thủy tinh từ Việt Nam sang EU giảm từ khoảng 5% xuống chỉ còn 1,8% ngay trong năm đầu tiên. Hơn 73% các mặt hàng này có thuế suất bằng 0%. Đây được xem là một lợi thế lớn để các sản phẩm gốm, sứ, thủy tinh của Việt Nam thâm nhập mạnh mẽ hơn vào thị trường EU.

EVFTA mở ra những cơ hội lớn cho doanh nghiệp dệt may và thủy sản của Việt Nam tiếp cận thị trường EU. EVFTA giảm thuế suất bình quân 9,6% xuống còn 0% trong vòng 7 năm. Giá trị các sản phẩm may mặc của Việt Nam xuất sang EU có thể lên đến 100 tỷ USD mỗi năm. Các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam như hạt tiêu, hạt điều, rau quả, cà phê, chè và cao su đều được hưởng mức thuế suất ưu đãi ở thị trường EU.

EVFTA đã mở ra rất nhiều cơ hội thuận lợi đối với các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam trên con đường chinh phục thị trường EU. Trước khi EVFTA được áp dụng, các mặt hàng rau quả của Việt Nam thường bị đánh thuế lên đến 10-20%. EVFTA đã bãi bỏ hầu hết các loại thuế đối với nông sản Việt Nam. Các mặt hàng được chế biến từ hạt điều của Việt Nam phải chịu thuế khoảng 7-12% tại thị trường EU. Tuy nhiên, EVFTA đã loại bỏ hoàn toàn các loại thuế đánh vào các sản phẩm hạt điều của Việt Nam. Sự kiện này không chỉ là cơ hội lớn, mà còn là một cột mốc hiếm có đối với các doanh nghiệp xuất khẩu điều của Việt Nam. Ưu đãi này sẽ làm cho các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế cạnh tranh với với các nước trong khu vực.

EVFTA giúp các doanh nghiệp thép Việt Nam có thêm một số lợi thế cạnh tranh nhất định và thúc đẩy các hoạt động xuất khẩu thép diễn ra mạnh mẽ hơn. Các áp lực cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh từ EVFTA đã trở thành công cụ hữu hiệu để cải thiện môi trường kinh doanh. Các tiêu chuẩn khắt khe của EVFTA buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải chuyển đổi mô hình hoạt động theo hướng ngày càng chuyên nghiệp hơn.

Việc tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, thể hiện trách nhiệm xã hội và đầu tư phát triển bền vững dần trở thành những bộ phận tất yếu trong quá trình phát triển của doanh nghiệp Việt Nam. Nhiều mặt hàng rau quả của Việt Nam đã dần dần đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường EU. Việt Nam được dự báo sẽ trở thành đối tác đầy hứa hẹn trong bản đồ thương mại thế giới trong năm 2022.

Thứ ba là thu hút thêm nhiều nguồn lực đầu tư từ các nước trên thế giới. EVFTA giúp Việt Nam thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài để phát triển các nguồn cung còn thiếu hụt và giải quyết quy tắc xuất xứ 2 công đoạn. Các quy định chặt chẽ về nguồn xuất xứ hàng hóa của EVFTA đã tạo ra làn sóng đầu tư vào ngành dệt nhuộm và sản xuất nguyên vật liệu cho các ngành dệt may, da-giày... Đa phần trong số này đến từ Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều công ty Đức ở châu Á đang chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam để tranh cách tác động tiêu cực của cuộc Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, chính sách Zero-Covid-19 của Trung Quốc, và tận dụng các ưu thế của EVFTA. Việt Nam từ đó không chỉ trở thành một lựa chọn được ưu tiên của các công ty Đức, mà còn có thể trở thành một trung tâm sản xuất tiềm năng của các nhà đầu tư Đức ở châu Á.

Rất nhiều doanh nghiệp của Đức tiến hành hoạt động khảo sát thị trường để mở rộng đầu tư hoặc chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam từ ngày 15 tháng 3 năm 2022. Nhà sản xuất đồ chơi LEGO của Đan Mạch, tập đoàn Kärcher ở Winnenden (bang Baden-Württemberg), hãng sản xuất các sản phẩm ép phủ bề mặt Kurz (Fürth, Bayern), công ty Magnetec ở Hessen, nhà sản xuất băng dính Tesa đều đã lựa chọn Việt Nam để đầu tư. Khoảng 21% các công ty Ấn Độ đang hoạt động tại Đông Nam Á đang lên kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong hai năm tới. Khoảng 26% doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam cũng đang đầu tư phát triển ở thị trường sở tại.

Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà quan trọng nhất là EVFTA và CPTPP cũng như các chính sách thân thiện đối với nhà đầu tư cho phép Việt Nam có thể trở thành một trong những nơi trú ẩn an toàn cho các dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Việc thu hút đầu tư không chỉ góp phần giải quyết việc làm, tăng cường tích lũy vốn, tiếp cận công nghệ hiện đại, mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm theo các tiêu chuẩn quốc tế. Sự phát triển ấn tượng và ổn định của kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây cũng như mối quan hệ thương mại tốt đẹp với nhiều nhiều thị trường thương mại tự do lớn nhất thế giới ở châu Á làm cho Việt Nam trở thành công xưởng sản xuất của các tập đoàn để cung cấp sản phẩm cho các nền kinh tế trong khu vực. Khoảng 49% doanh nghiệp được khảo sát đến từ Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ muốn tận dụng các lợi thế của EVFTA để đẩy mạnh hoạt động thương mại của họ ở châu Á.

Thứ ba là thuế nhập khẩu thấp sẽ là cơ hội quan trọng để các doanh nghiệp nội địa tiếp cận các nguồn nguyên liệu giá cả phải chăng hơn. Việt Nam cũng loại bỏ rất nhiều hàng rào thuế quan đối với các mặt hàng nguyên liệu và máy móc phục vụ sản xuất đến từ EU. Việt Nam gỡ bỏ 48,5% các loại thuế đánh vào hàng nhập khẩu từ EU. Con số này tương đương với khoảng 64,5% kim ngạch nhập khẩu hàng năm của Việt Nam. Giá nguyên liệu giảm là một trong những mắt xích quan trọng để giảm chi phí đầu tư cho các doanh nghiệp.

Các tiêu chuẩn xuất xứ hàng hóa từ đó cũng có thể được đáp ứng một cách dễ dàng và thuận lợi hơn đối với thị trường EU. Các doanh nghiệp Việt Nam được dự báo sẽ có thêm nhiều cơ hội thuận lợi để có thể nhập khẩu nhiều mặt hàng máy móc, thiết bị sản xuất, linh kiện điện tử chất lượng cao với giá thành hợp lý hơn. Thuế nhập khẩu thấp sẽ làm cho chi phí đầu vào của các doanh nghiệp giảm xuống. Giá cả hàng hóa của Việt Nam cũng sẽ có sức cạnh tranh lớn hơn trên thị thường thế giới. Các mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU cũng sẽ trở nên thuận lợi hơn. Cả người tiêu dùng Việt Nam lẫn châu Âu đều có thêm nhiều cơ hội lựa chọn nhiều mặt hàng giá cả phải chăng nhưng chất lượng phải biết.

Việc đa dạng hóa các nguồn cung đầu vào nhờ EVFTA làm cho thị trường Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn, khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế cũng được cải thiện và có nhiều điều kiện để tham gia sâu rộng vào các chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu trong thời gian tới. Sức ép cạnh tranh của việc giảm thuế nhập khẩu các nguồn nguyên và nhiên liệu buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm và hạ giá thành sản phẩm để khẳng định thị phần của mình trên thị trường trong nước.

Thứ năm là kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang các nước EU tăng mạnh kể từ khi EVFTA có hiệu lực. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU lên đến 27,67 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2021. Con số này tăng 18,4% so với thời kỳ chưa áp dụng EVFTA năm 2020. Giá trị xuất khẩu tăng 18,3% (19,4 tỷ USD) và giá trị nhập khẩu tăng hơn 19,1% (8,2 tỷ USD). Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Đan Mạch lên đến 308,51 triệu USD trong sáu tháng đầu năm 2021. Việt Nam xuất khẩu hơn 181,98 triệu USD hàng hóa sang Đan Mạch, nhưng nhập khẩu 126,53 triệu USD hàng hóa từ Đan Mạch.

Những con số này lần lượt tăng 29,16% và 32,17% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Na Uy lên đến khoảng 246,93 triệu USD trong sáu tháng đầu năm 2021. Việt Nam xuất khẩu khoảng 66,6 triệu USD hàng hóa sang Na Uy, nhưng nhập khẩu khoảng 180,33 triệu USD hàng hóa từ Na Uy. Những con số này lần lượt tăng 4,3% và 11,27% so với cùng kỳ năm 2020.

Ngành dệt may là một minh chứng cụ thể cho các tác động tích cực của EVFTA đối với hoạt động thương mại của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng dệt may của Việt Nam sang thị trường EU thương chỉ đạt khoảng 700-800 triệu USD trong hai quý đầu mỗi năm, nhưng con số này đã tăng lên đến 2,263 tỷ USD. EVFTA đã có nhiều tác động tích cực đến các hoạt động xuất khẩu của ngành dệt may sang thị trường EU. Tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê, hạt điều, cao su, rau quả, hạt tiêu, gạo và chè của Việt Nam sang thị trường EU lên đến khoảng 2,2 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2021. Con số này tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng trị giá xuất khẩu các mặt hàng rau quả của Việt Nam sang thị trường châu Âu năm 2021 tăng 17,4% so với năm 2020 và đạt mức 303 triệu USD.

Đầu năm 2022, 3 tấn xoài cát chu có mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, có chứng nhận chỉ dẫn địa lý xoài Cao Lãnh của Đồng Tháp đã được xuất khẩu sang châu Âu. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 8 tấn đến tháng 3 năm 2022. Một tập đoàn ở Hà Lan sẽ tiếp nhận 8 tấn xoài mỗi tuần trong thời gian đầu, nhưng sẽ tăng số lượng lên trong các thời gian sau cùng với việc mở rộng thị trường sang các nước khác.

Bên cạnh đó, các nông sản thế mạnh của Đồng Tháp như gạo, nhãn, sầu riêng, mít, ổi, ớt... cũng sẽ được xuất sang thị trường EU theo con đường EVFTA. Tổng giá trị hàng hóa Việt Nam xuất sang Đức trong 5 tháng đầu năm 2022 lên đến 3,6 tỷ USD, nhưng chiều ngược lại chỉ dừng ở mức 1,5 tỷ USD. Điều đó có nghĩa là các ưu đãi của EVFTA đã giúp các doanh nghiệp Việt Nam giữ lợi thế xuất siêu sang nền kinh tế lớn nhất EU lên đến 2,1 tỷ USD.

Trong số này, hàng dệt may đóng góp 409 triệu USD, các mặt hàng giày dép đóng góp 518 triệu USD, thiết bị máy móc, dụng cụ sản xuất và linh kiện phụ tùng đóng góp 613 triệu USD... Đức là thị trường xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam tại thị trường EU. Cho dù các mặt hàng giày dép, quần áo, rau quả, thủy sản, cà phê, đồ gỗ... chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Đức, nhưng tốc độ xuất khẩu của Việt Nam sang Đức gia tăng mạnh mẽ và nhiều mặt hàng của Việt Nam đã bắt đầu khẳng định được chỗ đứng của mình ở thị trường khó tính này kể từ khi EVFTA có hiệu lực. EVFTA chính vì thế được xem là chìa khóa cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường Đức trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực chưa thể ký kết các hiệp định thương mại tự do với EU.

Tóm lại, EVFTA biến Việt Nam trở thành quốc gia đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương chính thức thiết lập các mối quan hệ thương mại tự do với EU. Thực tế đó không chỉ khẳng định vị thế địa-chính trị ngày càng quan trọng của Việt Nam đối với EU, mà còn biến Việt Nam từ một nước đi sau trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế thành nước tiên phong đi đầu trong mở cửa nền kinh tế với thế giới bên ngoài.

Các tác động tích cực của EVFTA đối với hoạt động thương mại của Việt Nam là rất rõ ràng. EVFTA tạo ra nhiều cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu vào thị trường EU trong bối cảnh nhiều nước Đông Nam Á chưa có các hiệp định thương mại tương tự. Khoảng 99% các loại thuế đánh vào hàng nông sản Việt Nam xuất sang EU sẽ bị EVFTA loại bỏ hoàn toàn. EVFTA có nhiều đóng góp quan trọng đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang EU nửa đầu năm 2021. Các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam vì thế đang đứng trước nhiều cơ hội xâm nhập thị trường EU.

EVFTA là một trong những động lực phát triển chiến lược của ngành dệt may Việt Nam. Các hoạt động thương mại quốc tế trở thành một trong những nguồn động lực quan trọng cho tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam. Giá trị nhập khẩu tăng 15,7%, trong khi các hoạt động xuất khẩu tăng 16,4% trong 4 tháng đầu năm 2022. Ngày càng nhiều doanh nghiệp toàn cầu chuyển hướng đầu tư đến Việt Nam. Xu hướng này không chỉ là một hiện tượng tạm thời, mà trong thực tế còn mang tính chiến lược và lâu dài.

Điều đó có nghĩa là EVFTA không chỉ tạo ra những lợi thế đáng kể cho các hoạt động xuất khẩu của hàng may mặc Việt Nam, mà còn tránh việc phải lệ thuộc quá nhiều vào các thị trường truyền thống Hoa Kỳ và Nhật Bản. Các mối quan hệ trao đổi thương mại giữa Việt Nam và EU phát triển tích cực sau gần hai năm thực hiện EVFTA. Triển vọng xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam sang thị trường EU năm 2022 là rất khả quan.

Tuy nhiên, EVFTA vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với hoạt động xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam. Điều đó không chỉ đúng đối với các sản phẩm nông nghiệp, mà còn đối với gần như tất cả mặt hàng của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường EU.

3. Kết luận

EVFTA là hiệp định thương mại tự do toàn diện và chất lượng cao. Sự ra đời và đưa vào áp dụng của EVFTA đánh dấu một bước phát triển mới và một cột mốc quan trọng trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU. EVFTA có nhiều tác động tích cực đối với quá trình phát triển của Việt Nam.

Các động tích cực nhất của EVFTA đối với kinh tế Việt Nam thường xuất hiện trên lĩnh vực xuất nhập khẩu. EU là một trong các thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng rau quả của thị trường EU lên tới khoảng 100 tỷ USD mỗi năm. Các lợi thế EVFTA được dự đoán sẽ mang đến nhiều cơ hội xuất khẩu của các mặt hàng rau quả Việt Nam sang EU trong năm 2022. Doanh thu của các sản phẩm rau quả xuất khẩu sang thị trường EU trong năm 2022 sẽ đạt khoảng 200 triệu USD. Mức độ tăng trưởng của các hoạt động xuất khẩu rau quả sẽ tăng khoảng 10-15% so với năm 2021.

Mặc dù vậy, EVFTA cũng đặt ra không ít thách thức cho các hoạt động xuất khẩu hàng hóa nói riêng và hoạt động thương mại của Việt Nam nói chung. Điều đó có nghĩa là EVFTA là một trong những trợ lực quan trọng góp phần giúp Việt Nam vượt qua được nhiều khó khăn trước mắt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong quá trình phục hồi nền kinh tế thời gian vừa qua, nhưng những thách thức phía trước không phải là ít.

EU là một thị trường khó tính, có nhiều chính sách bảo vệ người tiêu dùng chặt chẽ và đặt ra nhiều yêu cầu chất lượng đối với các sản phẩm nhập khẩu. Ví dụ, các mặt hàng dệt may phải chuyển đổi mã hàng hoá đối với mặt hàng xơ, sợi, vải (từ chương 50-60), trong khi các hoạt động dệt phải đi liền với hoạt động may đối với các mặt hàng may mặc (HS61-63). Các mặt hàng da giày cũng được yêu cầu chuyển đổi mã hàng hoá hoặc tỉ lệ nội khối của các sản phẩm (HS 42, 43, và 64). Trong khi đó, không ít phương thức nuôi trồng và thực tiễn sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam vẫn chưa phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Việc đáp ứng các quy tắc xuất xứ hàng hóa của EVFTA là thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp Việt Nam để có thể tận dụng các cơ hội thuế quan của EVFTA.

Cùng lúc đó, việc xuất khẩu thép của Việt Nam vào EU không tiến triển đáng kể. Việc xuất khẩu thép của Việt Nam sang EU sẽ giảm khoảng 2-3% tới năm 2025 so với tình huống không có EVFTA. Tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm thép của Việt Nam sang EU cũng giảm khoảng 1,4-2,3%.

Bên cạnh đó, EU là thị trường nông sản lớn thứ 3 của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu lên đến khoảng 5,5 tỷ USD mỗi năm. Con số này chiếm khoảng 15% tổng giá trị sản xuất hàng nông sản của Việt Nam. Tuy nhiên, con số này chỉ chiếm 4% thị phần nông sản EU. Thực tế đó cho thấy tổng giá trị sản phẩm và tổng kim ngạch xuất khẩu của các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam sang thị trường EU vẫn còn rất khiêm tốn và chưa tương xứng với tiềm năng xuất khẩu của nền nông nghiệp Việt Nam và nhu cầu nhập khẩu hàng nông sản của thị trường EU.

Tương tự như vậy, mặc dù mặt hàng rau quả của Việt Nam được đánh giá cao tại thị trường EU nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tận dụng triệt để cơ hội. Thị phần rau quả của Việt Nam tại EU vẫn còn hết sức khiêm tốn và chỉ chiếm chưa đến 1% nhu cầu của thị trường rộng lớn này. Thậm chí có đến 80.000 tấn gạo hạn ngạch không đánh theo EVFTA của năm 2021 không được sử dụng hết.

Năng lực nội tại của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam còn tương đối hạn chế. Nhiều sản phẩm nông nghiệp vẫn chủ yếu được xuất khẩu dưới dạng thô, giá cả tương đối thấp, chỉ tập trung vào 3 nhóm cà phê, trái cây và hạt tiêu. Các quy định xuất nhập khẩu của EU thường thay đổi liên tục, nhưng khả năng cập nhật của doanh nghiệp xuất nhập khẩu là tương đối chậm. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn khó khăn trong việc tìm hiểu các cam kết và quy định của EVFTA. Trong khi vấn đề sở hữu trí tuệ được thị trường EU hết sức coi trọng thì nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa quan tâm đúng mức.

EVFTA vừa là một thời cơ hiếm có, nhưng đồng thời cũng là thách thức không hề đơn giản đối với các hoạt động xuất nhập khẩu của hàng hóa Việt Nam sang thị trường EU. Doanh nghiệp Việt cần tận dụng triệt để các lợi thế của EVFTA và đưa ra được các chiến lược xuất khẩu dài hơi sang thị trường EU. Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam cần tập trung tối đa mọi nguồn lực có thể để nhanh chóng cải thiện thị phần các sản phẩm nông nghiệp của mình đối với thị trường quan trọng này trước khi EU thiết lập FTA mới với các đối thủ cạnh tranh khác.

Ví dụ, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam đang tận dụng cao tốc EVFTA để tăng cường xuất khẩu các sản phẩm được chế biến từ hạt điều sang thị trường EU. Trong khi đó, ngành nông nghiệp đang nỗ lực đàm phán với các bên liên quan của EU để tiếp tục mở rộng danh mục các mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này. Việt Nam cần nâng cao chất lượng các mặt hàng thế mạnh để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của EU. Các mặt hàng dệt may và da giày của Việt Nam muốn xâm nhập vào thị trường EU mà không bị đánh thuế, thì không được nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào từ các nước ngoài khu vực. Thay vào đó, các doanh nghiệp ngành dệt may và da giày của Việt Nam cần phải mua nguyên vật liệu đầu vào từ các nước thành viên EU hoặc tự sản xuất ở trong nước.

Các mặt hàng nông sản phục vụ xuất khẩu của Việt Nam cần đáp ứng quy định nguồn gốc xuất xứ của hàng hoá. Cả người sản xuất lẫn doanh nghiệp xuất khẩu phải áp dụng các công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm vào trong từng quá trình sản xuất sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu. Ngành nông nghiệp sẽ phải đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng và vùng nuôi để không chỉ đáp ứng các điều kiện xuất khẩu khắt khe sang thị trường EU, mà còn có thể đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu sang tất cả thị trường khó tính khác Mỹ, Nhật Bản, Úc...

Các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam cần phải được tiếp tục hoàn thiện chuỗi sản xuất, nâng cao chất lượng hàng hóa, cải thiện khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Việc này chỉ có thể được hoàn thành cùng với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng thích ứng với các tiêu chí và tiêu chuẩn khắt khe của thị trường EU.

Năng lực hoạt động của doanh nghiệp xuất khẩu cần phải được nâng cao, trong khi các hoạt động xúc tiến thương mại đối với thị trường EU cần phải được đẩy mạnh hơn nữa. Các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại với đối tác EU để tìm kiếm nguồn nguyên liệu nội khối và mở rộng danh sách bạn hàng. Tuy nhiên, mấu chốt của vấn đề vẫn là chú trọng vào việc phát triển và khai thác các vùng nguyên liệu trong nước. Việc xây dựng và phát triển các thương hiệu mạnh đang là một trong những vấn đề thiết yếu đối với sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam hiện nay. Các doanh nghiệp Việt Nam cần thường xuyên cập nhật quy định và thủ tục nhập khẩu của EU để tìm hiểu các cam kết thuế quan mà EU dành cho Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nắm vững quy định của EVFTA. Quan trọng nhất trong số này là các thủ tục và quy trình chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

TS. Nguyễn Mậu Hùng - Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:EVFTA, Việt Nam, EU

tin liên quan

video hot

Về đầu trang