Nghiên cứu tác động của EVFTA đối với quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc

author 07:10 01/10/2022

(VietQ.vn) - Trong phạm vi bài viết, tác giả tập trung nghiên cứu quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và CH Séc trong những năm trước và sau khi có EVFTA để bước đầu tìm hiểu sự tác động của EVFTA đối với quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước.

Tóm tắt: Cộng hòa (CH) Séc là một trong những đối tác truyền thống lâu đời của Việt Nam, vì thế mối quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước đã được thiết lập từ trước khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) được ký kết. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế CH Séc, EVFTA sẽ mang lại cơ hội lớn để Việt Nam và CH Séc mở rộng hợp tác kinh tế - thương mại song phương. Đồng thời, EVFFTA giúp các doanh nghiệp của CH Séc, với tư cách là một thành viên của EU, tận dụng tốt hơn cơ hội hợp tác kinh tế - thương mại với Việt Nam.

Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung nghiên cứu quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và CH Séc trong những năm trước và sau khi có EVFTA để bước đầu tìm hiểu sự tác động của EVFTA đối với quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước. Hướng nghiên cứu này nhằm tìm hiểu những thuận lợi và khó khăn dưới tác động của EVFTA, góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại hiệu quả hơn giữa Việt Nam và các đối tác thành viên trong tổ chức EU.

1. Quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và CH Séc trước khi có Hiệp định EVFTA

Vốn từng là một bộ phận của nước Tiệp Khắc trước đây, kể từ khi trở thành quốc gia độc lập vào năm 1993, CH Séc kế thừa các mối quan hệ của Tiệp Khắc với Việt Nam (được thiết lập từ năm 1950), đồng thời tiếp tục phát triển quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước. Ngay trong năm đầu tiên, nhà nước CH Séc non trẻ đã triển khai hoạt động trao đổi thương mại với Việt Nam.

Bảng 1. Xuất - nhập khẩu của CH Séc với Việt Nam năm 1993 (Đơn vị: nghìn USD)

Nguồn: World Integrated Trade Solution (WITS). Czech Republic Product exports and imports to Vietnam 1993.

https://wits.worldbank.org/CountryProfile/en/Country/CZE/Year/1993/TradeFlow/EXPIMP/Partner/VNM/Product/all-groups#

Những số liệu thống kê trong bảng 1 cho thấy về tổng thể, giá trị hàng hóa mà CH Séc xuất khẩu sang Việt Nam nhiều hơn nhập khẩu và đạt thặng dư trong quan hệ thương mại với Việt Nam nhưng chỉ hơn 1 triệu USD. Ngoài ra, tổng giá trị thương mại hai chiều còn rất thấp, chỉ đạt hơn 11 triệu USD. Sáu trong số các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang CH Séc đạt giá trị xuất khẩu cao hơn hàng của CH Séc xuất khẩu sang Việt Nam bao gồm: hàng tiêu dùng, nguyên liệu thô, giầy dép, hàng dệt may, rau quả, và đồ gỗ. Trong khi đó, hai mặt hàng mà Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ CH Séc là tư liệu sản xuất cùng với máy móc và thiết bị điện.

Năm 2004, CH Séc trở thành thành viên của EU, đồng thời lúc này quan hệ của Việt Nam với EU cũng có nhiều khởi sắc trên các phương diện chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại và đầu tư. Tháng 6-2012, Việt Nam và EU tiến hành đàm phán về Hiệp định EVFTA và hoàn tất việc đàm phán Hiệp định này vào tháng 8-2015 để tiến tới việc thiết lập một khu vực thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước thành viên của EU. Bối cảnh đó cũng có những tác động nhất định tới quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và CH Séc. Năm 2015, giá trị thương mại hai chiều giữa hai nước đã có sự thay đổi như thể hiện trong bảng số liệu dưới đây.

Bảng 2. Xuất - nhập khẩu của CH Séc với Việt Nam năm 2015 (Đơn vị: nghìn USD)

Nguồn: World Integrated Trade Solution (WITS). Czech Republic Product exports and imports to Vietnam 2015.

https://wits.worldbank.org/CountryProfile/en/Country/CZE/Year/2015/TradeFlow/EXPIMP/Partner/VNM/Product/all-groups#

Những số liệu trong bảng số 2 cho thấy trao đổi thương mại giữa Việt Nam và CH Séc sau hơn hai thập kỷ đã có sự thay đổi lớn so với năm 1993. Tổng giá trị thương mại hai chiều đạt trên 750 triệu USD so với con số nhỏ bé hơn 11 triệu của năm 1993. Số lượng các mặt hàng chủ lực trong thương mại hai chiềunăm 2015 tăng lên 19 mặt hàng so với 16 mặt hàng của năm 1993.

Hơn nữa, Việt Nam đạt thặng dư thương mại với mức xuất khẩu sang CH Séc lượng hàng hóa trị giá 661.242,17 USD, trong khi đó nhập khẩu từ CH Séc lượng hàng trị giá 96.861,93 USD. Thực tế này tiếp tục tiếp diễn trong các năm sau đó như số liệu trong bảng dưới đây.

Bảng 3. Xuất - nhập khẩu của CH Séc với Việt Nam, 2018-2019 (Đơn vị: nghìn USD)

Nguồn: World Integrated Trade Solution (WITS). Czech Republic Product exports and imports to Vietnam 2018.

https://wits.worldbank.org/CountryProfile/en/Country/CZE/Year/2018/TradeFlow/EXPIMP/Partner/VNM/Product/all-groups#; World Integrated Trade Solution (WITS). Czech Republic

Product exports and imports to Vietnam 2019. https://wits.worldbank.org/CountryProfile/en/Country/CZE/Year/2019/TradeFlow/EXPIMP/Partner/VNM/Product/all-groups#

So sánh số liệu xuất - nhập khẩu của CH Séc với Việt Nam năm 2015 cho thấy mức độ thương mại song phương trong năm 2018 và 2019 đã tăng lên rất nhiều về tổng giá trị. Hơn nữa, Việt Nam tiếp tục đạt thăng dư thương mại với CH Séc: năm 2018 Việt Nam xuất khẩu sang CH Séc lượng hàng trị giá 1.033.597,69 USD và nhập khẩu từ CH Séc lượng hàng trị giá 140.917,48 USD; con số tương tự của năm 2019 là CH Séc nhập khẩu lượng hàng trị giá 1.166.064,92 USD từ Việt Nam trong khi đó chỉ xuất khẩu lượng hàng trị giá 72.890,36 USD sang Việt Nam. Đây là tín hiệu đáng mừng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường CH Séc trước khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Như vậy những số liệu thống kê một số năm cho thấy quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và CH Séc trong hơn hai thập kỷ qua đã được duy trì đều đặn với cơ cấu mặt hàng chủ lực xuất - nhập khẩu khá ổn định. Hơn nữa, tổng giá trị hàng hóa trao đổi giữa hai nước đã có sự thay đổi lớn qua các năm, đặc biệt là sự xuất siêu của Việt Nam.

Có thể lý giải về sự thay đổi mạnh mẽ trong quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam - CH Séc trong giai đoạn này qua phát biểu của các quan chức CH Séc. Trong một phát biểu ngày 10-9-2021, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính CH Séc Alena Schillerova nói rằng: “Tôi đánh giá cao sự phát triển ngày càng lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại CH Séc. Trước đây, các doanh nghiệp của người Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ, nay đã phát triển với quy mô lớn. Đây là cầu nối quan trọng thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại song phương”.

Đồng quan điểm với Phó Thủ tướng Schillerova, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp SécJaroslav Hanak nói rằng: “Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm ở mức cao (trên 6%) nên luôn được CH Séc coi là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu ở ASEAN”.

Trong khi đó, Tham tán Kinh tế CH Séc tại Việt Nam David Jarkulish khẳng định: “Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và ổn định cùng với tốc độ hiện đại hóa nền kinh tế nhanh chóng đã đưa Việt Nam trở thành đối tác ngày càng hấp dẫn của CH Séc. Việt Nam đã cải thiện đáng kể các điều kiện cho nhà đầu tư quốc tế trong thập kỷ qua và trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các công ty Séc”. Những đánh giá của các quan chức CH Séc thể hiện tính khách quan và khá đầy đủ về thực trạng quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam - CH Séc trong những năm qua.

2. Quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và CH Séc sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực

2.1. Những nội dung cơ bản của Hiệp định EVFTA

Hiệp định EVFTA có tác động tích cực đối với quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc. Ảnh minh họa.

Hiệp định EVFTA là một loại khu vực thương mại tự do (FTA) thế hệ mới giữa Việt Nam và 27 nước thành viên EU (sau khi nước Anh chính thức rời EU đầu năm 2020), đồng thời là một trong hai FTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay. Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 01/8/2020 và có những nội dung chính như sau.

Về thuế nhập khẩu, ngay sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 07 năm kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với một số ít mặt hàng còn lại (tương đương khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu), EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Như vậy, gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn (07 năm).

Về qui tắc xuất xứ, Hiệp định EVFTA yêu cầu quy tắc xuất xứ “2 công đoạn” (từ vải trở đi) đối với hàng dệt may, tức là để được hưởng thuế quan ưu đãi theo Hiệp định EVFTA, hàng dệt may của Việt Nam phải được làm từ vải có xuất xứ Việt Nam. Ngoài ra, đối với các sản phẩm dệt may thuộc Chương 61 và 62 của biểu thuế, EU cũng cho phép Việt Nam được sử dụng vải nhập khẩu từ Hàn Quốc để sản xuất ra sản phẩm cuối cùng xuất khẩu sang EU và vẫn được hưởng thuế suất ưu đãi của Hiệp định EVFTA.

Về mức độ mở cửa thị trường một số ngành cụ thể, Hiệp định EVFTA có mức độ mở cửa cao hơn trong WTO đối với một số ngành như dịch vụ viễn thông, dịch vụ tài chính, dịch vụ phân phối, dịch vụ vận tải. Đối với dịch vụ tài chính, Hiệp định EVFTA có mức cam kết cao hơn khi cam kết sẽ xem xét thuận lợi việc cho phép các tổ chức tín dụng EU nâng mức nắm giữ của phía nước ngoài lên 49% vốn điều lệ trong 02 ngân hàng thương mại cổ phần (ngoại trừ các ngân hàng BIDV, Vietinbank, Vietcombank và Agribank) của Việt Nam trong vòng 05 năm kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Về dịch vụ vận tải, đối với dịch vụ gom hàng và dịch vụ tái phân phối công-ten- nơ rỗng, ngay sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, Việt Nam cho phép các nhà cung cấp dịch vụ vận tải biển quốc tế của EU hoặc thành viên EU thực hiện các dịch vụ này trên tuyến Quy Nhơn - Cái Mép. Sau 05 năm, Việt Nam sẽ cho phép thực hiện dịch vụ tái phân phối công-ten-nơ rỗng trên tất cả các tuyến. Với dịch vụ nạo vét, Việt Nam cho phép các doanh nghiệp EU lập liên doanh tới 51% để cung cấp dịch vụ tại Việt Nam. Đối với dịch vụ mặt đất ở sân bay, Việt Nam cam kết sau 05 năm kể từ khi mở cửa cho khu vực tư nhân sẽ cho phép các doanh nghiệp EU lập liên doanh với đối tác Việt Nam, trong đó vốn của phía nước ngoài không quá 49%, để đấu thầu cung cấp dịch vụ này, 03 năm sau đó, hạn chế vốn nước ngoài sẽ là 51%.

Ngoài ra, trong Hiệp định EVFTA, Việt Nam và EU đưa ra nhiều cam kết khác về hình thức cam kết của các bên, các vấn đề dịch vụ phân phối, lĩnh vực mua sắm chính phủ, mức độ bảo hộ sở hữu trí tuệ, Việt Nam phải gia nhập Hiệp định UNECE 1958 (đó là Hiệp định về việc chấp thuận các quy định kỹ thuật thống nhất đối với xe cơ giới và các thiết bị, phụ tùng có thể được lắp và/hoặc sử dụng trên xe cơ giới và các điều kiện để công nhận lẫn nhau về phê duyệt/chứng nhận được cấp trên cơ sở quy định của Liên hợp quốc) khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây ra tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội các nước trên thế giới, việc Hiệp định EVFTA có ý nghĩa quan trọng giúp bù đắp sự suy giảm của nền kinh tế trong giai đoạn dịch bệnh cho cả Việt Nam và EU. Từ phía doanh nghiệp, Hiệp định EVFTA còn được khẳng định là cứu cánh mang đến cơ hội thị trường đa dạng hơn cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp lấy lại đà tăng trưởng hậu dịch bệnh.

2.2. Khả năng tác động của Hiệp định EVFTA với quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam - CH Séc

Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ tháng 8-2020 và cho đến thời điểm hiện tại (tháng 5-2022) việc thực thi Hiệp định này chưa đầy hai năm vì thế khó có thể đánh giá hết những tác động của nó. Tuy nhiên, từ những số liệu ban đầu cho thấy, quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và CH Séc kể từ sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực vẫn diễn ra một cách thuận lợi.

Theo thông tin của Đại sứ quán Việt Nam tại CH Séc, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, thương mại Việt Nam - EU nói chung, Việt Nam - CH Séc nói riêng vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực. Năm 2020, kim ngạch thương mại Việt Nam - CH Séc đạt 1,5 tỷ USD, tăng hơn 22% so với năm 2019. Sáu tháng đầu năm 2021, kim ngạch thương mại của hai nước đạt 936 triệu USD, tăng 28% so với nửa đầu năm 2020.

Phía CH Séc cũng có những đánh giá tích cực về quan hệ kinh tế - thương mại của CH Séc với Việt Nam. Tại Diễn đàn Thương mại Séc-Việt được tổ chức tại Trung tâm thương mại VINAMO ở thành phố Brno, CH Séc, ngày 10-9-2021, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính CH Séc, Tiến sỹ Alena Schillerova cho biết đây là diễn đàn thương mại đầu tiên giữa hai nước nhằm góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống song phương trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Tiến sỹ Schillerova nhận xét rằng: “Việt Nam là đối tác kinh tế-thương mại quan trọng của CH Séc, hai bên có nhiều tiềm năng và cơ hội thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ này khi Hiệp định EVFTA phát huy hiệu quả. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của CH Séc ở Đông Nam Á và là đối tác thứ 13 trên thế giới. Việt Nam không chỉ xuất khẩu sang CH Séc các mặt hàng tiêu dùng mà còn cả các mặt hàng công nghiệp. Gần đây, nhiều doanh nghiệp Séc, trong đó có các doanh nghiệp trong lĩnh vực thiết bị y tế, đã thành công tại Việt Nam... Việc hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng thương mại giữa hai nước lên ít nhất 50%”.

Với những ưu đãi mà Hiệp định EVFTA mang lại, cả Việt Nam và CH Séc đều được hưởng lợi. Đối với Việt Nam, những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế trong Hiệp định EVFTA, cơ hội gia tăng xuất khẩu của Việt Nam là rất lớn, nhất là đối với những mặt hàng lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản, đồ gỗ. Đây là những mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam sang CH Séc trong nhiều năm qua.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ được lợi từ nguồn hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu với chất lượng tốt và ổn định với mức giá hợp lý hơn từ CH Séc cũng như các nước thành viên khác của EU. Đáng chú ý là nguồn máy móc, thiết bị, công nghệ/kỹ thuật cao từ CH Séc và các nước EU sẽ giúp nâng cao năng suất và cải thiện chất lượng sản phẩm của Việt Nam. Hơn nữa, khi hàng hóa, dịch vụ từ CH Séc và các nước thành viên EU nhập khẩu vào Việt Nam sẽ tạo ra một sức ép cạnh tranh để doanh nghiệp Việt Nam nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh.

Với Hiệp định EVFTA, chuỗi giá trị mới của Việt Nam với CH Séc và các đối tác trong tổ chức EU sẽ được hình thành, ngày càng nâng cao vị thế của Việt Nam trong nền kinh tế thế giới. Môi trường đầu tư mở hơn và thuận lợi hơn, khi triển vọng xuất khẩu hấp dẫn hơn sẽ thu hút đầu tư từ CH Séc và các nước thành viên EU vào Việt Nam nhiều hơn, đặc biệt là các lĩnh vực như dịch vụ, tài chính, ô tô, chế biến chế tạo, công nghệ thông tin, công nghệ cao, nông sản thực phẩm chế biến. Đây là những thế mạnh của các đối tác châu Âu mà Việt Nam có cơ hội tiếp cận và học hỏi kinh nghiệm.

Đối với CH Séc, ngoài các phương thức thương mại truyền thống, các công ty của CH Séc ngày càng quan tâm đến việc chuyển giao công nghệ và đầu tư của họ sang Việt Nam. CH Séc là một cường quốc ô tô của châu Âu vì thế có tiềm năng lớn nhất trong việc chuyển giao công nghệ ô tô cho Việt Nam. Tính theo bình quân đầu người, CH Séc đứng thứ hai trên thế giới về sản xuất ô tô chở khách và có truyền thống lâu đời và mạnh về sản xuất xe tải và xe buýt. Các thương hiệu xe hơi truyền thống của Séc như Škoda, Tatra hay Avia đang tìm kiếm cơ hội mới ở châu Á và cũng có kế hoạch thâm nhập thị trường ô tô tại Việt Nam.

Với những thế mạnh như vậy cùng với ưu đãi do Hiệp định EVFTA mang lại sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của CH Séc tăng cường xuất khẩu và đầu tư vào thị trường Việt Nam. Theo nhận định của Tham tán Kinh tế CH Séc tại Việt Nam David Jarkulish: “Đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của CH Séc sang Việt Nam, chẳng hạn như máy móc thiết bị, thủy tinh hoặc đồ chơi, v.v., thuế sẽ giảm xuống 0 hoặc chỉ còn là một phần nhỏ so với thuế suất hiện hành. Nhập khẩu xe có động cơ và phụ tùng ô tô, nhập khẩu nông sản, bao gồm nhập khẩu bia và hoa bia của Séc, sẽ được tự do hóa hoàn toàn sau đó một thời gian ngắn, trong khoảng từ 4 đến 11 năm. EVFTA sẽ cho phép các công ty Séc tiếp cận mua sắm công tại Việt Nam một cách minh bạch, không phân biệt đối xử và việc bảo vệ bản quyền, bằng sáng chế đối với các sản phẩm dược phẩm cũng sẽ được tăng cường.

Chúng tôi kỳ vọng rằng EVFTA sẽ làm tăng xuất khẩu nông sản và thực phẩm của Séc sang Việt Nam khoảng 20%. Sau khi kết thúc tất cả các giai đoạn chuyển tiếp, xuất khẩu sản phẩm kỹ thuật của Séc sẽ tăng 35%. Xuất khẩu các sản phẩm thủy tinh của Séc có thể tăng tới 269%”.

Như vậy, bên cạnh những thuận lợi sẽ có cả những thách thức đối với Việt Nam đó là sự cạnh tranh của các doanh nghiệp CH Séc trên thị trường Việt Nam. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện Hiệp định EVFTA, Việt Nam phải thực hiện những yêu cầu đặt ra trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thể chế, chính sách pháp luật theo hướng minh bạch hơn, thuận lợi và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế. Mặc dù vậy, những yêu cầu của Hiệp định EVFTA sẽ là tiền đề quan trọng đưa Việt Nam ngày càng hòa nhập hơn với môi trường đầu tư kinh doanh, pháp luật và những tiêu chuẩn quốc tế, giúp Việt Nam tăng tốc phát triển lên một tầm cao mới.

3. Kết luận

Quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và CH Séc đã trải qua quá trình phát triển lâu dài hơn hai thập kỷ, vì thế hai bên hiểu rất rõ về tiềm năng và thế mạnh của nhau. Trong quá trình này, mối quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước ngày càng phát triển trong đó Việt Nam ngày càng hưởng lợi lớn với mức thặng dư thương mại trong nhiều năm qua. Hiệp định EVFTA đang trong quá trình triển khai tiếp tục mang lại lợi thế cho quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và CH Séc.

Tuy nhiên trong quá trình này, Việt Nam cũng gặp những thách thức do trình độ phát triển về khoa học công nghệ trong một số lĩnh vực còn thấp hơn CH Séc và do những tiêu chuẩn về môi trường kinh doanh và đầu tư còn có những khác biệt so với tiêu chuẩn của CH Séc và các nước thành viên EU. Mặc dù vậy, việc khắc phục những rào cản này sẽ đem lại cho Việt Nam kinh nghiệm mới để tiếp tục sự hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và hiệu quả hơn trong thời gian tới.

TS. Luật gia. Lê Hoàng Anh Tuấn

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang