"FDI không phải liều thuốc tiên"

author 17:16 24/01/2014

(VietQ.vn)- Theo các chuyên gia kinh tế, chúng ta không nên quá kỳ vọng vào vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI)


Trước sự cán mốc ngoạn mục của dòng vốn FDI, nhiều ý kiến lại tỏ ra lo ngại khi nhà đầu tư ẵm lợi nhuận về nước còn kinh tế Việt Nam mới chỉ phát triển ở bề nổi…

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn FDI vào Việt Nam đã chính thức vượt mốc 20 tỷ USD trong năm 2013, một con số ấn tượng trong giai đoạn khó khăn chung của nền kinh tế thế giới.

Sau 4 năm (2009-2012) dòng vốn FDI vào Việt Nam đi theo chiều hướng năm sau thấp hơn năm trước, đầu năm 2013, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ dám đưa ra mục tiêu thu hút “khiêm tốn” khoảng 13-14 tỷ USD cho cả năm 2013. Tuy nhiên, khác những năm trước đó, dòng vốn FDI vào Việt Nam năm nay đã có sự “đảo chiều”, tăng mạnh mẽ

Đây cũng là tín hiệu cho thấy VN vẫn là sự lựa chọn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh kinh tế thế giới chưa nhiều khởi sắc. Đặc biệt, trong điều kiện vốn đầu tư từ ngân sách đang eo hẹp, dòng vốn FDI đã đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại dù nguồn vốn đầu tư khủng song đóng góp của FDI trong nền kinh tế vẫn còn ít, hầu hết lại đang trong thời gian được hưởng ưu đãi. GDP thực tế ít hơn nhiều so với con số công bố.

Thời gian trước có tới 50% doanh nghiệp FDI kêu lỗ để nhận chính sách ưu đãi về thuế

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: Một nền kinh tế muốn phát triển mạnh và bền vững đều phải dựa vào nội lực nên muốn thoát khỏi khó khăn và phát triển trong tương lai thì nội lực phải mạnh chứ không thể dựa vào bên ngoài. Còn việc Việt Nam vẫn đang dựa vào doanh nghiệp FDI để có con số tăng trưởng GDP, xuất khẩu đẹp chỉ mang tính nhất thời.

Theo bà Phạm Chi Lan, khi không còn cung cấp nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp FDI nữa, họ sẽ tự động rút lui khỏi thị trường và chuyển sang những mảnh đất màu mỡ mới. Khi ấy Việt Nam sẽ càng khó khăn hơn nữa. Sự việc này đã xảy ra ở Thái Lan năm 1997.

Ông Võ Trí Thành,Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý Kinh tế trung ương , cũng thừa nhận câu chuyện thu hút và hấp thụ FDI cho có hiệu quả phức tạp hơn nhiều mục tiêu tối đa hóa lượng vốn FDI. “ Chúng ta kỳ vọng nhận được đầy đủ từ tác động và sự lan tỏa tích cực FDI mang lại, song hơn 20 năm rồi sự tác động này vẫn chưa rõ rệt. Công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, nguồn nhân lực nhiều nhưng vẫn thiếu lao động được đào tạo, thiếu công nhân lành nghề, kể cả nguồn nhân lực quản lý, bây giờ chính các doanh nghiệp FDI vẫn đang trong cảnh đốt đuốc tìm đốc công. Bên cạnh đó là vấn đề chuyển giao công nghệ, tuy các doanh nghiệp FDI có công nghệ cao hơn doanh nghiệp trong nước nhưng một số NĐT quá khôn ngoan chỉ đưa vào đây loại công nghệ đã lạc hậu…”, ông Thành nói.

Từ đây, TS. Võ Trí Thành nhận định FDI là câu chuyện cần thiết cho các nước đang phát triển nhưng không phải là phép màu. FDI vào nhiều đến đâu là tốt lại phụ thuộc vào khả năng cải cách và quản trị của Việt Nam.

Mới đây, trong cuộc hội thảo kinh tế, TS Andrew Burns, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới cho rằng: FDI ổn định, ít bị rủi ro hơn so với các nguồn vốn khác như cổ phiếu, đầu tư ngắn hạn và mang lại nhiều tác động tích cực cho nền kinh tế như giúp quốc gia đó trở thành một phần trong chuỗi cung ứng toàn cầu, kích thích tăng trưởng, trao đổi công nghệ, tạo công ăn việc làm… Nhưng ngược lại, người đi đầu tư là vì lợi nhuận nên việc dòng vốn lợi nhuận từ FDI chảy ra là tất yếu.
“Cần hiểu rằng FDI không phải là câu trả lời cho tất cả, là liều thuốc tiên chữa bách bệnh” – ông Andrew nói.

Hoàng Vũ (tổng hợp)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang