SamSung “ẵm” lợi nhuận đi: Đừng trách nhà đầu tư

author 07:22 13/01/2014

(VietQ.vn) - Nếu trách thì trách đất nước ta còn kém phát triển, thiếu sản phẩm phụ trợ, trong khi nhà đầu tư tận dụng được nhân công giá rẻ…

 
Theo các chuyên gia kinh tế, một khi công nghiệp phụ trợ của Việt Nam còn kém thì chuyện hút vốn FDI có nhiều tới mấy cũng không còn nhiều ý nghĩa cho nền kinh tế Việt Nam.

Ưu đãi lớn, nguồn thu thấp, có đáng không?

Trong năm 2013 tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm là 21,628 tỷ USD, tăng 54,5% so với cùng kỳ năm 2012.

Kết quả trên, vượt xa mục tiêu thu hút 13-14 tỷ USD vốn FDI đã đề ra từ đầu năm. Trong đó, phải kể đến hai dự án đầu tư mới vào Bắc Ninh và Thái Nguyên với hơn 4 tỷ USD  của Samsung.

Ngay khi Samsung chọn Việt Nam là điểm đến, rất nhiều người đã coi dự án này như là một hình mẫu lý tưởng cho thu hút FDI vào Việt Nam. Bởi lẽ, “máy cái” Samsung sẽ góp phần kéo các nhà sản xuất vệ tinh của họ đầu tư vào Việt Nam.

Tuy nhiên, vấn đề khác lại được đặt ra: lợi ích mà nước ta thu được từ Samsung có thỏa đáng không khi mà giá trị gia tăng chỉ khoảng 10%, thu ngân sách chỉ mấy trăm tỷ đồng/năm(!).

Mới đây, khi nhìn nhận và đánh giá về các dự án FDI, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, cho biết phải nhìn một cách toàn diện, chứ không thể chỉ chăm chăm vào chuyện thu được bao nhiêu thuế.

Dự án mới của Samsung được khởi công tại Thái Nguyên năm 2013

Thực tế cho thấy, với việc trao ưu đãi cao nhất cho các dự án công nghệ cao, lĩnh vực mà Việt Nam hiện đang khuyến khích đầu tư, thì một dự án lớn như của Samsung, mỗi năm có thể thu ngân sách không lớn. Và nếu chỉ nhìn vào khía cạnh này, thì có vẻ là Việt Nam đang được thu lợi quá ít so với những ưu đãi mà Chính phủ dành cho họ.

Cụ thể, Những dự án của Samsung ở Thái Nguyên được hưởng nhiều ưu đãi như: ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp bằng 10% trong 30 năm kể từ khi bắt đầu hoạt động; miễn thuế trong 4 năm kể từ khi có lãi và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Trong khi các doanh nghiệp khác phải chịu thuế suất thu nhập doanh nghiệp 25%.

Ngoài ra, tỉnh Thái Nguyên còn đề xuất cho dự án của Samsung được thêm 3 năm hưởng ưu đãi giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp, nâng tổng thời gian ưu đãi là 12 năm. Bên cạnh đó, tỉnh Thái Nguyên đề xuất cho Samsung được hưởng các ưu đãi tương tự như dự án tại Bắc Ninh như: miễn tiền thuê đất, thuê cơ sở hạ tầng, miễn thuế nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị...

Tuy nhiên,  ở góc độ khác, là trên diện tích 100 ha, Dự án đã tạo được doanh thu 13 tỷ USD, gần như 100% con số đó được xuất khẩu ra nước ngoài, khiến cán cân thương mại thặng dư. Hơn nữa, cũng phải thấy rằng, việc các nhà đầu tư lớn đã tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động, với thu nhập ổn định, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế...

Vốn  FDI khủng cũng không có ý nghĩa nếu công nghiệp phụ trợ kém

Theo TS Lê Đăng Doanh,  mặt trái của những dự án FDI là phần lãi sẽ được nhà đầu tư “ẵm” về nước họ, khiến cho tăng trưởng GDP của nước ta thực chất ít hơn nhiều con số công bố.

Ông Doanh nêu vấn đề: Xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI khá hơn doanh nghiệp trong nước và câu hỏi đặt ra là chúng ta thu được gì? Ví dụ năm 2013, tập đoàn Samsung xuất khẩu 23 tỷ USD và nhập khẩu 21 tỷ USD từ Trung Quốc và chúng ta chỉ thu được 50 triệu USD tiền thuế, còn lại không thu được vì là tiền ưu đãi thuế sử dụng đất, thu nhập doanh nghiệp.

“Trong câu chuyện này, không thể trách nhà đầu tư, có trách thì nên trách nền công nghiệp phụ trợ của nước ta còn kém chưa tạo dựng giá trị gia tăng lớn khi dự án FDI đổ bộ vào Việt Nam”, TS Doanh nhận định.

Nền công nghiệp phụ trợ của Việt Nam còn kém (ảnh minh họa)

GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài, nhận định không thể phủ nhận những đóng góp của khối DN FDI đối với kinh tế Việt Nam, nhất là khi kinh tế thế giới và FDI toàn cầu chưa phục hồi như dự báo.

Tuy nhiên, sức lan tỏa của khối DN FDI đối với DN trong nước chưa nhiều. Nói về Samsung, hiện có đến 48/68 DN phụ trợ cung cấp linh kiện, thiết bị cho hãng đến từ Hàn Quốc. Trong khi lao động đến từ Hàn Quốc có chi phí cao hơn là cơ hội cho DN phụ trợ trong nước thay thế, tham gia vào chuỗi giá trị của DN FDI nhưng đến nay, ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam vẫn kém phát triển.

“Chúng ta đã bàn về công nghiệp phụ trợ rất lâu nhưng phát triển chưa mong muốn. Giờ cơ hội đến khi các tập đoàn hàng đầu thế giới đặt nhà máy tại Việt Nam. Cần thí điểm giao cho các địa phương làm sao đưa công nghiệp hỗ trợ đầu vào và phân phối đầu ra gắn với chuỗi giá trị của DN FDI. Nếu không có công nghiệp hỗ trợ, DN trong nước không thể phát triển như kỳ vọng và khi đó dù có thu hút bao nhiêu FDI cũng không còn nhiều ý nghĩa”.

Theo các chuyên gia kinh tế, vấn đề cấp thiết là Chính phủ và chính quyền các địa phương cần có chính sách khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam có đủ năng lực và đáp ứng yêu cầu làm vệ tinh sản xuất linh kiện, phụ kiện cho Samsung, tranh thủ cơ hội để vừa hình thành ngành công nghiệp phụ trợ, vừa giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt, vươn lên làm chủ công nghệ hiện đại.

Hoàng Vũ (tổng hợp)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang