Gần 40.000 doanh nghiệp giải thể, ngưng hoạt động

author 05:30 14/10/2012

(VietQ.vn) - Quý 3/2012, so với 5 tháng trước, cả nước có thêm khoảng 22.000 doanh nghiệp (DN) tạm ngưng hoạt động.

Hiện nay cả nước có trên 675.000 DN được thành lập. Trong 9 tháng qua, có khoảng 40.000 doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2011.

Một điểm đáng lưu ý là theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2011 có 53.000 DN đóng cửa và phá sản. Như vậy, con số DN phải đóng cửa trong hai năm 2011 và 2012 chiếm khoảng 40% tổng số DN phải đóng cửa kể từ khi đổi mới đến nay. Điều này cho thấy mức độ khó khăn của DN Việt Nam trong hai năm gần đây.

Kết quả điều tra cho thấy trong quý 3/2012 các chỉ số về hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đều có chiều hướng xấu đi tại nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là chỉ số về lợi nhuận trên đơn vị sản phẩm, tổng doanh số và hàng tồn kho. Chiều hướng này cũng được quan sát thấy ở các quý khảo sát trước đó. Điều đó cho thấy rằng các chỉ tiêu này vẫn là những điểm đáng quan ngại của các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng chia sẻ nhiều ý kiến về giải pháp xử lý hàng tồn kho và nợ xấu ngân hàng. Theo đó, hầu hết các doanh nghiệp áp dụng giải pháp tìm thị trường mới và giảm giá bán để giải phóng hàng tồn kho. Một số lượng lớn các doanh nghiệp cho rằng chính phủ nên thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại để giải quyết hàng tồn kho và thực hiện giải pháp hỗ trợ các phương án mua bán hợp nhất các ngân hàng yếu kém để giải quyết vấn đề nợ xấu ngân hàng.

Nhìn chung, báo cáo cho thấy tổng quan tình hình sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý III/2012 khó khăn hơn nhiều so với quý II/2012. Các doanh nghiệp cũng dự báo rằng tổng quan tình hình sản xuất kinh doanh trong quý IV/2012 tiếp tục khó khăn hơn so với quý III/2012. Tuy nhiên, mức độ khó khăn của quý IV so với quý III ít hơn so với các mức độ khó khăn của quý III so với quý II/2012.

Theo báo cáo của Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam về động thái doanh nghiệp Việt Nam quý 3/2012, các chỉ số về hoạt động sản xuất kinh doanh đều có chiều hướng xấu đi tại nhiều doanh nghiệp

Có hai chỉ tiêu là tổng doanh số và năng suất lao động bình quân được dự cảm sẽ được cải thiện trong quý IV/2012. Tuy vậy, chỉ dừng lại ở mức độ tăng nhẹ. Giá thành trên một đơn vị sản phẩm có xu hướng tăng lên, dự cảm quý IV/2012 sẽ tăng lên nhiều hơn so với quý III/2012. Sản phẩm tồn kho quý III/2012 được đánh giá là giảm so với quý II/2012, trong khi quý IV/2012 được dự cảm sẽ tăng lên so với quý III/2012….

Báo cáo cũng cho thấy kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh các DN từ nay đến hết năm 2012 là quyết định giữ nguyên quy mô kinh doanh, tỷ lệ này chiếm tới 96,7% , vẫn có 18,1% DN được khảo sát có thể mở rộng quy mô kinh doanh đến cuối năm 2012; 11,4% DN có thể giảm quy mô kinh doanh; 0,7% DN có thể tạm dừng hoạt động và 0,2% DN có thể đóng cửa, giải thể.

Trong đề xuất để giúp các doanh nghiệp vượt qua thách thức hiện nay, báo cáo nêu rõ 5 điểm: Cần phải đẩy mạnh hơn các biện pháp hỗ trợ đối với doanh nghiệp về thị trường, về các yếu tố đầu vào. Các giải pháp tác động đến yếu tố đầu vào và thị trường đầu ra, hỗ trợ trước và trong quá trình sản xuất luôn là những giải pháp mang tính chất bền vững và có ý nghĩa đối với DN.

Cần có hiện thực hóa các chính sách bằng các chương trình hành động cụ thể như: thúc đẩy thị trường nội địa thì cần tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp để sao cho hàng hóa có thể xâm nhập vào vùng sâu, vùng xa; cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cần đi vào thực chất hơn; cần phân chia ngành nghề cụ thể để có chương trình phù hợp hỗ trợ giải phóng hàng tồn kho…

Bên cạnh đó, hỗ trợ các DN nhỏ và vừa như việc hạ lãi suất cho vay. Chính sách cũng cần được quan tâm hơn nữa đến việc khuyến khích các ngân hàng có tỉ lệ cao về dư nợ tín dụng cho đối tượng doanh nghiệp này, tăng cường các hình thức cho vay tín chấp, dựa vào đánh giá định mức tín nhiệm....

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc các DN tạm ngừng hoạt động nhiều như hiện nay một phần do tác động chung của nền kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn và do thiếu vốn. Bên cạnh đó nó thể hiện các mô hình quản lý, hoạt động của nhiều DN hiện nay đã không còn phù hợp với thực tế nhu cầu, không giống như trước đó. Điều này bắt buộc các DN phải chủ động, liên tục đổi mới nếu muốn tồn tại trong cuộc chiến cạnh tranh đầy thảm khốc như hiện nay. DN phá sản cũng là cơ hội để thay đổi các hình thức sở hữu. 

Giải pháp cứu doanh nghiệp chưa hiệu quả?

Còn nhớ, tại phiên họp thường kỳ tháng 5/2012, Bộ trưởng chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, chính phủ sẽ thực hiện 2 nghị quyết riêng để hỗ trợ DN như miễn giảm thuế DN, giãn thuế VAT, giảm tiền thuê đất, miễn thuế môn bài. 

Theo báo cáo tình hình doanh nghiệp 4 tháng đầu năm của Bộ Kế hoạch - đầu tư, bốn tháng qua đã có 17.735 doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động, tăng 9,5% so với cùng kỳ 2011. Trong đó, TP.HCM nhiều nhất với trên 5.800 doanh nghiệp, Hà Nội trên 3.500 doanh nghiệp. Lĩnh vực doanh nghiệp giải thể nhiều có xây dựng trên 3.100 doanh nghiệp, chế biến chế tạo trên 2.900 doanh nghiệp, bất động sản 247 doanh nghiệp...Tuy nhiên, trong bốn tháng đầu năm, số doanh nghiệp mới thành lập chỉ khoảng 24.000, giảm trên 10% về số lượng so với cùng kỳ và giảm 14% về vốn đăng ký.

Như vậy, chỉ trong vòng 5 tháng (tháng 4 đến tháng 9) đã có thêm khoảng 22.000 DN tiếp tục giải thể bất chấp các giải pháp cứu DN của Chính phủ được đưa ra trước đó.

Doanh nghiệp nên tự cứu mình trước

Ông Đặng Đức Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM lý luận, nếu trước đây kinh doanh mà không vay ngân hàng là không biết kinh doanh thì nay doanh nghiệp cần xem lại việc vay ngân hàng chỉ là khoản phụ. Thay vào đó là phát triển sản suất kinh doanh trên cơ sở phát hành cổ phần, cổ phiếu, phát hành trái phiếu doanh nghiệp... và từng bước mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh từ thấp đến cao tùy quy mô vốn đơn vị huy động được.

Ngoài ra, ông Thành cũng đề cao vai trò của các giải pháp công nghệ. Theo ông, hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam còn lạc hậu về trình độ công nghệ, nếu muốn tồn tại và phát triển trong môi trường khắc nghiệt này phải thường xuyên cập nhật các thay đổi liên quan đến công nghệ thành tựu kỹ thuật. Song song đó phải sắp xếp và phân bổ lại nguồn nhân lực, điều chỉnh quy mô, chiến lược kinh doanh, dòng sản phẩm phủ hợp...

Đức Thắng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang