Gia Lai: Đẩy mạnh ứng dụng học công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp

author 17:24 25/01/2025

(VietQ.vn) - Gia Lai đang trở thành điểm sáng về ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Từ việc thu hút đầu tư đến triển khai nhiều mô hình hiệu quả, tỉnh đang tiến gần hơn với mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao đời sống người dân.

Theo UBND tỉnh Gia Lai, tính đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 295 dự án đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, 133 dự án đã được phê duyệt, bao gồm 29 dự án trồng trọt, 93 dự án chăn nuôi, và 11 dự án trồng rừng. Có 3 doanh nghiệp nổi bật được cấp giấy chứng nhận sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gồm: Công ty TNHH Một thành viên Hương Đất An Phú, Công ty Cổ phần Chè Bầu Cạn, và Công ty TNHH Vĩnh Hiệp.

Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ trong sản xuất, đóng gói. (Ảnh: N.D)

Nhiều mô hình đã được triển khai thành công. Có thể kể đến nhà máy chế biến chanh leo của Công ty TNHH Quicornac tại Khu công nghiệp Trà Đa, với công suất 450 tấn/ngày; khu nông nghiệp công nghệ cao Tập đoàn Nafood Group tại xã Chư Á, TP. Pleiku, với công suất giống chanh leo 4.000 cây/ngày và chế biến 350 tấn/ngày; sản xuất cà phê hữu cơ của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp tại xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê, với 45 ha theo tiêu chuẩn hữu cơ Mỹ (Organic USDA).

Ngoài ra, mô hình sản xuất chuối già hương Nam Mỹ xuất khẩu tại xã Ia Pết, huyện Ðak Ðoa của Công ty TNHH Hưng Sơn; chăn nuôi sữa bò công nghệ cao của Tập đoàn Nutifood tại huyện Mang Yang với quy mô 13.000 con theo tiêu chuẩn GlobalGAP; nuôi bò thịt công nghệ cao của Công ty Thaco Agri với quy mô 70.000 con tại xã Ia Puch, huyện Chư Prông…

Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú (TP.Pleiku) là doanh nghiệp tiên phong ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất rau củ quả trong nhà màng để cung cấp quanh năm cho người tiêu dùng. Đặc biệt, Công ty là đơn vị đầu tiên của tỉnh được Bộ NN&PTNT công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ông Nguyễn Ngọc Hoàng - Giám đốc Công ty chia sẻ: An Phú là một trong những vùng chuyên canh rau củ quả của tỉnh. Trước đây, người dân chủ yếu canh tác theo phương thức truyền thống nên năng suất, chất lượng và hiệu quả không cao. Sau khi tham quan, học tập kinh nghiệm tại Lâm Đồng, năm 2012, Công ty đầu tư xây dựng hệ thống nhà màng, ứng dụng công nghệ cao từ khâu làm đất, tưới nước, bón phân qua hệ thống tự động để sản xuất rau củ quả theo tiêu chuẩn VietGAP.

Từ diện tích khoảng 1,5 ha ban đầu, đến nay, công ty đã mở rộng lên gần 8 ha đảm bảo cung cấp rau củ quả quanh năm cho hệ thống siêu thị trong và ngoài tỉnh. “Mỗi ngày, Công ty cung cấp khoảng 4 tấn rau củ quả các loại theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong những năm tới, Công ty tiếp tục mở rộng diện tích nhà lưới, đầu tư kho lạnh, dây chuyền đóng gói sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng”, ông Hoàng cho biết.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 255.668 ha cây trồng sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, hữu cơ. Ngoài ra, bà con nông dân và một số doanh nghiệp đã đầu tư ứng dụng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên diện tích hơn 56.091 ha cây trồng các loại. Bên cạnh đó, bà con nông dân và doanh nghiệp cũng chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ chuyển sang công nghệ cao theo quy mô lớn. Tuy nhiên, việc ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế do biến đổi khí hậu và diện tích sản xuất manh mún. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi sự hợp tác từ nông dân, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội. Gia Lai sẽ tiếp tục nâng cao hạ tầng, đổi mới khoa học, và xây dựng thương hiệu nông sản.

Duy Trinh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang