Thị trường bất động sản công nghiệp ở Việt Nam năm 2024 và triển vọng năm 2025

author 10:00 24/01/2025

(VietQ.vn) - Thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam năm 2024 có diễn biến sôi động. Việc phân tích một cách tổng thể để thấy các yếu tố tác động và xu thế vận động của thị trường bất động sản công nghiệp năm 2024 để tiên lượng cho năm 2025 là cần thiết. Bài viết phân tích thực trạng thị trường bất động sản công nghiệp năm 2024 và đưa ra triển vọng, khuyến nghị cho năm 2025. Kết quả nghiên cứu cho thấy thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam còn rất nhiều dư địa tăng trưởng trong năm 2025, hứa hẹn sẽ tiếp tục duy trì đà phát triển mạnh mẽ và đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế Việt Nam.

1. Tình hình thị trường bất động sản năm 2024

1.1. Bối cảnh

Kinh tế thế giới năm 2024 tiếp tục gặp nhiều rủi ro, bất ổn, tác động tiêu cực đến tăng trưởng bền vững. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, gia tăng căng thẳng địa chính trị, xung đột quân sự leo thang ở một số quốc gia làm suy yếu hệ thống thương mại đa phương, cản trở đầu tư, gây bất định cho cả sản xuất và tiêu dùng, đồng thời làm tăng biến động tài chính. Bên cạnh đó, tần suất và mức độ nghiêm trọng của thiên tai đã tăng lên theo thời gian và còn tiếp tục tăng hơn nữa do biến đổi khí hậu đã đe dọa an ninh lương thực, an ninh năng lượng, bất ổn xã hội...

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế thế giới có xu hướng tích cực nhờ nhu cầu hàng hóa tăng trở lại, áp lực lạm phát giảm dần, giá trung bình của hàng hóa giảm nhờ nguồn cung được cải thiện. Các tổ chức quốc tế đưa ra những dự báo lạc quan hơn về kinh tế thế giới năm 2024, điều chỉnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu với mức tăng từ 0,1 đến 0,3 điểm % so với các dự báo đưa ra trước đó.

Kinh tế trong nước tiếp tục khởi sắc. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2024, tăng trưởng kinh tế ước đạt trên 7% GDP (vượt mức mục tiêu đề ra là 6 - 6,5% GDP), thuộc nhóm số ít các nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 4%, tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,78% (tính đến tháng 10/2024).

Theo Báo cáo "Kinh tế số Đông Nam Á năm 2024" do Google - Temasek công bố, năm 2024, quy mô nền kinh tế Internet Việt Nam đạt 36 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2023. Thương mại điện tử bán lẻ tiếp tục là trụ cột với 22 tỷ USD, tăng 18% và chiếm 61% tổng quy mô nền kinh tế Internet. Thị trường thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn và trở thành một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Về bối cảnh chính sách đối với thị trường bất động sản, 03 luật sửa đổi liên quan đến thị trường bất động sản; gồm có Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/08/2024. Việc thực thi các Luật mới này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những điểm nghẽn về cơ chế, pháp lý cho doanh nghiệp và khuyến khích sử dụng tài nguyên đất hiệu quả hơn. Đồng thời, việc định giá đất theo nguyên tắc thị trường sẽ xóa bỏ tình trạng hai giá, làm cơ sở hợp lý cho việc thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, xác định giá bất động sản, tính toán chi phí – hiệu quả đầu tư dự án...

1.2. Tình hình thị trường bất động sản công nghiệp

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thị trường bất động sản công nghiệp của Việt Nam đã cải thiện trong năm 2024, với nguồn cung tiếp tục tăng. Sau sự kiện ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ năm 2024, cổ phiếu bất động sản công nghiệp tăng vọt, phản ánh kỳ vọng của thị trường các khu công nghiệp (KCN) Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh nhờ vào xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng đến Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Khu vực công nghiệp ghi nhận sự cải thiện diện tích hấp thụ, đặc biệt là tại các tỉnh như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bắc Ninh. Giá cho thuê đất bình quân cơ bản ổn định trong khi giá cho thuê nhà xưởng xây sẵn, kho bãi trong quý III/2024 có xu hướng giảm nhẹ so với quý trước. Giá cho thuê bình quân tại các KCN phổ biến hiện nay là khoảng 3,5 -5,5 USD/m2/tháng.

Giá cho thuê nhà xưởng tại một số KCN như sau: Tại KCN Châu Sơn, Hà Nam có giá cho thuê khoảng 3,5 USD/m2/tháng; KCN Tân Bình gần sân bay Tân Sơn Nhất có giá cho thuê khoảng 5$/m2/tháng; KCN Deep C II Hải Phòng có giá cho thuê khoảng 4,7 USD/m2/tháng; KCN Nam Đình Vũ, Hải Phòng có giá cho thuê khoảng 4,8 USD/m2/tháng; KCN Yên Phong 2C tỉnh Bắc Ninh có giá cho thuê khoảng 5,5 USD/m2/tháng; KCN Lộc An Bình Sơn, tỉnh Đồng Nai có giá cho thuê khoảng 4,6 USD/m2/tháng; KCN Long Hậu - Long An có giá cho thuê khoảng 5,5 USD/m2/tháng; KCN Yên Bình, tỉnh Thái Nguyên có giá cho thuê khoảng 4,2 USD/m2/tháng.

Báo cáo quý III/2024 của Cushman & Wakefield cho thấy, 02 KCN mới mở tại các tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương, bổ sung thêm 274 ha đất công nghiệp cho thuê. Điều này nâng tổng nguồn cung tại vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc lên 16.700 ha, tăng 16% so với năm trước. Ở phía Nam, một KCN mới tại tỉnh Long An nâng tổng nguồn cung lên khoảng 28.300 ha, tăng 1,6%. Bốn tỉnh công nghiệp trọng điểm tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, bao gồm Bình Dương, Long An, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu đã công bố quy hoạch tổng thể của họ cho giai đoạn 2021-2030. Các kế hoạch này dự kiến sẽ tăng diện tích đất công nghiệp thêm 6.000 ha vào năm 2027. Phía Bắc cũng kỳ vọng sẽ chứng kiến sự gia tăng tương tự về đất công nghiệp có sẵn, với gần 4.700 ha đất trở thành đất có thể cho thuê trong cùng kỳ.

Tính chung năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 0,9%). trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 9,6%, là những ngành động lực dẫn dắt cho tăng trưởng kinh tế. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đạt 51,2 điểm, cho thấy sản xuất công nghiệp đã phục hồi nhanh. Chỉ số sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh và trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng đáng kể nhờ sự phục hồi và mở rộng của các ngành chủ chốt như công nghiệp chế biến, chế tạo. Mức tăng trưởng của khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm khoảng 24,1% tỷ trọng GDP cho thấy sự cải thiện tích cực về năng suất và sản lượng. Doanh nghiệp đã từng bước hồi phục sau đại dịch Covid-19 và thích ứng tốt với các biến động thị trường. Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn, phát huy vai trò nòng cốt, chủ lực, chủ đạo trong nhiều lĩnh vực, ngành kinh tế quan trọng và có khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang nổi lên là điểm đến lý tưởng cho làn sóng FDI "thế hệ mới" tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao, xe điện, năng lượng tái tạo và chất bán dẫn. Việc tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), cùng với việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các cường quốc kinh tế như Mỹ, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc... đã góp phần củng cố vị thế của Việt Nam trên bản đồ đầu tư toàn cầu. Do đó, Việt Nam liên tục giữ vị trí thứ 03 về thu hút FDI trong khối ASEAN.

Năm 2024, Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; thu hút FDI đạt 31 tỷ USD (tính đến tháng 11/2024), vốn FDI thực hiện đạt 20,4 tỷ USD, tăng 7%, cao nhất trong giai đoạn 5 năm (2020 - 2024). Có 15 công ty Mỹ đầu tư vào Việt Nam với tổng số tiền hơn 8 tỷ USD4. Các tổ chức quốc tế uy tín đánh giá tích cực về triển vọng phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nhờ sự cởi mở với đầu tư nước ngoài để tiếp tục “nổi bật hơn so với các đối thủ”. Các quốc gia có thể ưu đãi nhiều tiền, nhưng không có nghĩa họ sẽ chiến thắng trong cuộc đua thu hút FDI. Việt Nam có nhiều hiệp định thương mại tự do, trong đó có các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hấp dẫn FDI bằng lao động, kết nối điện và hạ tầng Logistics tốt hơn.

Với ngành thương mại điện tử phát triển và FDI gia tăng, nhu cầu về kho bãi và mặt bằng công nghiệp xây sẵn đã tăng mạnh. Trong năm 2024, nguồn cung nhà xưởng và nhà kho xây sẵn (RB) tăng 31%, với tỷ lệ lấp đầy vượt 80% tại các khu vực trọng điểm. Khu vực Kinh tế Trọng điểm phía Nam, với lợi thế về logistics, được ưa chuộng nhờ chi phí cạnh tranh và vị trí chiến lược, phục vụ cả khách hàng trong nước và quốc tế. Chi phí kho bãi tại Việt Nam vẫn giữ vững độ hấp dẫn, với trung bình là 5,6 USD/m², thu hút các công ty đang áp dụng chiến lược “Trung Quốc +1”. Các nhà phát triển đang đón nguồn cầu mạnh mẽ này thông qua các cơ sở mặt bằng hiện đại, công nghệ cao, bao gồm cả các lựa chọn thân thiện với môi trường phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Đối với thị trường kho, xưởng xây sẵn, tỷ lệ lấp đầy trung bình trên thị trường cấp 1 miền Bắc đạt 70% với nhà kho xây sẵn và 87% với nhà xưởng xây sẵn. Về mặt bằng giá, giá thuê kho, xưởng xây sẵn trung bình đạt ngưỡng 4,7 và 4,9 USD/m2/tháng. Mức giá thuê kho được đánh giá duy trì ổn định, nhưng giá thuê xưởng tăng 3,9% theo năm.

Riêng thị trường kho xưởng miền Nam, sau giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ, thì không có nguồn cung mới trong quý 1/2024, các dự án mới đều đang xây dựng và hoàn thiện. Tuy nhiên, điều này đã tác động đến hoạt động của kho xưởng xây sẵn đang hoạt động, tỷ lệ lấp đầy của kho xưởng xây sẵn ước tăng 2,0 điểm % so với quý trước, tỷ lệ lấp đầy đạt 57% đối với nhà kho và 87% đối với nhà xưởng. Về giá thuê trung bình kho xưởng xây sẵn giữ mức ổn định so với quý trước, lần lượt là 4,6 và 4,9 USD/m2/tháng, mức độ tăng trưởng đạt 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái với nhà kho và 3,9% với nhà xưởng.

Tính trung bình, tỷ lệ lấp đầy của các KCN đang hoạt động đạt trên 75%. Trong đó, tại các tỉnh trọng điểm phía Bắc là 82% và các tỉnh trọng điểm phía Nam đạt 92%. Nhu cầu ở mức cao và luôn trong xu hướng tăng đẩy giá thuê đất công nghiệp tăng ổn định từ 8-12% theo năm. Khu vực miền Bắc chứng kiến mức tăng giá mạnh nhất, với giá thuê KCN trung bình là 135 USD/m2/ chu kỳ thuê. Tại miền Nam, giá thuê trung bình đạt 188 USD/m2/chu kỳ thuê. Bên cạnh đó, nhu cầu kho bãi, nhà xưởng xây sẵn cho thuê cũng tiếp tục phát triển mạnh, chủ yếu đến từ ngành công nghiệp sản xuất, thương mại điện tử, máy móc, linh kiện điện tử. Giá thuê kho bãi, nhà xưởng xây sẵn dao động từ 4 - 5 USD/m2/tháng.

1.3. Một số vấn đề thị trường bất động sản công nghiệp

Bên cạnh những kết quả đạt được như nêu ở trên, nhiều khó khăn trong phát triển KCN cần được sớm khắc phục như sau.

Một là, thể chế, chính sách về KCN chưa đảm bảo tính ổn định, thống nhất, đồng bộ và chưa có sự đột phá để phát huy vai trò và đóng góp của các khu trong phát triển kinh tế - xã hội. Tính pháp lý về quy định khung chưa cao (mới dừng lại ở cấp Nghị định). Chất lượng, hiệu quả quy hoạch phát triển KCN chưa đáp ứng yêu cầu trong khi công tác xây dựng quy hoạch tổng thể phát KCN cần phải có tầm nhìn tổng thể, dài hạn trong nền kinh tế; đặt trong mối tương quan với các ngành kinh tế khác, với vùng và với xã hội.

Hai là, khó khăn trong hoàn thành mục tiêu lợi nhuận chưa được khắc phục triệt để. Theo phân tích của Hiệp hội BĐS Việt Nam (Vnrea), mặc dù doanh số bán hàng đã phục hồi từ đầu năm 2024, hầu hết chủ đầu tư bất động sản vẫn đối mặt với khó khăn trong việc hoàn thành mục tiêu lợi nhuận năm 2024. Số liệu ghi nhận mức giảm đáng kể 20% về doanh thu và 43% về lợi nhuận, phần lớn do lượng bàn giao giảm mạnh từ hệ quả của doanh số thấp năm 2023. Thị trường dù có những dấu hiệu khởi sắc, nhưng vẫn chịu tác động không nhỏ từ các tồn đọng trước đây, khiến hơn 60% doanh nghiệp khó đạt được mục tiêu tài chính năm 2024.

Bên cạnh đó, kế hoạch kinh doanh của nhiều doanh nghiệp BĐS mới hoàn thành một nửa kế hoạch doanh thu và lợi nhuận cả năm. Tại báo cáo ngành BĐS mới đây của Công ty Cổ phần Xếp hạng tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating) phân tích, doanh số bán hàng tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đến quý IV/2024 đã tăng 48% so với quý trước, nhưng doanh thu và lợi nhuận của các chủ đầu tư tại hai thành phố lớn của cả nước đã giảm lần lượt 20% và 43% so với cùng kỳ năm trước. Vì vậy, hơn 60% chủ đầu tư sẽ không về đích đúng kế hoạch.

Ba là, loại hình phát triển của các KCN chậm được đổi mới. KCN tại Việt Nam vẫn chủ yếu phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực với mục tiêu chính là tăng diện tích lấp đầy. Trong vài năm gần đây, một số loại hình KCN sinh thái, KCN chuyên ngành, KCN phụ trợ đã bước đầu hình thành tại một số địa phương, song số lượng còn hạn chế.

Bốn là, chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư vào KCN chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo chiều sâu; liên kết, hợp tác trong và giữa các khu với nhau, giữa KCN với khu vực bên ngoài còn hạn chế. Tỷ suất thu hút đầu tư trung bình có gia tăng qua các thời kỳ nhưng vẫn tương đối thấp. Thống kê từ VIS Rating còn cho thấy, khoảng 22.000 tỷ đồng trái phiếu do chủ đầu tư phát hành sẽ đáo hạn vào cuối năm 2024 phần lớn đều đã chậm trả gốc, lãi ở các kỳ trước.

Năm là, nguồn vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ phát triển hạ tầng KCN còn thấp so với nhu cầu. Đơn cử, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, nguồn vốn đã bố trí để hỗ trợ phát triển hạ tầng KCN chỉ đáp ứng khoảng 53% so với nhu cầu. Điều này là bởi khả năng cân đối từ ngân sách trung ương để hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng KCN có hạn; việc huy động nguồn vốn đầu tư để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển còn hạn chế.

3. Triển vọng và Khuyến nghị

3.1. Triển vọng

Triển vọng về dòng vốn FDI tiếp tục rót vào Việt Nam trong tương lai được xem là động lực để bất động sản công nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển. Không chỉ ở các trung tâm công nghiệp lớn như Bình Dương hay Bắc Ninh, ngay cả bất động sản công nghiệp tại các thị trường cấp hai như Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước cũng được ghi nhận sẽ tiếp tục duy trì đà tăng nhờ sự phát triển hạ tầng. Những động lực đó giúp các chuyên gia kỳ vọng giá cho thuê phân khúc này sẽ có cơ hội cải thiện hơn nữa.

Ngoài ra, việc Chính phủ tăng tốc thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm cũng là điểm cộng cho bất động sản công nghiệp. Mặt khác, quy hoạch nhiều tỉnh, thành giai đoạn 2021 - 2030 được thông qua sẽ giải quyết phần nào vướng mắc liên quan tới thủ tục pháp lý cho các KCN. Những yếu tố này sẽ giúp bất động sản KCN năm 2024 tiếp tục duy trì vị thế và tăng trưởng.

Bên cạnh đó, làn sóng dịch chuyển sản xuất sẽ dâng cao trở lại, đặc biệt sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trum tái đắc cử. Trong giai đoạn 2024 - 2027, Việt Nam dự kiến sẽ có thêm khoảng 15.200 ha đất công nghiệp và 6.000.000 m2 kho xưởng để đáp ứng kịp thời nhu cầu của các nhà đầu tư.

Với những trợ lực từ môi trường kinh tế - vĩ mô năm 2025, phân khúc bất động sản công nghiệp và bán lẻ được dự báo sẽ tiếp tục có triển vọng tích cực, khi các công ty lớn đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng và sản xuất tại Việt Nam. Các KCN và nhà xưởng xây sẵn sẽ được hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng và đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia. Giá thuê và tỷ lệ lấp đầy tại các khu vực sẽ tiếp tục được cải thiện nhờ các chính sách đầu tư linh hoạt và nhu cầu từ các ngành công nghiệp, đặc biệt là ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) cùng với công nghệ. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư quốc tế đang ngày càng quan tâm đến Việt Nam nhờ vào sự ổn định của chính sách kinh tế vĩ mô và tiềm năng tăng trưởng của thị trường bất động sản.

3.2. Khuyến nghị

Thứ nhất, đối với các Bộ, ngành

Liên bộ gồm Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, cùng một số bộ ngành khác liên quan tập trung phối hợp tham mưu trung xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở..., bảo đảm đủ điều kiện để trình Quốc hội cho phép sớm thi hành các Luật này trong tháng 7/2024. Các địa phương cần tập trung rà soát, sửa đổi văn bản thuộc thẩm quyền để có thể áp dụng Luật Đất đai ngay sau khi có hiệu lực, nhất là xây dựng bảng giá đất.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, tháo gỡ các hạn chế, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật theo thẩm quyền, kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với các vấn đề vượt thẩm quyền. Đẩy mạnh hoạt động của Tổ Công tác theo Quyết định số 1435/QĐ-TTg ngày 17/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thủ tục pháp lý; đôn đốc các địa phương giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản.

Ngoài ra, đẩy nhanh các dự án cơ sở hạ tầng năng lượng quy mô lớn. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), ưu tiên các dự án đầu tư và hướng tới phát triển năng lượng bền vững. Việt Nam tập trung phát triển các khu công nghệ cao, đặc biệt là Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), nhằm tạo nền tảng cho các tập đoàn nước ngoài đầu tư, sản xuất tại Việt Nam.

Đồng thời, giải quyết thách thức nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động sẽ nâng cao vị thế của Việt Nam là điểm đến đầu tư, thu hút các tập đoàn công nghệ lớn đầu tư vào nghiên cứu, phát triển và sản xuất tại Việt Nam. Tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các ngân hàng thương mại để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, dự án bất động sản công nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng. Trong đó, nghiên cứu, đề xuất và triển khai thực hiện giải pháp về tái cấu trúc nợ tín dụng liên quan đến các dự án KCN, khu chế xuất, khu kinh tế của doanh nghiệp.

Thứ hai, đối với doanh nghiệp

Doanh nghiệp chủ động rà soát về thủ tục pháp lý nêu cụ thể các khó khăn, vướng mắc của từng dự án để đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết theo đúng chức năng, thẩm quyền. Hoàn thiện khung chính sách, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu khắt khe của chuyên ngành này. Bên cạnh đó, tái cấu trúc, cơ cấu lại danh mục dự án, sản phẩm để đảm phù hợp với khả năng triển khai thực hiện của doanh nghiệp và điều kiện thực tế của thị trường. Rà soát, cơ cấu lại nguồn vốn đặc biệt là nguồn vốn tín dụng để tập trung triển khai và hoàn thành dứt điểm từng dự án tránh đầu tư dàn trải, dở dang, đảm bảo phương án trả nợ vay tín dụng và nợ trái phiếu doanh nghiệp.

Đồng thời, điều chỉnh lại phân khúc thị trường, giá bất động sản một cách thích hợp với từng loại phân khúc, đảm bảo tính thanh khoản, tạo dòng vốn để duy trì hoạt động, thực hiện dự án. Chủ động đề xuất các phương án xử lý hài hòa lợi ích và nghiên cứu áp dụng các ứng dụng công nghệ sản xuất mới nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, rút ngắn thời gian thi công để giảm giá thành sản xuất.

KẾT LUẬN

Bất động sản công nghiệp năm 2024 mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn và mức phục hồi không đồng đều trên các phân khúc, sẽ ghi nhận những động thái tích cực nhiều hơn tiêu cực cả về tổng cung và tổng cầu, cả đầu vào và đầu ra, cả vĩ mô và vi mô, trước mắt và trung hạn trong chính sách và thực tiễn điều hành, kinh doanh... sẽ tiếp tục sôi động trong năm 2025; kéo theo sự gia tăng nhu cầu vật liệu xây dựng và lao động... Tất cả sẽ có tác động tích cực, tăng niềm tin và sức mạnh cho thị trường sự bất động sản và lan toả tới hơn 40 ngành nghề khác trong nền kinh tế quốc gia.

PGS. TS Nguyễn Thị Hà - Phó Viện trưởng, Viện Kinh tế - Tài chính

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS, 2024), Thị trường bất động sản Việt Nam quý III/2024: Tăng nhiệt hay Tạo nhiệt, https://vars.com.vn/tin tuc/thong-cao-bao-chi-cong-bo-bao-cao-thi-truong-bat-dong-san-viet-nam quy-32024-tang-nhiet-hay-tao-nhiet-n1732

2. Quốc hội (2023a), Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, ngày 27/11/2023

3. Quốc hội (2023b), Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, ngày 28/11/2023

4. Quốc hội (2024), Luật Đất đai số 31/2024/QH15, ngày 18/01/2024

5. Tổng cục Thống kê (2024), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 Website:

6. https://batdongsan.com.vn

7. https://vneconomy.vn/

8. https://cafef.vn/

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang