Giá sữa được bình ổn nhờ hai siêu nhà máy của Vinamilk?

author 10:00 27/03/2013

(VietQ.vn) - Việc đưa vào hoạt động hai siêu nhà máy tại Bình Dương, đặc biệt là nhà máy Dielac có thể làm bình ổn giá sữa trên thị trường, cân bằng về lực lượng. Vì lúc đó sẽ không có doanh nghiệp nào có khả năng nắm được thế khuấy động được thị trường. Khi đáp ứng được sản lượng sẽ góp phần vào việc bình ổn giá.

Đó là nhận định của bà Mai Kiều Kiên - Tổng giám đốc Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) khi đi kiểm tra hai siêu nhà máy của mình được đầu tư và xây dựng tại Bình Dương, dự kiến được đưa vào vận hành, hoạt động cuối tháng 4/2013.

Siêu nhà máy thứ nhất là nhà máy sữa bột cho trẻ em Việt Nam được xây dựng tại Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore VSIP 1 với tổng diện tích 6 ha, công suất 54.000 tấn sữa bột/năm. Nhà máy được trang bị hệ thống khép kín, tự động hóa hoàn toàn từ khâu chế biến đến đóng lon, đóng thùng.

Siêu nhà máy thứ 2 đặt tại Khu công nghiệp Mỹ Phước - Bình Dương với diện tích 20 ha với công suất bằng 9 nhà máy hiện nay của Vinamilk cộng lại. Đây cũng là nhà máy thứ 15 của Vinamilk sản xuất sữa nước. Nhà máy có công suất 1,2 triệu lít sữa/ngày trong giai đoạn 1, và giai đoạn hai sẽ tăng lên gấp đôi.

Hai siêu nhà máy của Vinamilk dự kiến đi vào hoạt động cuối tháng 4/2013. Ảnh minh họa
Bà Mai Kiều Liên - TGĐ Vinamilk đi kiểm tra hai siêu nhà máy ở Bình Dương và khẳng định hai nhà máy sẽ đi vào hoạt động cuối tháng 4/2013. 

Tổng vốn đầu tư cho dự án là 2.400 tỉ đồng. Tại nhà máy sữa nước này, Vinamilk đầu tư một nhà kho với toàn bộ quy trình xếp kho, xuất kho đều được tự động hóa.

Nhà kho này xây dựng trên diện tích 5.000 mét vuông, nhưng có khả năng chứa được 27.000 tấm palet, trong đó mỗi tấm có sức chứa hơn 1 tấn sữa. Số tiền đầu tư vào hệ thống kho này lên đến 200 tỉ đồng, cao gấp ba lần so với việc đầu tư một hệ thống kho có sức chứa tương đương.

2 siêu nhà máy này được Vinamilk đầu tư hoàn toàn bằng nguồn vốn tự có trị giá hơn 4.000 tỷ đồng, với trang thiết bị tiên tiến nhất hiện nay trong khu vực Châu Á và sử dụng công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới từ các nước tiên tiến như Thụy Điển, Đức, Ý, Áo, Thụy Sĩ, Mỹ và Nhật Bản.

Theo bà Mai Kiều Liên - Tổng Giám đốc Vinamilk, xây dựng 2 nhà máy này mục tiêu để đến năm 2017 đủ năng lực đạt doanh thu 3 tỷ USD. Còn hơn chục nhà máy trong cả nước của Vinamilk, trong vòng hơn 30 năm hoạt động quy mô nhỏ và vừa, đến giờ cũng cần phải có những nhà máy lớn, công nghệ hiện đại, năng suất lao động cao để đáp ứng được nhu cầu càng ngày càng phát triển ngành sữa.

Các dây truyền, công nghệ của hai siêu nhà máy của Vinamilk được cho là hiện đại hàng đầu thế giới về sản xuất sản phẩm sữa.

Hiện nay giá sữa của Vinamilk chỉ bằng 40 hoặc 50% so với giá ngoại. Nhưng tính về sản lượng, Vinamilk hiện đang đứng thứ nhất, nhưng về giá trị, giá tiền thì Vinamilk đang đứng thứ 3, vì sản lượng lớn nhưng giá thấp.

Trả lời câu hỏi trên VOV về ổn định giá mặt hàng sữa, bà Mai Kiều Liên cho biết, việc đưa vào hoạt động nhà máy Dielac có thể làm bình ổn thị trường giá sữa, cân bằng về lực lượng. Vì lúc đó sẽ không có doanh nghiệp nào có khả năng nắm được thế khuấy động được thị trường. Khi đáp ứng được sản lượng sẽ góp phần vào việc bình ổn giá.

"Một số nhà máy cũ của chúng tôi đã quá tải, không đủ sản lượng đáp ứng nhu cầu thị trường. Vì vậy, phải ngưng hết các đơn hàng xuất khẩu để phục vụ cho thị trường nội địa. Mỗi ngày nhìn trên bàn của tôi thấy thiếu 3 tỷ, 5 tỷ, thậm chí là 8 tỷ vì mình không có hàng bán. Nhưng tôi hy vọng bắt đầu từ tháng 4/2013, khi nhà máy Dielac ở Bình Dương đi vào hoạt động ổn định, sản lượng sữa bột cung ứng ra thị trường sẽ bớt căng thẳng và giá sữa bột chắc chắc sẽ bình ổn hơn, vì mấu chốt ở đây vẫn là vấn đề cung - cầu", bà Liên nói.

Được biết, hiện nay, Vinamilk nắm thị phần sữa đặc có đường 75%, sữa chua 90%, sữa tươi gần 50% và sữa bột là 30%. Năm 2013, Vinamilk dự kiến đạt doanh thu 34.000 tỷ đồng và kim ngạch xuất khẩu đạt 230 triệu USD.

Nguyễn Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang