Giá xăng giảm sâu, cước vận tải vẫn đứng im: Doanh nghiệp than khó

author 15:52 12/12/2018

(VietQ.vn) - Dù giá xăng đã giảm 4 lần liên tiếp trong 4 kì điều hành mới đây, thậm chí trong kì điều hành gần nhất, giá xăng giảm mạnh hơn 1.000 đồng một lít thế nhưng giá cước vận tải vẫn đứng im.

Tính từ tháng 10/2018, giá xăng trong nước đã có 4 lần liên tiếp giảm mạnh. Đặc biệt, trong kì điều chỉnh ngày 6/12 mới đây, giá xăng đã giảm tới hơn 1.000 đồng một lít. Cụ thể, xăng RON95-III giảm từ 22.000 đồng xuống còn 18.459 đồng/lít xăng A95. Xăng E5 từ mức 20.906 đồng/lít xuống mức 17.181 đồng/lít. Giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 18.544 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 17.086 đồng/lít và dầu mazút 180CST 3.5S không cao hơn 15.694 đồng/kg.

Tuy nhiên, giá cước vận tải trong nước vẫn đứng im. Khi được hỏi có hay không việc giảm giá cước khi giá xăng xuống mức khá thấp, nhiều chủ doanh nghiệp vận tải đều lắc đầu và than khó.

Giá xăng giảm sâu, cước vận tải vẫn đứng im: Doanh nghiệp than khó?

 Dù giá xăng giảm sâu nhưng nhiều doanh nghiệp vận tải vẫn không giảm giá cước. Ảnh Hoàng Dương.

Đại diện doanh nghiệp vận tải Phương Bắc cho hay, dù giá xăng, giá dầu giảm mạnh nhưng doanh nghiệp này vẫn chưa thể giảm giá cước vận tải. Nguyên nhân được đơn vị này đưa ra là do giá nhiên liệu chỉ chiếm khoảng 30% cấu thành chi phí. Thực tế, dù giá xăng giảm nhưng doanh nghiệp này vẫn than lỗ. “Dù giá xăng giảm sâu nhưng thực tế doanh nghiệp tôi vẫn đang lỗ chứ chưa có lãi. Hơn hết, những thời điểm giá xăng tăng cao, doanh nghiệp tôi liên tục lỗ, giá xăng mới chỉ giảm được hơn 1 tháng nay nên vẫn chưa thấm vào đâu”, đại diện doanh nghiệp cho biết.

Theo đại diện doanh nghiệp Phương Hùng, thời điểm này khá nhạy cảm trong việc tăng hay giảm giá cước. Bởi đây là thời điểm cuối năm, có thể kì này giá xăng giảm sâu nhưng kì sau lại tăng mạnh. Hơn nữa, chi phí xăng dầu cũng chỉ một phần, giá xăng dầu không thể quyết định việc tăng hay giảm giá cưới vận tải. 

“Tôi nghĩ, việc tăng hay giảm giá cước vận tải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố chứ không riêng gì giá xăng dầu. Trong khi đó, doanh nghiệp vận tải liên tục lỗ, chúng tôi sẽ tính toán phương án giảm giá cước vận tải, tuy nhiên, con số giảm theo tôi không nhiều”, ông Đỗ Mạnh Hùng, chủ doanh nghiệp này nhận định.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, lý do doanh nghiệp vận tải đưa ra để không giảm giá cước chỉ là biện minh cho mục đích kinh doanh kiếm lợi nhuận, không theo mục tiêu của thị trường.

Còn chuyên gia kinh tế Phan Mạnh Hà nhận định, thời điểm này là lúc nhạy cảm – thời điểm cận Tết, hầu như khó có chuyện giảm giá cước. Bởi, gần Tết nhu cầu vận tải, đi lại sẽ lớn. Chưa kể nếu cơ quan chức năng không có biện pháp kiểm tra thường xuyên thì giá cước vận tải thậm chí sẽ tăng chứ không phải giảm theo giá xăng. Vậy nên, để bảo vệ người tiêu dùng, lúc này, cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý một cách đồng bộ.

Hoàng Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang