Giải nút thắt trong thương mại hóa tài sản trí tuệ

author 21:23 22/12/2021

(VietQ.vn) - Để có được các bước đi phù hợp trong việc thương mại hóa tài sản trí tuệ (TSTT), doanh nghiệp cần nắm vững một số khái niệm rất quan trọng trong quá trình này như: phân tích thị trường, kiểm toán TSTT, định giá TSTT…

Trong chiến lược phát triển khoa học, công nghệ thẩm định giá TSTT được xem là vấn đề khó tuy nhiên nếu xác định được giá trị của tài sản như là nguồn động lực hết sức quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế, xã hội. TSTT là một loại tài sản vô hình, không thể xác định bằng các đặc điểm vật chất của chính nó nhưng lại có giá trị lớn và có khả năng sinh ra lợi nhuận. Nó là thước đo hiệu quả kinh doanh, sức cạnh tranh và khả năng phát triển của doanh nghiệp cả trước mắt và trong tương lai. Tuy nhiên, đến nay tài sản trí tuệ vẫn chưa được phát huy hết tiềm năng, mà một trong những nguyên nhân quan trọng là việc định giá loại tài sản này vẫn còn gặp một số bất cập. Theo đánh giá của các chuyên gia, TSTT là một loại tài sản vô hình rất quan trọng, nếu định giá được nó giúp doanh nghiệp biết được giá trị tài sản của mình, từ đó có những quyết sách, chiến lược, kế hoạch kinh doanh phù hợp.

Để đảm bảo thương mại hóa thành công TSTT cần phân tích thị trường thật tốt, tức là cần thực hiện việc phân tích ở tất cả các thị trường nơi sản phẩm hoặc dịch vụ mới sẽ được thương mại hóa. Thuật ngữ "thị trường" được dùng để chỉ cả thị trường địa lý là quốc gia nơi bạn muốn thương mại hóa các sản phẩm/dịch vụ cũng như nhu cầu của khách hàng, sự tồn tại của đối thủ cạnh tranh hoặc sản phẩm thay thế,...

Cùng với đó, các lợi ích kinh tế của việc định giá TSTT sẽ gồm có: Loại trừ các đối thủ cạnh tranh khỏi một thị trường cụ thể trong một thời gian nhất định, hoặc nói chung, nâng rào cản gia nhập thị trường của các đối thủ cạnh tranh tiềm năng; Khai thác trực tiếp tài sản trí tuệ với tư cách là chủ sở hữu các quyền SHTT có liên quan, hoặc thông qua việc chuyển nhượng hoặc cấp phép li-xăng cho các bên thứ ba, từ đó khẳng định vai trò của việc thẩm định giá tài sản trí tuệ.

  Phát triển đồng bộ thị trường khoa học, công nghệ và có chính sách phù hợp để đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm khoa học.

Có thể thấy, theo nghĩa hẹp, thương mại hóa TSTT là việc chuyển hóa TSTT thành hàng hóa để lưu thông trên thị trường, từ đó mang lại lợi nhuận cho chủ sở hữu. Còn hiểu theo nghĩa rộng, thì thương mại hóa TSTT là hoạt động, quá trình khai thác các đối tượng quyền SHTT để đổi lại các lợi ích kinh tế, phục vụ mục đích cụ thể do chủ sở hữu tài sản trí tuệ đặt ra. Việc bảo hộ quyền SHTT chỉ thực sự có ý nghĩa khi quyền SHTT đó được thương mại hóa, mang lại lợi ích cho chủ sở hữu. Để đảm bảo hiệu quả tối ưu, các dạng tài sản trí tuệ khác nhau yêu cầu các chiến lược thương mại hóa khác nhau.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của các chủ thể, trong đó có doanh nghiệp, viện, trường cũng như các tổ chức khoa học công nghệ là tìm được đầu ra cho các sản phẩm nghiên cứu, làm sao cho các sản phẩm này đi vào thực tế và vượt qua được một khoảng cách lớn từ các kết quả nghiên cứu đến sản phẩm, dịch vụ trên thị trường. Cùng với đó là cơ cấu tổ chức, nhân lực của bộ phận quản trị tài sản trí tuệ và chuyển giao công nghệ chưa được đầu tư đúng mức. Một số đơn vị chưa có được các phòng, ban chuyên trách về sở hữu trí tuệ, cán bộ hoạt động SHTT còn kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác.

Đặc biệt đối với các trường đại học, nguyên nhân của tình trạng thực thi quyền SHTT chưa hiệu quả là do phần lớn các trường chưa có quy định về SHTT phù hợp điều kiện hoạt động, dẫn đến khó khăn trong việc phân chia lợi nhuận khi TSTT được thương mại hóa. Việc xác lập quyền đăng ký bảo hộ sáng chế cho các sản phẩm nghiên cứu khoa học chưa được các nhà khoa học nhận thức một cách đầy đủ, nhiều kết quả nghiên cứu chưa tiến hành đăng ký quyền. Mặc dù những năm gần đây số lượng các bài báo của trường đại học công bố trên các tạp chí khoa học tăng đáng kể, nhưng nhiều nhà khoa học không nhận thức được cần đồng thời tiến hành bảo hộ các kết quả nghiên cứu đó. Ngoài ra, còn do nhiều trường chưa thành lập tổ chức có chức năng về SHTT và chuyển giao công nghệ để hỗ trợ, tư vấn cho các nhà khoa học trong việc đăng ký, xác lập quyền SHTT và chuyển giao công nghệ.

Thực tế cho thấy, để tạo ra giá trị mới dựa trên TSTT, các doanh nghiệp không thể chỉ dựa vào việc tự nghiên cứu phát triển mà bắt buộc phải liên kết với các trường đại học. Các trường đại học cần chủ động bắt tay doanh nghiệp, đặt ra các yêu cầu thúc đẩy chuyển giao công nghệ. Theo các chuyên gia về SHTT, để làm được điều này, các trường phải hình thành tổ chức, nhân lực có chuyên môn về SHTT và chuyển giao công nghệ. Đối với những trường không khai thác thương mại từ tài sản trí tuệ thì chỉ cần thành lập bộ phận hoặc cán bộ chuyên trách về SHTT.

Hơn nữa, doanh nghiệp nên rà soát tổng quan tất cả các quyền SHTT và đánh giá xem trên thực tế, chúng có phục vụ lợi ích chiến lược kinh doanh hay không. Nếu không, có thể bắt đầu xem xét sửa chữa và áp dụng các biện pháp giảm đến mức tối thiểu, như phát triển sản phẩm mới hoặc mua thông qua giấy phép, tham gia hợp tác hoặc có thể chuyển trọng tâm kinh doanh.

Trong tương lai không xa, khi công nghệ blockchain ngày càng được nhiều doanh nghiệp áp dụng, để thực hiện việc kiểm toán TSTT sẽ chỉ cần một nhấp chuột… nhưng hiện tại vẫn chưa khả thi.

Cuối cùng, một trong số các vấn đề lớn mà các doanh nghiệp phải đối mặt là khả năng tiếp cận các nguồn vốn để tài trợ việc kinh doanh, đặc biệt khi doanh nghiệp vừa mới bắt đầu và chưa có hồ sơ thương mại thành công.

Các doanh nghiệp và các công ty mới thành lập thường không có tài khoản ngân hàng lớn và thường là tài sản vật chất của họ (như đất đai, bất động sản, máy móc, phương tiện, hàng tồn kho...) rất hạn chế. Do đó, doanh nghiệp có thể phải đối mặt với những thách thức đáng kể khi đang cố gắng vay tiền từ ngân hàng. Các cân nhắc tương tự cũng có thể được áp dụng khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ cố gắng lôi kéo các nhà đầu tư tài trợ cho một phần hoạt động kinh doanh của mình.

Hiện nay, ngày càng nhiều ngân hàng và tổ chức tài chính chấp nhận quyền SHTT như một hình thức đảm bảo cho các khoản vay của khách hàng của mình. Tương tự, ngày càng nhiều nhà đầu tư chú ý đến danh mục SHTT của một công ty trước khi đầu tư. Nói cách khác, nếu doanh nghiệp sở hữu một số quyền SHTT, có thể sử dụng chúng làm tài sản thế chấp để nhận được một khoản vay từ ngân hàng, các ngân hàng và nhà đầu tư tiềm năng sẽ phải định lượng giá trị quyền SHTT của doanh nghiệp, đặc biệt là về doanh thu trong tương lai có thể có được từ các TSTT khi được thương mại hóa.

Hoài Thương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang