Chủ tịch VCCI 'hiến kế' cải thiện môi trường kinh doanh và cạnh tranh doanh nghiệp

author 16:11 01/07/2020

(VietQ.vn) - Chủ tịch VCCI đưa ra một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cũng như giúp cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.

Nhằm hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, Việt Nam phải đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, lấy doanh nghiệp là động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế. Theo đó, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong cải cách môi trường kinh doanh với 2 nhóm giải pháp quan trọng là Nghị quyết số 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia được ban hành hàng năm (kể từ năm 2014 đến nay) và Nghị quyết số 35/NQ-CP năm 2016 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, năng suất lao động, đầu năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp, chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.

Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết số 02/NQ-CP là nâng cao thứ hạng trong các xếp hạng quốc tế của Ngân hàng Thế giới, Diễn đàn Kinh tế thế giới, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới, Liên hợp quốc về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh... nhằm thích ứng với nền sản xuất mới trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân; phấn đấu đưa môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam lọt vào nhóm ASEAN - 4…

Tuy nhiên, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá lớn so với các nước đi trước trong khu vực, không gian và dư địa cải cách vẫn rất lớn. Theo đó, ông Lộc đưa ra một số giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn cũng như giúp cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời gian tới.

Môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá lớn so với các nước đi trước trong khu vực, không gian và dư địa cải cách vẫn rất lớn. Ảnh minh họa.

Về chỉ số khởi sự kinh doanh, Chủ tịch VCCI cho hay cần tiếp tục đẩy mạnh việc đơn giản hoá các thủ tục hậu đăng ký doanh nghiệp như khai báo lao động, đăng ký bảo hiểm xã hội, mua hoá đơn, mở tài khoản ngân hàng, nộp lệ phí môn bài. Biện pháp đơn giản hoá phù hợp nhất vẫn là liên thông hoặc kết hợp các thủ tục hành chính để các doanh nghiệp có thể làm nhiều thủ tục cùng một lúc. Ngoài ra, có thể bãi bỏ một số thủ tục không cần thiết như lệ phí môn bài, con dấu doanh nghiệp.

Về thuế, các biện pháp cải cách cần tập trung vào một số vấn đề như đơn giản hoá quy định về thủ tục mua hoá đơn, tự in hoá đơn hoặc sử dụng hoá đơn điện tử, cải thiện việc thực hiện thủ tục hoàn thuế, xin miễn giảm thuế và xin xác nhận nghĩa vụ thuế, các quy định chính sách thuế cần rõ ràng để tránh xung đột giữa cơ quan thuế và doanh nghiệp khi xác định nghĩa vụ thuế.

Về giấy phép xây dựng và giấy phép liên quan, Chủ tịch VCCI cho biết việc liên thông, khắc phục chồng chéo các thủ tục hành chính của một dự án đầu tư xây dựng hiện nay cần là trọng tâm chính sách trong thời gian tới. Các thủ tục trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy và bảo vệ môi trường cần được nghiên cứu để có thể thực hiện liên thông hoặc kết hợp nhằm rút ngắn thời gian, chi phí và rủi ro cho việc thực hiện các dự án. 

Đối với vấn đề cải cách tư pháp, giải quyết tranh chấp và phá sản, Chủ tịch VCCI cho rằng, các cơ quan nhà nước cần có chiến lược tổng thể về cải cách tư pháp nhằm hỗ trợ môi trường kinh doanh. Chiến lược này nên tập trung vào việc rút ngắn thời gian và làm minh bạch hơn hoạt động xét xử. Đối với hoạt động thi hành án dân sự, cần tiếp tục rút ngắn thời gian và tăng tính hiệu quả trong thi hành án.

Về tiếp tục cải cách điều kiện đầu tư kinh doanh, Chủ tịch VCCI cho rằng cơ chế kiểm soát điều kiện đầu tư kinh doanh cần được bảo đảm thống nhất giữa văn bản cấp luật và cấp nghị định. Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại Phụ lục 4 Luật Đầu tư cũng cần được tiếp tục rà soát, cắt giảm, giúp đảm bảo quyền tự do kinh doanh, giảm số lượng doanh nghiệp phải xin giấy phép con.

Về xuất nhập khẩu hàng hoá và kiểm tra chuyên ngành thì cổng một cửa quốc gia cần được nâng cấp để tăng tốc độ xử lý, tránh lỗi mạng, cần tiến tới việc điện tử hoá toàn bộ thủ tục, không còn phải dùng hồ sơ giấy. Việc chuyển sang hình thức quản lý theo rủi ro cần có bước đột phá mới dựa trên cơ sở dữ liệu và do máy tính đánh giá mức độ rủi ro theo tiêu chí định trước. Hoạt động dịch vụ đánh giá sự phù hợp cần được tiếp tục xã hội hoá và quản lý chặt chẽ, hạn chế sự độc quyền như trong một số lĩnh vực hiện nay.

Về cổng dịch vụ công các cơ quan nhà nước, Chủ tịch VCCI cho rằng các cơ quan nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng các cổng dịch vụ công khi làm các thủ tục hành chính. Giai đoạn xây dựng khung ban đầu đã qua, sắp tới, các bộ ngành địa phương cần tập trung vào việc nâng cao hiệu quả thực chất của các Cổng dịch vụ công, bảo đảm tỷ lệ nộp và xử lý dịch vụ trực tuyến tăng dần theo thời gian. Các cơ sở dữ liệu quốc gia cần sớm được chia sẻ, sử dụng chung để giảm chi phí và tạo sự thuận tiện khi làm thủ tục.

Việc lấy ý kiến các dự thảo văn bản pháp luật cần được thực hiện một cách thực chất và thường xuyên, không ban hành, thay đổi chính sách một cách đột ngột. Thêm vào đó, các loại giấy phép quyền kinh doanh cũng cần được kéo dài thời hạn hoặc không xác định thời hạn nhằm giúp ổn định môi trường đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp.

Về minh bạch công tác thanh tra, kiểm tra, Chủ tịch VCCI cho rằng công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp cần chuyển dần sang nguyên tắc quản lý rủi ro, doanh nghiệp có rủi ro cao thì thanh kiểm tra nhiều hơn doanh nghiệp có rủi ro thấp. Việc lựa chọn các đối tượng thanh kiểm tra phải đảm bảo khách quan dựa trên các tiêu chí định trước và thông tin đầu vào chính xác, sát thực tế. Các kết quả thanh tra, kiểm tra cũng cần được công bố công khai…

Chủ động tiếp cận các tiêu chuẩn, nâng cao năng lực cạnh tranh khi hội nhập(VietQ.vn) - Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được thông qua, việc ứng dụng các tiêu chuẩn chất lượng sẽ tạo cơ hội lớn hơn đối với hàng hóa Việt Nam trước thềm hội nhập.

Thanh Tùng

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang