Giải pháp duy trì và gia tăng ‘sức hút đầu tư’ tại Việt Nam

author 06:15 01/05/2022

(VietQ.vn) - Muốn duy trì và gia tăng “sức hút đầu tư”, trong bối cảnh kinh tế biến động khôn lường, Việt Nam cần quan tâm cải thiện những yếu tố vừa có tính nền tảng, vừa có tính mới.

Số liệu thống kê mới đây nhất cho thấy, 4 tháng vừa qua, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam ước đạt 5,92 tỷ USD, là giá trị cao nhất cùng kỳ giai đoạn 2018-2021.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 6,2 tỷ USD; chiếm 57,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 2,8 tỷ USD. Tiếp theo lần lượt là các ngành bán buôn, bán lẻ; hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ. 

 Việt Nam vẫn được nhìn nhận là “thỏi nam châm” thu hút vốn đầu tư nước ngoài ngay trong thời kỳ dịch bệnh hoành hành. Ảnh minh họa. 

Thậm chí, ngay ở giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến căng thẳng, cả trong nước và quốc tế, Việt Nam vẫn được nhìn nhận là “thỏi nam châm” thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Cách đây chưa lâu, vào tháng cuối năm 2021, một con số kỷ lục đã được ghi nhận - vốn FDI tăng tới 4,69 tỷ USD so với cùng kỳ 2020 - năm đầu tiên chịu tác động của Covid-19.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, muốn duy trì và gia tăng “sức hút đầu tư”, trong bối cảnh kinh tế biến động khôn lường, Việt Nam cần quan tâm cải thiện những yếu tố vừa có tính nền tảng, vừa có tính mới.

Chuyên gia kinh tế, TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu kinh tế Economica Việt Nam cho rằng, các nhà đầu tư quan tâm đến sự cải thiện của Việt Nam với cơ sở hạ tầng. Có 2 phần, một là cơ sở hạ tầng cứng như cầu cảng, bến bãi, đường sá, cao tốc, sân bay, năng lực vận tải.

Đó là những việc hiện chúng ta đang làm. Với cơ sở hạ tầng mềm, các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm, ví dụ cải cách môi trường kinh doanh, chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng kỹ năng nghề của người công nhân, năng lực thích ứng đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp và người dân từ trong nước, chất lượng quản trị công, dịch vụ công.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia khẳng định, thực thi tốt các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) là giải pháp cần được quan tâm cho mục tiêu thu hút vốn FDI. Việt Nam cũng cần tăng cường những hành động thực hiện và cam kết thực hiện mục tiêu trung hoà carbon - hướng tới Net Zero vào năm 2050.

Điều này sẽ giúp Việt Nam mở ra rất nhiều cơ hội kinh doanh mới, thu hút các nhà đầu tư cấp vốn vào nhiều lĩnh vực: tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn… đóng góp cho sự phát triển của toàn nền kinh tế, cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang