Giải pháp giảm thiểu rủi ro gian lận thương mại tại cách thị trường xuất khẩu
Cẩn trọng trước thủ đoạn dùng công nghệ Deepfake ghép ảnh nhạy cảm tống tiền
Cảnh báo tình trạng lừa đảo thương mại quốc tế tại Pakistan
Cảnh báo tác hại khủng khiếp do lạm dụng hít bóng cười
Hoạt động ngoại thương, đặc biệt là xuất nhập khẩu hàng hoá đã có được những quả ngọt trong nhiều năm qua. Kim ngạch xuất nhập khẩu đã chính thức đạt 730,28 tỷ USD vào năm 2022, đưa Việt Nam vào Top 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất. 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh, đạt 440,45 tỷ USD, tăng 17,2% (tương ứng tăng 64,66 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đó, những câu chuyện doanh nghiệp bị lừa đảo trong giao thương quốc tế vẫn còn rất “nóng”. Đó là câu chuyện năm 2023, 5 lô hàng nông sản và gia vị xuất khẩu sang thị trường Dubai – UAE nghi bị lừa đảo.
Theo giải trình của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam ký với khách hàng tại Dubai mua bán theo hình thức nhờ thu hộ D/P. Các ngân hàng Việt Nam dùng dịch vụ DHL chuyển phát bộ chứng từ gốc tới ngân hàng Ajman Bank và nhân viên ngân hàng Ajman Bank đã xác nhận ký nhận thành công 5 bộ chứng từ. Tuy nhiên, sau đó không rõ vì lý do gì các bộ chứng từ gốc không còn lưu tại ngân hàng Ajman nên các ngân hàng Việt Nam đã liên tục yêu cầu ngân hàng Ajman thanh toán. Nhận thấy sự trì hoãn, chây ì từ phía cả ngân hàng và người mua nên các công ty xuất khẩu đã kiểm tra trên hệ thống hãng tàu thì phát hiện cả 4 container hàng đều biến mất khỏi cảng.
Sau gần 3 tháng, với sự phối hợp, hợp tác giữa các bên, từ ngày 10/10 đến ngày 12/10, ngân hàng Ajman Bank (UAE) đã hoàn lại tiền cho các doanh nghiệp, với tổng số tiền 354.990,42 USD (khoảng 8,3 tỷ đồng) cho 4 lô hàng, trên tổng giá trị 355.232 USD. Tuy nhiên, 1 lô hàng còn lại thì không thể lấy lại.
Trước đó, năm 2022, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu hạt điều Việt Nam nhận được lời đề nghị từ một số kênh môi giới nhằm xuất khẩu hạt điều nhân với số lượng lớn sang thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, Italia. Bên bán - các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu làm việc, trao đổi thông qua bên môi giới và gần như không có thông tin về Bên mua tại thị trường nước ngoài. Trong giao dịch này, các Bên thống nhất lựa chọn phương thức thanh toán là phương thức nhờ thu.
Sau khi giao hàng cho hãng tàu để vận chuyển, Bên bán đã chuẩn bị các chứng từ cần thiết như đã thỏa thuận và cung cấp cho Ngân hàng để các Ngân hàng thực hiện nghiệp vụ nhờ thu tiền hàng theo quy định. Khi nhận được bộ chứng từ từ Bên bán, Ngân hàng của Bên bán đã chuyển bộ chứng từ bản gốc cho Ngân hàng của Bên mua để yêu cầu thanh toán. Sự việc xảy ra đối với các doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều nhân của Việt Nam là bộ chứng từ bản gốc đã bị tráo trong quá trình chuyển phát, Ngân hàng của Bên mua chỉ nhận được bộ chứng từ bản sao (bản copy).
Khi phát hiện sự việc, Bên bán đã dùng nhiều biện pháp để liên lạc với bên môi giới và Bên mua theo thông tin đã thỏa thuận nhằm thông báo về sự việc này nhưng không được phản hồi. Do đó Bên bán, Hiệp hội Điều Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Italia đã xác định đây là sự việc có dấu hiệu lừa đảo mà nạn nhân là các doanh nghiệp Việt Nam.
Rất may mắn là sự việc lừa đảo quy mô lớn này được lãnh đạo Nhà nước quan tâm và được các Ngân hàng liên quan hỗ trợ nên sau một thời gian gấp rút xử lý các công việc cần thiết, hàng hóa đã được các hãng tàu giao lại cho Bên bán là các doanh nghiệp Việt Nam Tuy nhiên, không phải vụ việc nào cũng may mắn như vậy. Đơn cử như vụ doanh nghiệp bị lừa đảo tại Pakistan kể trên.
Ảnh minh họa
Phải khẳng định rằng, với chủ trương hội nhập sâu rộng, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá sẽ ngày càng có cơ hội phát triển khi hàng hoá đang được hưởng rất nhiều ưu đãi về thuế quan. Tuy nhiên, thương mại quốc tế càng phát triển thì các rủi ro liên quan đến thương mại càng nhiều, như rủi ro bị lừa đảo, rủi ro trong thanh toán…
Theo TS Lê Quốc Phương – Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương cho biết, trong những năm gần đây, những vụ lừa đảo quốc tế không hiếm và đã lan rộng ra khắp nơi. Nếu như trước đây, các vụ lừa đảo chỉ diễn ra nhiều ở khu vực châu Phi, Trung Đông thì nay đã lan ra cả các thị trường lớn và truyền thống như EU. Trong đó câu chuyện 100 container điều bị lừa ở thị trường Italia năm 2022 là minh chứng.
Các vụ lừa đảo hầu như đều xuất phát từ việc doanh nghiệp chưa tìm hiểu kỹ hoặc quá tin tưởng vào đối tác. Trong khi đó, nhiều đối tượng nước ngoài có sự lừa đảo khá tinh vi, khiến doanh nghiệp dễ dàng tin tưởng, nhất là trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó khăn, ít đơn hàng như hiện nay. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp chưa có được mối quan hệ mật thiết với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để nhờ họ cung cấp thông tin về các đối tác. Do đó rủi ro là rất lớn.
“Trong bối cảnh công nghệ đang phát triển như vũ bão, trí tuệ nhân tạo ngày càng có bước phát triển mới, doanh nghiệp lại càng dễ vướng phải rủi ro, không chỉ ngoài nước mà cả trong nước, không chỉ giao thương mà cả trong cả cuộc sống hàng ngày” – TS Lê Quốc Phương chia sẻ.
Giải giảm thiểu rủi ro gian lận thương mại trong hoạt động xuất khẩu
Có thể thấy, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, để đảm bảo loại trừ 100% rủi ro trong giao thương quốc tế là không thể. Do đó, TS Lê Quốc Phương cho rằng, doanh nghiệp chỉ có thể giảm thiểu rủi ro bằng cách nâng cao cảnh giác, tự bảo vệ chính mình.
Bên cạnh đó, chủ động tạo mối quan hệ mật thiết với các cơ quan đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài để có được thông tin về các bạn hàng đáng tin cậy, đặc biệt là ở các thị trường quá xa mà doanh nghiệp ít tiếp xúc. Khi xuất khẩu hàng hóa đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay lại càng cần thận trọng khi có các đơn hàng mới. Ngoài ra, lựa chọn các phương thức thanh toán thông qua các ngân hàng vì tạm thời, đây vẫn là phương án ít rủi ro nhất. Mặt khác, nhà nước cũng cần có thêm cơ chế hỗ trợ cho các cơ quan đại diện thương mại Việt Nam tại nước ngoài để nâng cao năng lực hơn nữa, hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, hiện nay Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia nằm trong Top đầu về thương mại quốc tế. Do đó, rủi ro trong giao thương quốc tế cũng rất nhiều. Nếu như xảy ra các vụ việc lừa đảo thương mại quốc tế thì sẽ không chỉ cần vai trò của các cơ quan đại diện thương mại hay Bộ Công Thương trợ giúp mà cần tổng hòa sự vào cuộc của các Bộ ngành khác như Bộ Công an, Bộ Ngoại giao để chung tay hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, giữ vững được thành tích xuất nhập khẩu, cũng là thành tích ngoại thương ấn tượng trong nhiều năm qua.
Các chuyên gia cũng cho biết, trong quá trình thực hiện các giao dịch thương mại quốc tế, doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng đến việc xác minh đối tác, chắn chắn trong các điều khoản hợp đồng, hình thức thanh toán... để tránh “bẫy”. Đồng thời, lưu ý khi ký hợp đồng với môi giới doanh nghiệp cần làm rõ trách nhiệm của bên môi giới trong việc thu hồi tiền hàng hoặc các điều khoản thanh toán tiền hoa hồng. Nếu làm việc với môi giới mà người bán không biết rõ thông tin bên mua thì cần có điều khoản “bên môi giới chịu trách nhiệm xác minh tín nhiệm của người mua”, các điều khoản này cần được quy định chặt chẽ, rõ ràng trong hợp đồng môi giới.
Đặc biệt, doanh nghiệp nên sớm làm quen với sử dụng dịch vụ tư vấn và dịch vụ pháp lý chuyên ngành. Coi các công ty tư vấn và pháp lý là người bạn đồng hành trong toàn bộ quá trình kinh doanh chứ không chỉ là tiếp cận họ khi xảy ra tranh chấp. Vì các công ty này có kinh nghiệm giúp doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, rà soát hợp đồng, giúp doanh nghiệp tránh được các điều khoản bất lợi.
Khánh Mai (t/h)