Giải pháp giúp doanh nghiệp chủ động ứng phó với phòng vệ thương mại

author 06:39 07/09/2021

(VietQ.vn) - Khi doanh nghiệp Việt Nam bị nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại thì trước tiên, bản thân doanh nghiệp cần xác định phòng vệ thương mại chỉ là một biện pháp kỹ thuật, không phải rào cản mà chúng ta không thể vượt qua.

Các doanh nghiệp cần chủ động các biện pháp phòng vệ thương mại để tự bảo vệ mình. Ảnh minh họa.

Xu hướng phòng vệ thương mại gia tăng

Dịch bệnh Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp khiến nhiều nước nhập khẩu sử dụng triệt để các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ nền sản xuất trong nước. Cùng với đó, một loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia bắt đầu có hiệu lực thực thi, dẫn đến chiều hướng gia tăng các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Mặc dù đã tích lũy được ít nhiều kinh nghiệm về phòng vệ thương mại tuy nhiên mức độ hiểu biết về các biện pháp này của nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn chưa đầy đủ, dẫn đến sự lúng túng nhất định khi phải đối mặt giải quyết tranh chấp.

Các vụ kiện phòng vệ thương mại không chỉ xảy ra ở các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu… hay các mặt hàng thế mạnh, mà đang xảy ra đối với nhiều loại hàng hóa tại các thị trường nhỏ. Ông Trịnh Nguyên Khôi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam chia sẻ: “Trước đây, chúng ta thường gặp các vụ kiện phòng vệ thương mại từ một số nước như Mỹ, Canada, Úc… Nhưng gần đây, ngay tại những thị trường truyền thống, Việt Nam cũng gặp rất nhiều vụ khởi kiện từ các nước Đông Nam Á như: Thái Lan, Indonesia, Malaysia… đối với thép xuất khẩu của nước ta. Đó là biểu hiện của việc sẽ tiếp tục gia tăng các công cụ phòng vệ thương mại ở các thị trường xuất khẩu của Việt Nam”.

Điều đáng chú ý là dù cho các vụ kiện phòng vệ thương mại với ngành sản xuất trong nước gia tăng nhưng các chuyên gia đánh giá, dường như vấn đề này chưa thực sự nhận được sự quan tâm của số đông doanh nghiệp. Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho hay: “Có thể nói doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đang ngày càng ứng phó tốt hơn với phòng vệ thương mại nhưng con số mới chỉ đang giới hạn ở những ngành đã từng va vấp. Còn ở những thị trường vừa và nhỏ thì thông tin về quy trình điều tra cũng như kinh nghiệm ứng phó với quy trình điều tra ở các thị trường này là không nhiều. Có những ngành trước đây chưa từng bị kiện thì nay cũng đã bị kiện. Như vậy, rõ ràng nhận thức, sự chuẩn bị của doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực, trong nhiều trường hợp là chưa đủ”.

Giải pháp tháo gỡ khó khăn

Bàn về các giải pháp giúp doanh nghiệp chủ động sử dụng và ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại, bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho biết, trước tiên doanh nghiệp cần tuân thủ, cập nhật các quy định pháp luật trong nước cũng như thị trường nhập khẩu.

Khi doanh nghiệp Việt Nam bị nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại thì bản thân doanh nghiệp cần xác định phòng vệ thương mại chỉ là một biện pháp kỹ thuật, không phải rào cản mà chúng ta không thể vượt qua. Đồng thời doanh nghiệp nên giữ liên hệ với Cục Phòng vệ thương mại: “Chúng tôi luôn tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp trong những vụ việc cụ thể. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp chúng tôi nhận thấy doanh nghiệp không để ý đến các biện pháp phòng vệ thương mại cho đến khi có lệnh áp thuế”, bà Giang chia sẻ.

Hơn nữa, các chuyên gia cũng thông tin, từ kinh nghiệm, thực tiễn cho thấy sự phối hợp, cung cấp thông tin của doanh nghiệp, ngành sản xuất trong quá trình ứng phó với điều tra của nước ngoài là yếu tố quyết định có giảm thiểu tác động bất lợi của biện pháp phòng vệ thương mại hay không.

Doanh nghiệp cũng cần lưu ý đa dạng hóa sản phẩm và thị trường xuất khẩu để phân tán rủi ro, tránh tập trung xuất khẩu với khối lượng lớn vào một thị trường vì điều này có thể tạo ra cơ sở cho các nước khởi kiện.

Ngoài ra, trong quá trình điều tra các biện pháp phòng vệ thương mại, các nước nhập khẩu tìm hiểu rất kỹ về nguồn nguyên liệu cũng như chuỗi sản xuất của sản phẩm. Do đó, để có thể giảm thiểu tác động tiêu cực, Việt Nam cần phát triển các chuỗi giá trị, phát triển nguồn nguyên liệu trong nước. 

Đặc biệt, doanh nghiệp không được tham gia, tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Bởi nếu phát hiện các hành vi này, nước nhập khẩu sẽ áp dụng chế tài trừng phạt rất nặng, trong nhiều trường hợp doanh nghiệp sẽ “mất” toàn bộ thị trường xuất khẩu liên quan. Nếu phát hiện các dấu hiệu vi phạm, doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với cơ quan chức năng để điều tra, ngăn chặn và tránh để hành vi của một vài doanh nghiệp làm ảnh hưởng tới doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang