Giải pháp nâng cao năng suất chất lượng tại vùng mía Thạch Thành

author 18:21 12/11/2015

(VietQ.vn) - Thạch Thành đã quy hoạch lại vùng nguyên liệu, xác lập kế hoạch sử dụng đất; mạnh dạn đưa khoa học- công nghệ, giống mới vào sản xuất; hình thành mô hình kinh tế nông trường và kinh tế hộ để ổn định năng suất, tăng sản lượng.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Những năm qua, huyện Thạch Thành đã đề ra một số chủ trương, giải pháp để phát triển vùng mía ổn định bền vững. Ngoài việc quy hoạch lại vùng nguyên liệu, xác lập kế hoạch sử dụng đất; mạnh dạn đưa khoa học- công nghệ, giống mới vào sản xuất; hình thành mô hình kinh tế nông trường và kinh tế hộ…, Thạch Thành đã “hút” các doanh nghiệp và thành lập các Hợp tác xã để tạo lập các chuỗi liên kết.

Dự kiến năm nay, năng suất mía Thạch Thành đạt khoảng 62 tấn/ha, đưa sản lượng đạt khoảng 400 ngàn tấn. Một điểm nhấn ở vùng mía Thạch Thành, đó là đưa các tiến bộ KHKT mới vào áp dụng. Xuất phát từ thực tế, trồng mía là khâu nặng nhọc, chiếm nhiều nhân công nhất trong quy trình canh tác và quyết định rất nhiều đến năng suất, thêm vào đó giá ngày công lao động vào vụ thường cao gấp 1,5 – 2 lần so với ngày thường làm tăng chi phí.

Vùng mía Thạch Thành đã mạnh dạn đưa khoa học- công nghệ, giống mới vào sản xuấtVùng mía Thạch Thành đã mạnh dạn đưa khoa học- công nghệ, giống mới vào sản xuất

Qui trình trồng mía hiện nay là trồng hàng đơn, khoảng cách hàng 90 - 100 cm, khó khăn cho việc áp dụng cơ giới hóa. Từ thực tế đó, vụ mía năm nay, Thạch Thành đã liên kết với Trung tâm Máy và dịch vụ nông nghiệp Tiến Nông cùng với Cty TNHH Kubota Việt Nam triển khai mô hình “Cánh đồng sản xuất mía áp dụng cơ giới hóa đồng bộ theo tiêu chuẩn Tiến Nông” với diện tích 3ha tại xã Thạch Bình. Mô hình được áp dụng 100% cơ giới hóa từ khâu làm đất, trồng mía, bón phân đến thu hoạch.

Với qui trình trồng mía hàng kép, hàng đơn cách hàng đơn 25-30 cm, hàng kép cách hàng kép 120 cm, phương thức trồng tiến bộ này đang được các nước trên thế giới áp dụng, nâng cao mật độ mía trên cùng một đơn vị diện tích, cây mía sử dụng ánh sáng tốt, sinh trưởng phát triển nhanh, và có thể áp dụng cơ giới hóa một cách dễ dàng trong các khâu chăm sóc tiếp theo.

Việc đưa máy làm đất đa năng vào khâu làm đất, khâu gieo trồng mang lại ý nghĩa rất quan trọng. Việc cần thiết thay đổi phương thức sản xuất của người dân, đồng thời giải quyết được tình trạng thiếu công, giúp người nông dân giải phóng được sức lao động, giảm bớt chi phí đầu tư; tạo điều kiện để người nông dân được tiếp cận với phương pháp sản xuất hiện đại, đẩy mạnh quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Bên cạnh đó, tháng 8/ 2015, Ban chỉ đạo sản xuất của huyện đã phối hợp với các xã, thị trấn chỉ đạo các HTX dịch vụ nông nghiệp hướng dẫn nông dân tập trung chăm sóc mía nguyên liệu, đồng thời lựa chọn chủng loại phân chuyên dùng cho mía của các công ty phân bón có uy tín để cung ứng cho người trồng mía.

Trong đó, chú trọng đến phân hữu cơ vi sinh dùng cho bón lót trồng mới và các loại phân NPK có hàm lượng kali cao để bón thúc, nhằm tăng khả năng tích lũy đường, tăng năng suất, chống đổ, hạn chế rệp cho cây mía. Để tạo thuận lợi cho người trồng mía trong quá trình chăm sóc mía nguyên liệu, huyện Thạch Thành đã đề nghị Công ty TNHH Đường mía Việt Nam – Đài Loan khai thác toàn bộ lượng mùn bã mía để sản xuất phân hữu cơ vi sinh đủ tiêu chuẩn, bán cho người trồng mía theo giá thành để bón lót trên diện tích mía trồng mới, trồng lại và thu nợ đầu tư khi mua mía cuối vụ.

Huyện cũng đã phối hợp với Công ty TNHH Đường mía Việt Nam – Đài Loan tăng cường hỗ trợ đầu tư cho người dân trồng mía theo cam kết ban đầu, đối với mía lưu gốc suất đầu tư 20 triệu đồng/ha, mía trồng mới 29 triệu đồng/ha. Cán bộ chuyên môn của trạm khuyến nông, trạm bảo vệ thực vật, các trạm nông vụ phối hợp với các HTX dịch vụ nông nghiệp hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật chăm sóc mía nguyên liệu, như: Bảo đảm đầu tư phân bón kịp thời; những diện tích mía khó tưới nước thực hiện bón phân theo phương pháp vùi sâu, giữ ẩm cho đất để chờ khi có mưa đủ ẩm tạo điều kiện cho cây mía đẻ nhánh và vươn lóng. Trồng dặm những diện tích mía đã bị mất; phát quang bờ vùng bờ thửa.

Các đơn vị thủy nông điều tiết nước tưới tại các trạm bơm để cung cấp nước phục vụ cho phát triển của cây mía nguyên liệu. Trạm bảo vệ thực vật huyện hướng dẫn nhân dân vùng mía các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại mía trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt là giai đoạn nóng ẩm xen kẽ dễ phát sinh các loại sâu bệnh. 

Thái Hà (T/h)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang