Giải pháp nào để chống gian lận thương mại đường nhập lậu ngày càng diễn biến phức tạp?

author 05:43 23/05/2024

(VietQ.vn) - Theo thông tin từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam, những năm qua tình hình nhập lậu đường cát tại Việt Nam diễn biến phức tạp và ngày càng gia tăng đòi hỏi cần có giải pháp ngăn chặn để bảo vệ người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp.

Đường nhập lậu gia tăng liên tiếp theo nhiều năm

Đường cát được các lực lượng quản lý thị trường xác định là một trong số mặt hàng trọng tâm của công tác đấu tranh với hàng nhập lậu. Lâu nay, việc đấu tranh, ngăn chặn đường nhập lậu được Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo, triển khai trong toàn ngành thông qua nhiều biện pháp, giải pháp, theo đặc thù của từng địa phương... Không chỉ kiểm soát ở các tuyến biên giới, cửa khẩu, lực lượng quản lý thị trường còn tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trên các tuyến vận chuyển, lưu thông, kể cả trên môi trường thương mại điện tử. Tuy nhiên tình trạng nhập lậu đường vẫn diễn biến phức tạp, khó ngăn chặn. 

Theo một báo cáo về ngành mía đường của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) công bố, đường lậu đã bắt đầu được ghi nhận tại nước ta từ năm 1999 và bắt đầu tăng mạnh vào năm 2008. Theo báo cáo trên, quy mô nhập khẩu đường lậu đang ngày càng tăng mạnh từ mức 100.000 tấn đường vào năm 2008. Tới năm 2018, con số này đã lên đến hơn 890.000 tấn.

Hiện không có số liệu chính thức về lượng đường nhập lậu mỗi năm, song dựa vào số liệu của Tổ chức Đường thế giới (ISO), ước tính lượng đường nhập lậu vào Việt Nam trong giai đoạn 2008 – 2014 là khoảng hơn 270.000 tấn/năm. Tuy nhiên, đến giai đoạn 2015 – 2019, con số đã không chỉ dừng lại ở đó mà đã tăng đột biến, ước tính lên đến hơn 750.000 tấn/năm, gấp 2,8 lần so với lượng nhập lậu trung bình giai đoạn trước. Trong đó, lượng đường nhập lậu vào Việt Nam chủ yếu có nguồn gốc từ Thái Lan và đi theo con đường từ Campuchia và Lào vào thị trường nội địa.

Tình trạng nhập lậu đường gia tăng theo các năm gây khó trong công tác ngăn chặn. Ảnh minh họa

Nhằm mục tiêu phòng, chống nhập lậu đường, Việt Nam đã chính thức thực hiện cam kết Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) từ ngày 1/1/2020 dẫn tới xóa bỏ hạn ngạch và cắt giảm thuế nhập khẩu từ 80 - 85% xuống chỉ còn 5%, khuyến khích các thương nhân nhập khẩu vào Việt Nam qua đường chính ngạch.

Trong năm 2021, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định số 1578/QĐ-BCT áp dụng biện pháp chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm mía có xuất xứ từ Thái Lan. Tại quyết định này, mức thuế chống bán phá giá được ban hành lên đến 42,99% và thuế chống trợ cấp là 4,65%. Áp dụng mức thuế chống bán phá giá quá cao khiến cho những nỗ lực cắt giảm thuế nhập khẩu trước đó gần như vô nghĩa.

Theo thống kê Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, trong năm 2023 các lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện 661 vụ việc vi phạm, 111.994 đối tượng. Qua đó, tịch thu 684.492 kg đường cát, tiêu hủy 99.944 kg; xử phạt vi phạm hành chính 523 vụ, 654 đối tượng; xử lý hình sự 3 vụ, 3 bị can. Tổng số tiền phạt gần 1 tỷ đồng.

Bước sang năm 2024 tình hình nhập lậu đường tiếp tục diễn biến phức tạp, những vụ việc có quy mô lớn, nhiều thủ đoạn tinh vi. Cụ thể, chỉ trong thời gian ngắn gần đây lực lượng QLTT các tỉnh đã liên tiếp phát hiện và thu giữ lượng lớn đường nhập lậu. 

Cụ thể, trong Quý I/2023, Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh đã kiểm tra, kiểm soát phát hiện 13 vụ vi phạm về đường cát, tạm giữ hơn 87,6 tấn đường cát không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu nhập lậu, trị giá ước tính hơn 1,5 tỷ đồng.

Ngày 2/5/2024 thực hiện "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" và kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại địa bàn năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị đã phát hiện 7 phương tiện vận chuyển 23,5 tấn đường cát và 4.000 chai bia Heineken nhập lậu.

Ngày 7/5/2024 Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hậu Giang phát hiện lô đường cát nhập lậu trị giá 1 tỷ đồng vận chuyển qua địa bàn tỉnh Hậu Giang. Số đường cát nhập lậu này do Công ty TNHH MTV SX TM MD có địa chỉ: thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An là chủ sở hữu.

Ngày 08/5/2024, Đội Quản lý thị trường số 5 và số 2, Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường, Công an tỉnh tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh Phùng Văn Hoạch, tại địa chỉ Tổ dân phố Tân Thịnh, thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Tại thời điểm kiểm tra cơ sở đang kinh doanh, bày bán hàng hóa gồm 2.400kg đường tinh luyện do nước ngoài sản xuất có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. 

Giải pháp nào để ngăn chặn đường nhập lậu?

Tại hội thảo Giải pháp chống gian lận thương mại đường nhập lậu do Hiệp hội Mía đường Việt Nam phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường mới đây, ông Nguyễn Văn Lộc - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng, với thực trạng đường nhập lậu qua các khu vực biên giới như hiện nay, các ngành chức năng, cộng đồng doanh nghiệp cần tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa để quản lý, ngăn chặn, kiểm soát gian lận, chống thất thu thuế cho ngân sách.

Theo đó, các đơn vị cần quản lý nộp thuế nhập khẩu, quản lý xuất xứ đối với đường tịch thu đấu giá; phối hợp trong việc thông tin các vụ vận chuyển đường nhập lậu, chuyển mục đích sử dụng hoặc tiêu hủy đường nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ… Đồng thời thực hiện các giải pháp mạnh đối với công tác quản lý an toàn thực phẩm, ghi nhãn hàng hóa, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, hay công tác xử phạt đối tượng vi phạm của ngành chức năng các địa phương.

Hiện nay, Hiệp hội Mía đường Việt Nam có đủ khả năng, cơ sở để tham gia góp ý, hỗ trợ, phối hợp với các đơn vị trong điều tra, xử lý vi phạm về gian lận sản xuất, kinh doanh, vận chuyển đường nhập lậu… Ngoài ra, các quy định, văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước đã ban hành cũng là cơ sở pháp lý, căn cứ để các lực lượng chức năng, địa phương đối chiếu, xử lý vi phạm.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, khó khăn hiện nay là công tác đấu giá, tiêu hủy đường nhập lậu; tình trạng lợi dụng thương hiệu để san chiết, đóng gói đường bán ra thị trường… của các tổ chức, cá nhân. Thêm vào đó, giá đường trong nước đang phải chịu cạnh tranh. Doanh nghiệp đã thay đổi thiết bị, đầu tư công nghệ hiện đại nên hoạt động sản xuất cũng như chất lượng đường trong nước không thua đường nước ngoài. Tuy nhiên, giá đường trong nước cao vì doanh nghiệp phải chịu thuế, thực hiện đúng quy định Nhà nước, còn đường nhập lậu thì trốn thuế… nên giá thành rẻ, đó là cạnh tranh không lành mạnh.

Do đó, thời gian tới Tổng cục tiếp tục chỉ đạo các lực lượng quản lý thị trường địa phương rà soát, tổng hợp, nắm chắc tình hình để báo cáo, kiến nghị trong việc xử lý vi phạm; đề nghị Hiệp hội Mía đường Việt Nam tăng cường phối hợp với lực lượng quản lý thị trường để kiểm tra, xử lý đối với mặt hàng đường. Đồng thời thông tin để các lực lượng kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời những dấu hiệu, hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân kinh doanh, vận chuyển đường nhập lậu.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang