Giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động tại Việt Nam

author 08:55 10/01/2022

(VietQ.vn) - Trước những tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, Chính phủ đã nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm tránh đứt gãy và phục hồi thị trường lao động.

Chính phủ đã nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm tránh đứt gãy và phục hồi thị trường lao động. Ảnh minh họa. 

Hai năm qua, dịch bệnh kéo dài và diễn biến phức tạp gây tác động tiêu cực đối với thị trường lao động. Điều này thể hiện rất rõ khi số người có việc làm giảm sâu, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng cao, thu nhập bình quân tháng của người lao động sụt giảm nghiêm trọng.

Theo ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, trước khi chưa có đại dịch Covid-19 thì trong những năm vừa rồi, số lượng tuyệt đối cũng như tỷ lệ lao động trong khu vực phi chính thức có xu hướng giảm. Thế nhưng, qua thông báo, các điều tra vừa rồi thì năm 2020, 2021 xảy ra tình trạng ngược lại.

Đây là tình trạng phi chính thức hóa việc làm, mà điều đặc biệt là không như mọi năm sự phi chính thức hóa việc làm này là do cung - cầu lao động, nhưng nay là do tâm lý, nhất là do rất nhiều doanh nghiệp-tức là khu vực chính thức đã không bảo đảm việc làm cho người lao động. Chính vì vậy, vì sinh kế, người lao động chủ động chuyển sang khu vực phi chính thức để làm việc nhằm bảo đảm thu nhập cuộc sống.

Trước tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, Chính phủ đã nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm tránh đứt gãy và phục hồi thị trường lao động. Giới chuyên gia cho rằng, các đơn vị chức năng cần chủ động rà soát, nắm bắt thông tin về nguồn lao động thất nghiệp tại địa phương, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp trên địa bàn. Từ đó, xây dựng phương án hỗ trợ kết nối việc làm giữa lao động và doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng. Đồng thời, cần vận hành sàn giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến để kết nối việc làm giữa doanh nghiệp và người lao động. Đẩy mạnh hoạt động sàn giao dịch việc làm trực tuyến thông qua ứng dụng công nghệ.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng với Hiệp hội doanh nghiệp và các địa phương cần thường xuyên tổ chức đối thoại xã hội giữa người sử dụng lao động và người lao động, nhằm tìm ra giải pháp phù hợp trong việc bố trí, sắp xếp việc làm để vượt qua khó khăn, ngăn ngừa tranh chấp lao động.

Ngoài ra, về phía doanh nghiệp, cần chuẩn bị cơ sở vật chất, điều kiện làm việc an toàn, đảm bảo cho người lao động tiêm đủ liều vắc xin. Đặc biệt, doanh nghiệp cần thực hiện các giải pháp miễn, giảm chi phí tuyển dụng, đào tạo tay nghề; ưu đãi tiền lương, tiền thưởng, tiền làm thêm giờ, hỗ trợ nhà ở, điện nước, giữ trẻ để người lao động yên tâm và gắn bó với doanh nghiệp, tạo sự ổn định và tăng tốc sản xuất trong những năm tới.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang