Giải quyết vấn nạn 'truyền thông bẩn' để phát triển lành mạnh thị trường sữa

author 18:22 09/11/2023

(VietQ.vn) - Thị trường sữa Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp có dấu hiệu lợi dụng "truyền thông bẩn" để tấn công đối thủ nhằm chiếm thị phần với nhiều cách thức khác nhau đã làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của các doanh nghiệp và cả quyền lợi người tiêu dùng, đòi hỏi cần phải có giải pháp xử lý để làm lành mạnh hóa thị trường sữa.

Thị trường sữa Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Hiện có khoảng 200 doanh nghiệp hoạt động, trong đó có 40 doanh nghiệp sản xuất và phân phối sữa. Theo báo cáo Xu hướng và Tăng trưởng Thị trường sản phẩm sữa toàn cầu, quy mô thị trường sữa dự kiến sẽ tăng từ 613,96 tỷ USD vào năm 2023 lên 840 tỷ USD vào năm 2028, với tốc độ CAGR là 6.47% trong giai đoạn dự báo.

Thị trường sữa Việt Nam ngày càng đa dạng về loại hình sản phẩm, từ sữa bột, sữa tươi, sữa đặc, sữa chua, đến các sản phẩm sữa chức năng, sữa hữu cơ, sữa không lactose, sữa thực vật và các sản phẩm sữa kết hợp với các nguyên liệu khác như trái cây, ngũ cốc, rau củ, thảo mộc… 

 Tọa đàm “Quản lý thị trường sữa và vấn nạn “truyền thông bẩn” ngày 9/11/2023

Nhức nhối vấn nạn “truyền thông bẩn

Tại buổi Tọa đàm “Quản lý thị trường sữa và vấn nạn “truyền thông bẩn” do Báo Công Thương tổ chức ngày 9/11/2023, các chuyên gia cho biết, sự đa dạng của doanh nghiệp, nhu cầu tiêu dùng cũng như sản phẩm và giá cả đã dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường sữa, thậm chí cạnh tranh không lành mạnh. Một số doanh nghiệp có dấu hiệu lợi dụng truyền thông bẩn để tấn công đối thủ nhằm chiếm thị phần với nhiều cách thức khác nhau như đưa thông tin sai, phiến diện chưa được kiểm chứng, nhắc đi nhắc lại những lỗi sai dù đã bị xử lý…·

Một hiện tượng khác là doanh nghiệp đăng tải các video quảng cáo gắn với các “bác sĩ”, các "chuyên gia" mặc áo blouse so sánh các loại sữa khác nhau, đánh tráo khái niệm về sữa với tần xuất dày đặc trên mạng xã hội gây hoang mang cho người tiêu dùng. 

Còn nhớ vụ việc Sữa Danlait năm 2013, người dân Việt Nam đã vô cùng hoang mang với nguồn tin cho rằng, Công ty TNHH Mạnh Cầm đã phân phối sữa Danlait giả với giá đắt “cắt cổ”. Hàng loạt bài viết về thông tin này đã được đăng tải trên các diễn đàn như Lamchame, Webrtretho, sau đó phủ rộng sang các trang mạng xã hội. Song, đến tháng 4/2013, Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh Thực phẩm Quốc gia (Bộ Y tế) cũng đã đưa ra kết luận sữa DanLait đảm bảo đúng tiêu chuẩn đăng ký trên nhãn mác.

Mặc dù thông tin đã được đính chính, nhưng Công ty Mạnh Cầm đã phải chịu một tác động rất lớn. Kinh doanh đình trệ, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Kiểu truyền thông bẩn như này là con dao hai lưỡi vừa giết chết doanh nghiệp uy tín, vừa khiến người tiêu dùng hoang mang, mất niềm tin.

Hiện nay, trên mạng xã hội như là Facebook, TikTok hiện nay xuất hiện hàng loạt người xưng danh “bác sĩ”, “dược sĩ”, “chuyên gia” mặc áo blouse đăng tải những clip quảng cáo, thậm chí là chào các sản phẩm sữa hay các sản phẩm bảo vệ sức khỏe khác.

Ngoài ra, còn có hiện tượng đưa ra thông tin sản phẩm có độ đạm 2,7 gr/100ml mới là “sữa thật”, coi các sản phẩm sữa trái cây và chê bai các loại sữa khác KHÔNG PHẢI LÀ SỮA có thể khiến người tiêu dùng hiểu nhầm các loại sữa khác là SỮA GIẢ, cho rằng phải cứ uống sữa trắng mới là tốt còn những loại khác thì không tốt và đều bị mắc BẪY DINH DƯỠNG như quảng cáo lan tràn trên mạng thời gian qua.

Hành lang pháp lý đã có

Theo ông Lê Hoài Điệp- Cơ quan điều tra Cạnh tranh - Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia: Luật Cạnh tranh điều chỉnh nhiều nhóm hành vi, trong đó có nhóm hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm. Cụ thể, theo quy định tại Điều 45 Luật Cạnh tranh 2018 quy định các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm, trong đó có các hành vi sau đây có liên quan đến các nội dung chúng ta đang đề cập.

Thứ nhất, cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp đưa thông tin không trung thực về doanh nghiệp gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.

Thứ hai, lôi kéo khách hàng bất chính bằng các hình thức như đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về doanh nghiệp hoặc hàng hóa, dịch vụ, khuyến mại, điều kiện giao dịch liên quan đến hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác; so sánh hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác nhưng không chứng minh được nội dung.

Hiện nay, mạng xã hội trở nên phổ biến đối với người dùng tại Việt Nam. Việc đăng tin, bài, status, hoặc chia sẻ, bình luận trên các trang cá nhân trở nên dễ dàng. Nhiều nội dung đã được kiểm duyệt, tuy nhiên vẫn còn nhiều thông tin chưa được kiểm chứng, kiểm duyệt. Do đó, doanh nghiệp hoặc cá nhân khi thực hiện các hành vi cung cấp thông tin cho người tiêu dùng hoặc quảng cáo các sản phẩm dịch vụ của mình cần lưu ý để tránh vi phạm pháp luật cạnh tranh và các quy định pháp luật khác có liên quan- ông Lê Hoài Điệp nhấn mạnh.

Với chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, TS Trần Việt Nga – Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế- cho hay, Hiện nay, có 3 Bộ chính quản lý: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, theo đó đã tập trung vào hậu kiểm, phân quyền cho doanh nghiệp.

Theo quy định, các nhóm cần đăng ký và nộp hồ sơ gồm: Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, y học và dùng cho chế độ ăn đặc biệt; trẻ nhỏ dưới 36 tháng tuổi và phụ gia thực phẩm không thuộc trong danh mục phụ gia được phép sử dụng do Bộ Y tế quy định. Các sản phẩm khác được tự công bố, doanh nghiệp tự xây dựng hồ sơ, các quy định, quy chuẩn của nhà sản xuất, chỉ cần 1 bản hồ sơ, đăng tải trên website.

Nghị định 15 đã quy định rất rõ các ngành hàng, Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương, tiếp nhận bản tự công bố sau đó phân cấp, phân quyền sau đó thanh tra, kiểm tra. Từ năm 2018 đến nay, có nhiều ý kiến đánh giá về việc cho phép doanh nghiệp tự công bố. Điều này dẫn đến việc tạo thuận lợi cho một số doanh nghiệp, tiết kiệm thời gian. Bên cạnh đó, xuất hiện một số trường hợp doanh nghiệp làm ăn không chân chính, lợi dụng sự thông thoáng, quảng cáo các sản phẩm không đúng quy định của Nhà nước- TS Trần Việt Nga nêu rõ.

PGS. TS Bác sĩ Nguyễn Thị Lâm, Chuyên gia dinh dưỡng - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, theo quy chuẩn Việt Nam, hiện nay, thị trường trong nước chúng ta có sữa thanh trùng, sữa tiệt trùng hay sữa hoàn nguyên. Theo quy định, các loại sữa này đều có độ đạm 2,7gr/100l sữa.

Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường xuất hiện thêm sản phẩm sữa trái cây, đây là sản phẩm do doanh nghiệp đặt tên. Song, sữa trái cây thường có độ đạm dưới 1gr/100ml, hay chất béo dưới 1gr/100m và năng lượng cung cấp cho cơ thể. Vô hình chung, người tiêu dùng thường hiểu lầm sữa trắng (sữa dạng lỏng, dạng nước, dạng bột) với sữa trái cây là một.

Thực tế, trên thị trường, giá thành của hai loại sữa này là tương đương nhau. Sữa trái cây cũng có nhiều ưu điểm. Nhiều khi các cháu ngán sữa, các bậc phụ huynh có thể thay thế bằng sữa trái cây. Các bậc phụ huynh cũng nên hiểu đúng, và thay đổi khẩu vị cho con. Khi thì dùng sữa lỏng, sữa bột, sữa công thức, khi thì chuyển sang sữa trái cây để thay đổi khẩu vị.

Cần xử lý hành vi quảng cáo vi phạm Luật Quảng cáo và Luật Cạnh tranh

Những thông tin coi các sản phẩm sữa trái cây và chê bai các loại sữa khác KHÔNG PHẢI LÀ SỮA có thể khiến người tiêu dùng hiểu nhầm các loại sữa khác là SỮA GIẢ chính là chiến dịch truyền thông bẩn tai tiếng nhất từ trước đến nay trong ngành sữa.

Về vấn đề này, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng, để xác định có phải là một chiến dịch hay chiến dịch truyền thông bẩn hay không, ở mức độ như thế nào, ai người thực hiện hành vi đó thì cơ quan chức năng cũng cần phải vào cuộc và xác định phân loại tất cả các cái hành vi thực hiện các hoạt động quảng cáo về sữa trên không gian mạng. ·

Hiện nay, vấn đề này có liên quan đến một số văn bản quy phạm pháp luật, trong đó đầu tiên phải kể đến là Luật Quảng cáo, Luật Cạnh tranh, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật An toàn thực phẩm. Theo đó, 4 văn bản pháp luật này có liên quan trực tiếp đến hoạt động quảng cáo về sữa và nếu trong trường hợp mà xuất hiện quá nhiều, dày đặc, những nội dung có tính chất thường xuyên, cạnh tranh không lành mạnh theo hướng là so sánh trực tiếp hoặc là đưa ra những thông tin thất thiệt, sai sự thật đối với đối thủ cạnh tranh, thì rõ ràng là những thông tin đó là vi phạm Luật Quảng cáo và vi phạm Luật Cạnh tranh. Với những hành vi như vậy, chủ thể bị xâm phạm có quyền gửi đơn đến cơ quan chức năng để có thể là xem xét, điều tra, xác minh, xử lý, đồng thời cũng phải khởi kiện ra tòa án.

Còn nếu trong trường hợp những hành vi đưa thông tin sai sự thật trên không gian mạng mà gây ra hậu quả nghiêm trọng, thì có thể đưa sự việc ra cơ quan điều tra để xem xét xử lý. Tôi cho rằng, trong việc này các cơ quan chức năng cũng cần phải xem xét để làm rõ, xử lý. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng phải tỉnh táo trong việc là tiếp cận những thông tin, đặc biệt là thông tin trên mạng xã hội, thông tin chưa được kiểm chứng hoặc những thông tin ác ý, có tính chất xuyên tạc để cạnh tranh không lành mạnh.

Thực tế, hiện tượng quảng cáo cực đoan, nhân danh bác sĩ, dược sĩ khuyên dùng theo hướng chê sản phẩm này, khen sản phẩm kia, nguỵ tạo ra những thứ gọi là “bẫy dinh dưỡng”, “độ đạm cao mới là sữa thật còn lại là giả” khiến nhiều người cảm thấy hoang mang, lo lắng không biết thông tin nào mới chính xác. Ở góc độ Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, ông Vũ Văn Trung- Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam khẳng định, tTất cả những hiện tượng thông tin tuyên truyền dù ở bất kỳ nên tảng nào nếu sai sự thật, gây nhầm lẫn, thậm chí nói xấu các sản phẩm thì đều đáng bị lên án và phải được xử lý.

Đặc biệt, chúng ta biết là hiện nay Chính phủ đã chuyển từ chế độ tiền kiểm sang hậu kiểm, điều này rất tiện cho doanh nghiệp, nên công tác hậu kiểm chúng ta làm cũng cần phải tăng cường hơn. Bởi thực thế, người ta lợi dụng thì doanh nghiệp làm ăn chân chính thì không vấn đề gì, còn đối với các doanh nghiệp có vấn đề thì tôi nghĩ các cơ quan chức năng phải vào cuộc.

“Truyền thông bẩn” đó là rác rưởi thì chúng ta phải dọn sạch đi, như vậy sẽ có lợi cho xã hội. Thứ nhất, lập lại trật tự về mặt tuyên truyền quảng cáo, đảm bảo an toàn cho thực phẩm nói chung và sản phẩm sữa nói riêng. Thứ hai, trả lại lợi ích chính đáng cho doanh nghiệp làm ăn chân chính. Quan trọng hơn nữa là toàn xã hội, người tiêu dùng có được môi trường sử dụng các sản phẩm lành mạnh cho chính mình- ông Vũ Văn Trung nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến trên, TS Trần Việt Nga- Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho rằng, quảng cáo dù với bất kể hình thức thế nào, nếu đưa thông tin sai sự thật đều là hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là khi sử dụng hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế để có thể mang lại niềm tin cho người tiêu dùng bởi những phát ngôn, nhận xét của những người đó hoàn toàn là những hành vi mà pháp luật đã nghiêm cấm, trong luật an toàn thực phẩm cũng như Nghị định số 15 cũng nêu rõ về việc cấm sử dụng hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế, hay thư tín của người bệnh rằng “tôi đã sử dụng sản phẩm này tốt và sau bao lâu thì khỏi bệnh” đây đều là những hành vi bị nghiêm cấm.

Đối với những nhóm phải đăng ký bản công bố sản phẩm – tạm gọi là quản lý chặt hơn, thì những nhóm đó trước khi quảng cáo cũng phải xác nhận nội dung quảng cáo, tức là muốn quảng cáo nội dung gì thì phải gửi nội dung đó lên cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để kiểm soát. Và nếu nhận được giấy xác nhận nội dung quảng cáo kèm theo nội dung được duyệt thì mới được quảng cáo, đúng như nội dung đã phê duyệt và cơ quan phát hành quảng cáo cũng chỉ được phép phát hành nội dung mà Cục An toàn thực phẩm đã phê duyệt.

Cục An toàn thực phẩm sau khi phê duyệt nội dung quảng cáo của các nhóm thuộc quản lý của Cục- cụ thể là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thì chúng tôi đều công khai tất cả thông tin về nội dung, tên sản phẩm và doanh nghiệp công bố sản phẩm lên website Cục và Bộ Y tế để cho bất kỳ đơn vị nào nhận quảng cáo đều có đầy đủ thông tin đối chiếu, nhằm đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, 90% sản phẩm khác là nhóm tự công bố và chịu trách nhiệm về các sản phẩm quảng cáo của mình do đó đây vừa là điều kiện vừa là lỗ hổng để doanh nghiệp lợi dụng điều đó và trách nhiệm mà đối với sản phẩm sữa và hậu kiểm chất lượng sản phẩm an toàn và đúng sự thật hay không thì Bộ Công Thương cũng sẽ có đội ngũ triển khai làm việc đó.

Tuy vậy, việc kiểm soát quảng cáo trên không gian mạng là việc vô cùng phức tạp, điều này không phải riêng Bộ Công Thương mà các bộ ngành khác đều gặp phải, kể cả chúng tôi. Và khi phát hiện quảng cáo vi phạm chúng tôi phải gửi ngay thông tin cho Bộ Thông tin và Truyền thông để yêu cầu xác minh chủ website, chủ đường link đó hay với Bộ Công Thương là quảng cáo trên các sàn giao dịch thương mại điện tử cũng phải gửi ngay thông tin cho các sàn đó. Những đơn vị cấp phép để mở những website, quản lý sàn giao dịch này, họ đều nắm được ai là chủ của website, sàn giao dịch đó để yêu cầu gỡ bỏ.

Nhưng thực tế, điều này vô cùng khó khăn, vì nếu là website ẩn danh hoặc máy chủ đặt ở nước ngoài, chúng ta rất khó tìm đơn vị chính chủ. Còn đối với tổ chức cá nhân có sản phẩm quảng cáo vi phạm thì họ lại chối, không thừa nhận sản phẩm hay thậm chí có những sản phẩm không phải họ làm quảng cáo mà có thể do đơn vị thứ ba đứng ở giữa, họ tự mua về bán. Điều này cũng có một vài trường hợp Bộ Công an đã bắt giữ và xác minh việc đó.

Về pháp luật xử lý vi phạm cũng có đầy đủ quy định, đặc biệt đối với vấn đề quảng cáo. Theo đó, Luật Quảng cáo đã đưa ra những hành vi cấm không được quảng cáo; Nghị định số 38/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vấn đề văn hóa và quảng cáo. Đơn cử, khoản 5 Điều 34 Nghị định 38 cũng quy định mức xử phạt dành cho cá nhân lên đến 60-80 triệu đồng với hành vi quảng cáo gây hiểu nhầm, còn với tổ chức thì xử phạt sẽ nhân đôi, tức là từ 120-160 triệu và phải tháo gỡ những đường link vi phạm đó.

Pháp luật có đầy đủ quy định, tuy nhiên như tôi đã nói với sự phát triển không gian mạng như hiện nay, thì việc kiểm soát của cơ quan quản lý vẫn vô cùng khó khăn- TS Trần Việt Nga cho hay.

Hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ bị xử lý hình sự

Sử dụng truyền thông, nhất là mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá, bán hàng là hoàn toàn hợp pháp và phù hợp với xu hướng chung. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là sự cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng tới thị trường, người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Và đặc biệt có một số cơ quan truyền thông cùng tham gia vào quá trình đưa tin chưa đúng về sữa.

Trước hiện tượng này, ông Lê Hoài Điệp- Cơ quan điều tra Cạnh tranh - Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết, không chỉ riêng lĩnh vực sữa mà trong bất kỳ lĩnh vực nào, sự cạnh tranh không lành mạnh đều mang lại ảnh hưởng xấu tới thị trường, tới doanh nghiệp làm ăn chân chính và tới người tiêu dùng.

Việc đưa thông tin không đúng về sản phẩm, dịch vụ, doanh nghiệp có thể ảnh hưởng đến nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm, dịch vụ, doanh nghiệp đó. Các chủ thể tham gia vào quá trình cạnh tranh không lành mạnh làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác, quyền và lợi ích của người tiêu dùng và ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh dù vô tình hay chủ ý đều có thể bị xử lý theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên, tại sao thời gian qua, hàng chục cơ quan báo chí vẫn đăng tải thông tin sai sự thật còn trên mạng xã hội thì tràn ngập những thông tin đánh bẫy người tiêu dùng? Thậm chí còn có hiện tượng một số hãng sữa Việt Nam bị đối thủ dùng cả truyền thông chính thống, mạng xã hội, KOL hoặc cả những trang mạng không rõ nguồn gốc vùi dập không thương tiếc.

Ở góc độ luật sư, Luật sư Đặng Văn Cường đã chỉ ra nguyên nhân của thực trạng nhức nhối trên- những clip đánh tráo khái niệm được lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội, và hành vi trên đã vi phạm pháp luật, cần được xử lý như nào cho đúng, đủ sức răn đe,

Theo Luật sư Đặng Văn Cường, dưới góc độ pháp lý, những hành vi này là những hành vi vi phạm pháp luật. Chúng ta có Luật Cạnh tranh để đảm bảo cho các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, làm sao cạnh tranh về hàng hóa, về chất lượng, về giá cả, về dịch vụ một cách lành mạnh, tạo ra sự đa dạng trong xã hội, tạo ra cơ hội để cho người tiêu dùng có nhiều cơ hội lựa chọn và những cái doanh nghiệp chân chính sẽ có cơ hội phát triển.

Bên cạnh đó, Luật Cạnh tranh cũng có những quy định, hành vi là cấm cạnh tranh không lành mạnh, đưa ra những thông tin hoặc là những hình thức để dìm hàng đối thủ. Luật Cạnh tranh 2018 đã bổ sung những quy định để xác định những hành vi nào là cạnh tranh không lành mạnh.

Hiện nay, chế tài về cạnh tranh đã có chế tài hành chính và chế tài hình sự, trong Điều 217 của Bộ luật Hình sự, quy định hình phạt vi phạm quy định cạnh tranh lên đến 5 năm tù, với mức phạt tiền có thể lên đến 5 tỷ đồng, hình phạt này áp dụng đối với cả cá nhân và pháp nhân thương mại. Chế tài và pháp luật đều đã có quy định, nhưng hiện tượng vi phạm vẫn còn nhiều nguyên nhân.

Nguyên nhân đầu tiên là ý thức chấp hành pháp luật của một số tổ chức, cá nhân còn kém, hạn chế vì lợi ích cá nhân, ganh ghét đối với các đối thủ lĩnh vực. Chính vì vậy họ đã bất chấp để đưa ra truyền thông bẩn, thông tin bịa đặt, xuyên tạc để hạ gục đối thủ. Đó là hành vi liên quan đến đạo đức kinh doanh và ý thức chấp hành pháp luật.

Vấn đề thứ hai, là sự đa dạng của các hình thức quảng cáo hiện nay. Quảng cáo ở trên các nền tảng mạng xã hội đôi khi mang lại rất nhiều hiệu quả trực tiếp. Những người quản lý các trang mạng đó được tự do đăng tải khi chưa được kiểm duyệt. Khi cơ quan chức năng khi phát hiện, xử lý thì là sự việc đã bị lan truyền rộng rãi.

Vấn đề thứ ba, các cái đối tượng thực hiện hành vi phạm thì ẩn danh, đặt máy chủ ở nước ngoài, xóa các dấu vết khi bị có chức năng phát hiện. Nhiều đối tượng cố ý thực hiện hành vi phạm. Ngoài ra, việc phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng cũng gặp nhiều khó khăn về lực lượng, hay phương tiện kỹ thuật…

Thời gian đây, hành vi vi phạm trên không gian mạng phát triển rất nhanh, có thể kể đến hành vi lừa đảo, những hành vi vi phạm về quảng cáo. Nguyên nhân chủ yếu nhất do sự bùng nổ của công nghệ thông tin dẫn đến việc quản lý còn nhiều khó khăn. Từ những vấn đề này, chúng ta cần có những giải pháp kịp thời để chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên không gian mạng, cũng như là các thông tin liên quan đến việc hành vi cạnh tranh không lành mạnh để xử lý kịp thời.

Ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn “truyền thông bẩn” trên thị trường sữa

Dưới góc độ là một người công tác trong ngành y, Bác sĩ Nguyễn Thị Lâm cho rằng, những quy định truyền thông phải đúng với thực trạng.

Đối với những người giả danh bác sĩ, dược sĩ để quảng cáo sản phẩm không đúng chức năng, sự thật thì phải nghiêm cấm. Vấn đề tư vấn dinh dưỡng hay y khoa, luật pháp Việt Nam không cấm bác sĩ, dược sĩ tư vấn. Song, chúng ta phải phân biệt hành vi tư vấn đúng và tư vấn không đúng sự thật. Những bác sĩ, dược sĩ hoạt động tư vấn tốt, chúng ta không nên cấm.

Ví dụ, khi tư vấn cho người tiêu dùng, các bác sĩ, dược sĩ phải hiểu được bản chất của sản phẩm. Sản phẩm đã được cấp phép ra thị trường hay chưa? Thành phần có đúng chuẩn không? Các nội dung quảng cáo, giới thiệu đã được các cơ quan chức năng xét duyệt hay chưa?…

Viện Dinh dưỡng Quốc gia luôn khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm sữabởi khẩu phẩn ăn để cung cấp canxi luôn thiếu và sữa là nguồn cung cấp canxi rất tốt. Trong 10 lời khuyên truyền thông, các bác sỹ chúng tôi luôn chú trọng tuyên truyền “Nên tăng cường sử dụng sữa và các sản phẩm từ sữa”. Nhưng chúng ta phải truyền thông đúng mức và chính xác. Đặc biệt không được truyền thông sai sự thật- bác sỹ Nguyễn Thị Lâm khẳng định.

Nghị định 15/2018/NĐ-CP năm 2018, Nghị định 100/2014/NĐ-CP năm 2014 về quản lý sữa đến nay vẫn bộc lộ nhiều lỗ hổng quản lý, có đại diện cơ quan quản lý cho biết, không thể xử lý dấu hiệu sai phạm, cạnh tranh thiếu lành mạnh của một số doanh nghiệp sữa nước ngoài.

Theo Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Ngoài những văn bản luật như Luật Cạnh tranh, Luật Bảo vệ người tiêu dùng hay Luật An toàn thực phẩm thì chúng ta thực hiện trực tiếp nhiều văn bản dưới luật, trong đó có nghị định.

Trong lĩnh vực đảm bảo an toàn thực phẩm, đảm bảo dinh dưỡng về sữa cho trẻ em có hai văn bản: Nghị định 100/2014/NĐ-CP năm 2014 của Chính phủ và Nghị định số 15/2018/NĐ-CP năm 2018. Nghị định 100/2014/NĐ-CP ban hành từ năm 2014 đến nay gần 10 năm, trong khi đó có rất nhiều sự thay đổi của xã hội.

Đặc biệt hiện nay, các công ty xuyên quốc gia và những công ty hoạt động trên các nền tảng số đang thực hiện các hoạt động quảng cáo cũng như bán hàng vào Việt Nam. Trong khi đó, đối với những hành vi vi phạm thì phạm vi điều chỉnh của các văn bản này có thể chưa tới hoặc chưa rõ ràng, dẫn đến khi phát hiện những vụ việc cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp xuyên quốc gia thì việc xử lý thì sẽ gặp khó khăn.

Qua theo dõi những vụ việc liên quan đến cạnh tranh cũng như liên quan đến các hoạt động quảng cáo, tôi cho rằng, với Nghị định 100 và Nghị định số 15, chúng ta cần có nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm, tổng kết quá trình thực hiện để từ đó có thể kiến nghị sửa đổi sớm. Bên cạnh đó, đến lúc phải tiếp cận những thông tin, những vướng mắc, bất cập cũng như những mâu thuẫn chồng chéo đối với các văn bản khác để khi sửa đổi nghị định. Chúng ta có những nội dung xác thực để đảm bảo tính khả thi khi đưa vào áp dụng trong thực tế.

Về phía Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, ông Lê Hoài Điệp cho biết, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về cạnh tranh như đã từng phối hợp với Hiệp hội sữa Việt Nam trong thời gian qua, nhằm hướng dẫn các doanh nghiệp sữa các quy định về cạnh tranh không lành mạnh, xây dựng chính sách tuân thủ đáp ứng không chỉ quy định pháp luật về cạnh tranh mà còn đáp ứng các quy định pháp luật khác điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh sữa, từ đó hạn chế hành vi cạnh tranh không lành mạnh nói riêng và hành vi vi phạm quy định pháp luật khác nói chung.

Thứ hai, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ tăng cường công tác rà soát, công tác giám sát hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sữa. Trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm quy đinh pháp luật về cạnh tranh, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ tiến hành xem xét và xử lý theo quy định pháp luật về cạnh tranh.

Ông Lê Hoài Điệp: Thời gian tới Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ tiếp tục công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về cạnh tranh tới các doanh nghiệp sữa. Bên cạnh đó, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước khác trong công tác giám sát, rà soát dấu hiệu vi phạm. Trường hợp phát hiện vi phạm, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước khác để xử lý vi phạm hoặc tự khởi xướng điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.

Dưới góc nhìn của cơ quan quản lý về cạnh tranh, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khuyến nghị đối với doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ngành sữa cần xây dựng chính sách tuân thủ quy định pháp luật đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật về cạnh tranh và quy định pháp luật liên quan khác. Đối với người tiêu dùng, cần cẩn trọng khi tiếp nhận thông tin về sản phẩm; tìm hiểu thông tin về sản phẩm qua các kênh thông tin chính thống.

Nếu phát hiện các dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật của tổ chức, cá nhân, vui lòng phản ánh đến cơ quan quản lý để kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Đối với cơ quan truyền thông, cần kiểm tra, rà soát lại nội dung khi đưa tin về sản phẩm, dịch vụ. Xem xét kỹ xem thông tin về sản phẩm đã được kiểm duyệt, kiểm chứng hay chưa, tránh tiếp tay cho tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm và làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng- đại diện Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp sản xuất sữa Việt Nam đã, đang và liên tục đổi mới để nâng cao chất lượng, độ hiệu quả nhằm đem lại những sản phẩm vàng cho người tiêu dùng. Nhưng nếu không được bảo vệ trước những chiêu trò truyền thông bẩn của một số đơn vị không uy tín, không dám cạnh tranh lành mạnh thì ít nhiều doanh nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng và thị trường cũng sẽ bị nhiễu loạn.

Do vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cần có những quy định nghiêm ngặt và các chế tài xử phạt những đối tượng, phương tiện lan truyền những thông tin sai sự thật, quản lý và kiểm soát chặt nội dung truyền thông. Chỉ có như vậy thì ngành sữa Việt Nam mới được nâng tầm và phát triển mạnh mẽ. Người tiêu dùng cũng có những hiểu biết đúng và lựa chọn được những sản phẩm phù hợp và chất lượng.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang