Giảm cân mang thương hiệu Cường Anh: ‘Ve sầu thoát xác’?
Như phân tích ở bài viết trước, sản phẩm TPBVSK Slim Be (Trà giảm cân Slim Be, Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển BECORP, Địa chỉ: Liền kề 223, HTT3, La Casta Khu đô thị Văn Phú, Phường Phúc La, Quận Hà Đông, Hà Nội) được phát hiện có chất Sibutramine - dược chất bị Bộ Y tế chỉ định ngừng lưu hành và ngừng nhập khẩu vào Việt Nam, đặc biệt không được đưa vào sản xuất TPBVSK. Theo đó, kết quả kiểm nghiệm sản phẩm mang tên Slim Be, ngày sản xuất 28/12/2021, hạn sử dụng 27/02/2022, xác định chứa hợp chất nêu trên với hàm lượng 192,89mg/100g.
Tìm hiểu của PV, việc sản phẩm mang nhãn hiệu trà Slim Be (tiền thân là trà giảm cân Cường Anh) phát hiện có chất Sibutramine dường như là “dớp” và đều liên quan đến vai trò của vợ chồng Nguyễn Thị Nhật Anh - Vũ Đức Cường là Ceo phát triển thương hiệu “trà giảm cân Cường Anh”. Như vậy, độ tin cậy của thương hiệu “trà giảm cân Cường Anh” sẽ được đánh giá như thế nào?
Thứ nhất: “Giảm cân an toàn Cường Anh” tạo “cơn sốt” trên thị trường nhưng thiếu một địa chỉ tin cậy. Trụ sở công ty trước kia ở tầng 4, địa chỉ 696, Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội, vốn là một cửa hàng buôn bán vật tư máy công cụ được Cường Anh treo 1 biển hiệu nhạt nhòa.
Công ty Cường Anh còn lập lờ về hình thức khi “trà không phải là trà” bởi các dòng thương hiệu trà giảm cân Cường Anh đều dạng viên nang.
Đặc biệt hơn, từ sản phẩm ban đầu lấy thương hiệu là “Trà giảm cân an toàn cho mọi lứa tuổi Cường Anh” do Công ty TNHH SXTM & DV Cường Anh Authentic chịu trách nhiệm, quá trình lưu hành từng gây xôn xao do phát hiện có nhiều hàm lượng chất Sibutramine khi dư luận lên tiếng, đại diện Cường Anh đã lên tiếng chối bỏ sản phẩm “Giảm cân an toàn” không phải là “con đẻ” do công ty sản xuất. Đồng thời, Cty Cường Anh đã thay đổi nhãn mác từ “Trà giảm cân an toàn” sang “Trà slim Cường Anh” và từ trà “Tăng cân an toàn” sang “Trà thảo mộc Cường”, ngày 10/05/2018.
Với những sản phẩm “ảo” và thiếu tính trung thực về hình như vậy, lòng tin của khách hàng có đặt đúng chỗ?
Thứ hai: Ngày 04/9/2018, Cục trưởng Cục ATTP đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 71/QĐ-XPVPHC với Cty Cường Anh, trong đó có việc buôn bán lô sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe “Trà Slim Cường Anh” thuộc diện phải thực hiện công bố hợp quy, công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm mà không có giấy tiếp nhận công bố hợp quy, giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm.
Vậy mà thời điểm đó Cty Cường Anh đăng tải rất nhiều thông tin quảng cáo “đã được Cục ATTP cấp giấy phép công bố” là thiếu căn cứ và lừa dối khách hàng.
Thứ ba: Cty Cường Anh đều tự công bố 2 sản phẩm ”Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Trà thảo mộc Cường Anh” (giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 2422/2018/ĐKSP) và “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Trà Slim Cường Anh” (giấy tiếp nhận 2421/2018/ĐKSP), cùng ký ngày 10/5/2018. Tuy nhiên, cần nói rõ, 2 dòng sản phẩm trên không hề có chữ “tăng” hay “giảm cân” và ngay cả sản phẩm mới nhất thế hệ thứ 3 ra mắt năm 2021 là trà giảm cân Slim Be trong bản công bố cũng không hề đề cập đến việc giảm cân nhanh cho người dùng.
Mặt khác, sản phẩm do doanh nghiệp tự công bố và “phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính phù hợp của sản phẩm”. Rất có thể, lợi dụng sự thiếu hiểu biết, Cường Anh đã quảng cáo nhằm lừa dối khách hàng như vậy suốt thời gian dài, điều này là không đúng với quy định của pháp luật.
“Mèo vẫn hoàn mèo”?
Dù liên tục “thoát xác” sang sản phẩm mới nhưng sản phẩm mang thương hiệu trà giảm cân Cường Anh tiếp tục dính rất nhiều “phốt” như vi phạm luật quảng cáo, chứa chất Sibutramine. Gần đây nhất, năm 2020, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế thêm một lần “điểm danh” thương hiệu “trà giảm cân Cường Anh”, cảnh báo về sự thiếu tin cậy tại một số địa chỉ kinh doanh những sản phẩm này trên thị trường.
Như đã phân tích, trước nhiều tai tiếng, năm 2021 “trà giảm cân Cường Anh” lại thay đổi nhãn hiệu từ “Trà Slim Cường Anh” thành “Trà giảm cân Slim Be”, mặc dù đã thay đổi tên công ty, nhưng đại pháp luật vẫn là Nguyễn Thị Nhật Anh và thực chất vẫn do vợ chồng Ceo Nhật Anh - Đức Cường điều hành. Như vậy, vòng đời “thoát xác” của Cường Anh có thể tóm lược theo công thức như sau: “Giảm cân an toàn cho mọi lứa tuổi Cường Anh” - “Trà giảm cân Slim Cường Anh” -“Trà giảm cân Slim Be” và cùng có chung “mẫu số” là nghi vấn chứa chất cấm.
Bản chất của “giảm cân Cường Anh” như thế nào?
Đó sẽ là thắc mắc của rất nhiều khách hàng sau hàng loạt nghi vấn về việc thay đổi nhãn mác, nghi sử dụng chất Sibutramine trong các sản phẩm mang thương hiệu “trà giảm cân Cường Anh”. Những lời giải thích vòng vo, chối bỏ trách nhiệm và mơ hồ… thay đổi nhãn mác, pháp nhân công ty là những gì Cường Anh có thể làm được. Câu hỏi đặt ra là những vị thảo dược như chè vằng, nấm linh chi, lá sen, tinh bưởi… có nguồn gốc 100% từ thiên nhiên, được quảng cáo “cất cánh” có thực sự tốt cho việc giảm cân, ngay cả phụ nữ sau sinh, nguời mập toàn thân,… mà không cần chế độ ăn, tập thể dục thể thao là thật hay chỉ được “tô vẽ” để che giấu việc sử dụng chất cấm trong kinh doanh?
Liên quan đến vấn đề này, PV đã trao đổi với các chuyên gia dinh dưỡng, thầy thuốc đông y, tất cả đều khẳng định, giảm cân là giảm lượng mỡ dư thừa trong cơ thể bằng chế độ ăn hạn chế tinh bột và chất béo, thực hiện một cách từ từ, bài bản trong nhiều tháng thậm chí hàng năm mới thành công được.
Vậy, những vị thảo dược dân gian mà Công ty Cường Anh, giờ là Công ty BECORP quảng cáo thực sự hiệu quả đến đâu sẽ được chúng tôi tiếp tục chuyển tải tới bạn đọc.
Nhóm PVĐT