Giảm nhẹ rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng- hiệu quả ở một huyện vùng cao

author 21:52 03/03/2024

(VietQ.vn) - Chương trình Giảm nhẹ rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đã hỗ trợ, lan tỏa tới hơn 40.000 lượt người, trong đó có 11.152 trẻ em từ 6 đến 14 tuổi chủ động phòng và chống thiên tai. Nhờ vậy, trong những năm qua, huyện Quản Bạ (tỉnh Hà Giang) mặc dù là địa phương chịu rất nhiều loại hình thiên tai, nhưng không để xảy ra thiệt hại về người và gia súc.

Ngày 2/3/2024, tại huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, Văn phòng Đối tác Giảm nhẹ rủi ro thiên tai (Đối tác GNRRTT) phối hợp với Văn phòng Đại diện ActionAid Quốc tế tại Việt Nam và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) tổ chức Hội nghị Xây dựng kế hoạch giai đoạn 2025-2030 của Đối tác GNRRTT.

Chương trình có sự tham dự của lãnh đạo Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), bà Pauline Fatima Tamesis Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, đại diện quỹ AFV và đại diện lãnh đạo địa phương cùng đông đảo người dân xã Tùng Vài, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang.

Bà Pauline Tamesis- Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Quản Bạ là một huyện biên giới nằm ở khu vực phía Bắc tỉnh Hà Giang. Huyện có 12 xã và 1 thị trấn, 107 thôn bản, 5 xã biên giới với 21 thôn giáp biên; có 9 xã đặc biệt khó khăn. Diện tích 54,32Km2, dân số trên 57.000 người, có 18 dân tộc, trong đó dân tộc Mông chiếm 60%, tỷ lệ đói nghèo năm 2023 là 52,73%.

Năm 2002, Chương trình hỗ trợ phát triển huyện Vị Xuyên đã mở đầu cho quan hệ hợp tác giữa ActionAid quốc tế và tỉnh Hà Giang.

Từ năm 2006, Chương trình Hỗ trợ Phát triển huyện Quản Bạ chính thức được ký kết và đi vào thực hiện tại 5 xã Quản Bạ, Đông Hà, Cán Tỷ, Tùng Vài, Thái An và 01 Thị trấn Tam Sơn.

Chương trình hợp tác giữa ActionAid và huyện Quản Bạ tập trung vào các lĩnh vực: Nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em và người mù chữ; Sinh kế thay thế và nông nghiệp bền vững; Ứng phó với tác động của thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu

Phát biểu tại hội nghị, ông Đỗ Quang Dũng- Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ cho biết, với sự hợp tác chặt chẽ của tổ chức ActionAid Việt Nam, Quỹ hỗ trợ chương trình, dự án An sinh- Xã hội Việt Nam và đặc biệt là cộng đồng người dân… nên hoạt động dự án được triển khai thuận lợi và đạt kết quả cao.

Trong đó, công tác lập kế hoạch Phòng chống thiên tai dựa vào cộng đồng là chương trình được địa phương ưu tiên thực hiện: diễn tập phòng chống thiên tai trong cộng đồng và trường học, truyền thông ngoài cộng đồng về phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu cho học sinh các trường trung học, trung học cơ sở, giúp nâng cao tính chủ động của cộng đồng trong phòng chống thiên tai.

Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ Đỗ Quang Dũng: Huyện đã phối hợp chặt chẽ với Tổ chức ActionAid tại Việt Nam và sự chỉ đạo của cơ quan chuyên môn trong chủ động phòng chống thiên tai.

Dù ngân sách chương trình ActionAid cho Quản Bạ còn khá khiêm tốn (31,789 tỷ đồng trong thời gian từ năm 2007 đến nay), song theo thống kê từ năm 2016 đến 2023, chương trình đã hỗ trợ, lan tỏa tới hơn 40.000 lượt người, trong đó có 11.152 trẻ em từ 6 đến 14 tuổi chủ động phòng và chống thiên tai tại cộng đồng.

Đến nay, 100% cấp xã đã hoàn thiện ban chỉ đạo ứng phó thiên tai, thành lập đội xung kích với phương châm 4 tại chỗ với lực lượng nòng cốt là thanh niên và dân quân. Đã xây dựng kế hoạch bài bản từ huyện đến cơ sở về công tác ứng phó phòng chống tiên tai, thường xuyên cập nhật tình hình dự báo thời tiết, mưa đá, lốc sét, lũ quét… để bà con chủ động có biện pháp phòng tránh bảo vệ nhà cửa và đàn gia súc; đồng thời chỉ đạo các giải pháp thực hiện kịp thời. Nhờ đó, trong những năm qua, tại huyện Quản Bạ, mặc dù là địa phương chịu rất nhiều loại hình thiên tai, nhưng không để xảy ra thiệt hại về người và gia súc- ông Đỗ Quang Dũng cho hay.

Đoàn Thanh niên xã Tùng Vài giới thiệu về Công trình hệ thống đèn chiếu sáng năng lượng mặt trời thiết thực và an toàn cho bà con thôn Suối Vui (Tùng Vài, Quản Bạ, Hà Giang) mỗi khi thiên tai xảy ra.

“Trong giai đoạn tiếp theo, huyện Quản Bạ mong muốn tiếp tục nhận được hỗ trợ về thúc đẩy chuyển đổi số ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp số, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Hình thành các mô hình kinh tế khởi nghiệp liên kết, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm khởi nghiệp. Đào tạo nghề cho thanh niên...

Đặc biệt là trang bị kiến thức cho người dân, nhất là đối tượng thanh niên đầy đủ nhất về thích ứng với biến đổi khí hậu, về các giải pháp năng lượng tái tạo, giảm phát thải, về các công nghệ mới tiết kiệm năng lượng; thay đổi thói quen, lối sống theo hướng tiết kiệm năng lượng bất kể khi nào có thể”- Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ nhấn mạnh.

Bà Hoàng Phương Thảo- Trưởng Đại diện Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam cũng nhấn mạnh: Chương trình triển khai ở Việt Nam hơn 30 năm, ActionAid luôn bám sát cộng đồng, tất cả các hoạt động của ActionAid đều xuất phát từ nhu cầu cộng đồng người dân tại địa phương nên đều đạt hiệu quả rất cao.

Điển hình như, ActionAid đã hỗ trợ địa phương xây dựng cây cầu ở thôn Bản Thăng, xã Tùng Vài, có ý nghĩa dân sinh rất lớn. Nhờ đó, trên 7.000 người trong xã ko bị chia cắt trong thời gian mưa lũ. Cây cầu đã giúp cho gần 130 trẻ em của hơn 50 hộ dân thôn Bản Thăng được đến trường đi học trong thời gian mưa lũ, giúp người dân giao thương đi lại an toàn trong mùa mưa. Trước đó, người dân nơi đây đi lại qua hai thanh sắt rỉ sét bắc qua con suối, khi nước lũ lên cực kỳ nguy hiểm.

Cây cầu chống lũ ở thôn Bản Thăng, xã Tùng Vài, huyện Quản Bạ giúp bà con đi lại dễ dàng, đặc biệt trong mùa mưa lũ

Hoặc Dự án đèn năng lượng mặt trời được tài trợ bởi ActionAid rất thiết thực và an toàn cho bà con thôn Suối Vui (Tùng Vài, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) mỗi khi thiên tai xảy ra- - bà Hoàng Phương Thảo chia sẻ.

Hội nghị cũng đã nghe nhiều ý kiến của các đại biểu về vai trò của phụ nữ trong phòng chống thiên tai, hay cần phải cụ thể hóa nguồn kinh phí để thực hiện kế hoạch phòng chống thiên tai một cách hiệu quả nhất.

Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai được thành lập theo quyết định số 3922/QĐ-BNN-TCCB ngày 11/10/2019 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT có thành viên gồm hơn 20 tổ chức quốc tế và 4 cơ quan Bộ (Nông nghiệp, Quốc phòng, Ngoại giao, Truyền thông). Thành viên của Đối tác GNRRTT là các cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng, thực hiện và giám sảt các chính sách cấp quốc gia và toàn cầu về phòng, chống thiên tai, bao gồm các tổ chức Liên Chính phủ, Chính phủ và Phi Chính phủ quốc tế, các định chế tài chính.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang