Giật mình với 50% mẫu thử nghiệm dầu nhờn không đạt tiêu chuẩn
Sự kiện: Cảnh báo dầu nhớt kém chất lượng
Dùng dầu nhờn kém chất lượng: ‘Quả bom nổ chậm’ cho ô tô, xe máy (Kỳ 4)
Vô tình 'giết chết' động cơ chỉ vì dùng sai loại dầu nhờn cho phương tiện
Chất lượng dầu nhờn đang thu hút sự quan tâm của nhiều người tiêu dùng
Thời gian gần đây Chất lượng Việt Nam nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về một số loại dầu nhờn trên thị trường có dấu hiệu kém chất lượng khi sử dụng cho động cơ.
Nhằm làm rõ phản ánh của độc giả, Chất lượng Việt Nam đã tiến hành khảo sát chất lượng dầu nhờn động cơ lưu thông trên địa bàn TP.Hà Nội và lấy ngẫu nhiên 6 mẫu dầu nhờn tại một số cửa hàng kinh doanh, gara sửa chỗ mô tô xe máy gửi Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1 (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) kiểm nghiệm.
Kết quả ban đầu ghi nhận được khiến nhiều người phải giật mình lo ngại. Trong tổng số 6 mẫu thử nghiệm, bao gồm mẫu sản phẩm của cả những doanh nghiệp có thương hiệu và những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ cho thấy, có tới 03/6 mẫu, chiếm tới 50% có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng.
Các mẫu dầu nhờn không đạt chủ yếu về độ nhớt động học, trị số kiềm tổng, tổng kim loại (Ca, Mg, Zn), chỉ số độ nhớt...không phù hợp với tiêu chuẩn công bố.
Không chỉ có sai phạm về chất lượng, hầu hết trong các mẫu được đem đi kiểm nnghiệm đều có sai phạm về cách ghi nhãn hàng hóa: không ghi định lượng, thành phần, không ghi thông tin cảnh báo, hướng dẫn sử dụng, thậm chí lập lờ cả tên gọi gây khó khăn cho sự nhận biết của người tiêu dùng.
Trao đổi với Chất lượng Việt Nam, Cục trưởng, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, ông Trần Quốc Tuấn cho biết, hiện Việt Nam đã có 8 tiêu chuẩn yêu cầu về kỹ thuật và phân loại về chất bôi trơn (dầu nhờn). Các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu dầu nhờn phải áp dụng các tiêu chuẩn phù hợp trong sản xuất, công bố trước khi đưa hàng hóa đưa ra thị trường lưu thông.
Cũng theo ông Tuấn, hiện cũng chưa có thống kê chính xác hiện nay có bao nhiêu cơ sở sản xuất, bao nhiêu chủng loại, thương hiệu dầu nhờn đang lưu thông thông trên thị trường.
Đề cập về kết quả kiểm nghiệm một số mẫu dầu nhờn công bố một đằng thực hiện một nẻo trên thị trường Hà Nội, ông Tuấn cho hay, việc thực hiện công bố chất lượng và chất lượng thật của sản phẩm qua kết quả kiểm nghiệm cho thấy đã có sự chênh lệch. “Điều này thể hiện sự thiếu nghiêm túc, không trung thực của doanh nghiệp”, ông Tuấn cho biết.
Cũng theo tìm hiểu của PV, không chỉ gian lận về chất lượng, có một số doanh nghiệp sản xuất dầu nhớt đang nhập nhèm ngay cả với chính sản phẩm của mình. Với thông tin ít ỏi ghi trên nhãn một chai nhớt, PV Chất lượng Việt Nam tìm đến địa chỉ sản xuất. Nhưng tới nơi đó lại là một ngôi nhà đóng cửa im ỉm, không phải là cơ sở sản xuất kinh doanh.
Còn theo một chủ cơ sở sản xuất dầu nhớt phế thải tại An Phú, Hoài Đức, Hà Nội thì việc nấu lại dầu phế thải sau đó pha trộn phụ gia và công bố chất lượng tất cả đều do cơ sở tự làm và không có bất kỳ một cơ quan chức năng nào giám sát.
Trao đổi với PV, đại diện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho hay cũng chỉ nhận được thông tin, chưa phát hiện và xử phạt các loại mặt hàng này bao giờ. “Xưa nay mới chỉ chú ý đến chất lượng xăng, dầu nhớt thì chưa’, đại diện này cho biết.
Rõ ràng việc lập lờ tên gọi, không rõ ràng địa chỉ sản xuất, ghi bằng tiếng nước ngoài là đã sai phạm về nhãn mác, chưa nói đến độ tin cậy của các thông số. Việc sản xuất dầu nhớt không đúng với chất lượng công bố đang đặt ra câu hỏi, liệu mặt hàng này còn được thả nổi đến bao giờ và việc sản xuất các sản phẩm kém chất lượng có được ngăn chặn hay không, câu trả lời xin dành cho các cơ quan quản lý thị trường các cấp.
Nghị định 80/2013/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TCĐLCL sản phẩm, hàng hóa như sau: Điều 17. Vi phạm quy định về công bố tiêu chuẩn áp dụng |
Thanh Uyên