Giấy chứng nhận thực hành tốt 5S của 'Văn phòng chứng nhận phù hợp GIC' không có giá trị pháp lý
Giấy chứng nhận không có giá trị pháp lý
Liên quan tới bài viết Cần làm rõ giấy chứng nhận thực hành tốt 5S của 'Văn phòng chứng nhận phù hợp GIC' được Chất lượng Việt Nam đăng tải cách đây ít ngày, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã ngay lập tức vào cuộc xác minh thông tin.
Trao đổi với phóng viên, đại diện Vụ Đánh giá Hợp chuẩn Hợp quy (Tổng cục TCĐLCL) cho biết, khoản 3, 6 Điều 16 Luật Doanh nghiệp quy định các hành vi nghiêm cấm:
3). Hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký hoặc tiếp tục kinh doanh khi đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp đang bị tạm dừng hoạt động kinh doanh.
6). Kinh doanh các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; kinh doanh ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài; kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi chưa đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật hoặc không bảo đảm duy trì đủ điều kiện đầu tư kinh doanh trong quá trình hoạt động".
Hoạt động chứng nhận là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Phụ lục IV Luật Đầu tư. Điều kiện của tổ chức chứng nhận được quy định cụ thể tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 154/2018/NĐ-CP ngày 09/11/2018 của Chính phủ.
Theo đó, các tổ chức chứng nhận cung cấp dịch vụ chứng nhận tại Việt Nam phải đáp ứng quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP, Nghị định số 154/2018/NĐ-CP và được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký lĩnh vực hoạt động. Hiện nay, trong danh sách tổ chức chứng nhận đăng ký và được Tổng cục cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tại Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng không có tổ chức có tên là “Văn phòng Chứng nhận phù hợp GIC”.
Đại diện Vụ này cho hay, theo tra cứu từ Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (dangkykinhdoanh.gov.vn), Văn phòng này cũng chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Do đó, hoạt động của Văn phòng Chứng nhận phù hợp GIC không phù hợp quy định pháp luật của Việt Nam. Giấy chứng nhận do Văn phòng này cấp không có hiệu lực và giá trị tại Việt Nam.
"Qua đây, chúng tôi khuyến cáo đến người tiêu dùng, doanh nghiệp cần thận trọng trong lựa chọn các tổ chức đánh giá sự phù hợp đáp ứng điều kiện và được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, tránh rơi vào tình trạng "tiền mất tật mang", đại diện Vụ này nói thêm.
Giấy chứng nhận thực hành tốt 5S này không có giá trị pháp lý.
Theo thông tin chúng tôi tìm hiểu được, đơn vị trung gian, xúc tiến việc cấp giấy chứng nhận thực hành tốt 5S trên là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Việt Hachi. Công ty này đã ký hợp đồng về hoạt động tư vấn, đánh giá nội bộ, đánh giá duy trì chứng nhận Hệ thống thực hành tốt 5S.
Trước thông tin này, dư luận không khỏi thắc mắc về việc tại sao Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Việt Hachi lại liên kết với một tổ chức chưa được cấp phép để cấp chứng nhận thực hành tốt 5S? Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Việt Hachi có biết "Văn phòng chứng nhận phù hợp GIC" là tổ chức chưa được cấp phép thực hiện hoạt động chứng nhận theo quy định pháp luật? Giữa Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Việt Hachi và tổ chức có tên "Văn phòng chứng nhận phù hợp GIC" có mối liên hệ ra sao?
Trong một diễn biến mới nhất, thông tin về giấy chứng nhận thực hành tốt 5S nêu trên đã được gỡ bỏ trên website của Công ty TNHH Hương Việt Sinh.
Cấp "chứng nhận 5S" là sai quy định
Khoản 2 Điều 44 Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật quy định: “Tiêu chuẩn dùng để chứng nhận hợp chuẩn là tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực hoặc tiêu chuẩn nước ngoài đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều 42 của Luật này".
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực chứng nhận, trên thực tế, 5S là tên gọi của một phương pháp để quản lý, sắp xếp môi trường làm việc, không phải tiêu chuẩn. 5S được viết tắt từ 5 từ của tiếng Nhật là Seiri (Sàng lọc), Seiton (Sắp xếp), Seiso (Sạch sẽ), Seiketsu (Săn sóc) và Shitsuke (Sẵn sàng). Do đó, việc cấp Giấy chứng nhận 5S không phù hợp quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.
Thông thường, một số đơn vị chỉ cấp giấy xác nhận (confirmation) hoặc giấy xác minh (verification) cho doanh nghiệp, tổ chức đạt yêu cầu áp dụng theo nguyên tắc 5S (không được phép gọi là tiêu chuẩn 5S).
Trước đó, Chất lượng Việt Nam đã thông tin giấy chứng nhận thực hành tốt 5S nêu trên do Văn phòng Chứng nhận phù hợp GIC cấp. Người ký tên cấp giấy chứng nhận là Nguyễn Xuân Diệu Thu. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, hiện không có tổ chức chứng nhận nào có tên là "Văn phòng Chứng nhận phù hợp GIC". Kể cả khi tìm kiếm trên công cụ Google cũng không thấy kết quả về tổ chức này. Để có thông tin chắc chắn hơn, phóng viên đã tra cứu trong Danh sách các tổ chức chứng nhận đăng ký hoạt động theo Nghị định 107/2016/NĐ-CP, kết quả là Văn Phòng Chứng nhận phù hợp GIC không có tên trong danh sách này. Đặc biệt, nếu xem xét kỹ hơn có thể thấy, con dấu thể hiện trong giấy chứng nhận thực hành tốt 5S này cũng "không bình thường". Cụ thể, con dấu chỉ ghi tên "Văn phòng chứng nhận phù hợp GIC", không có thông tin nào khác về tổ chức chứng nhận mang tên Văn phòng chứng nhận phù hợp GIC. |
Phong Lâm