Giới trẻ Việt Nam thiếu tờ báo tử tế về khoa học

author 13:44 28/09/2013

(VietQ.vn) – Giới trẻ Việt Nam ngày nay rất ham thích khoa học, chứ không chỉ đọc “cướp – giết- hiếp”. Nên rất cần một tờ báo tử tế viết về khoa học cho giới trẻ.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Báo khoa học sẽ bổ sung “lỗ hổng” sách giáo khoa

Sách giáo khoa ở nhà trường không thể đổi mới hàng năm, và do đó không có đủ khả năng cung cấp cho thế hệ trẻ kỹ năng sống cần thiết. Các loại báo chí mang mục tiêu phổ biến khoa học, với tính cập nhật của chúng, chính là giải pháp bù đắp cho sự thiết hụt đó.

Chúng không những cung cấp kiến thức cho người đọc, mà còn hun đúc niềm say mê khoa học, sáng tạo, là những phẩm chất không thể thiếu của con người mới.

Giới trẻ Việt Nam thiếu báo về khoa học

Tạp chí khoa học nổi tiếng Scientific American của Mỹ.


Với hình thức nhẹ nhàng, hấp dẫn, các loại báo chí như vậy dễ dàng đưa kiến thức đến người trẻ, góp phần đảm bảo giảm tải chương trình chính khóa mà vẫn nâng cao chất lượng giáo dục.

Ở Mỹ, có tờ Scientific American ra mắt năm 1845, cho đến nay, là tờ nguyệt san liên tục lâu đời nhất ở Mỹ. Nhiều nhà khoa học, kể cả Albert Einstein đã từng viết cho tạp chí này, với mục tiêu giới thiệu cho đại chúng hiểu những phát minh mới về khoa học. Hiện, tờ này phát hành khoảng 500.000 bản mỗi tháng, được in bằng 18 thứ tiếng.

Bên cạnh Scientific American còn có Popular Science Monthly xuất bản từ 1872, hiện nay được dịch hơn 30 thứ tiếng, có mặt 45 quốc gia.

Liên Xô trước đây có rất nhiều tạp chí dành cho đại chúng, nổi tiếng nhất là Khoa học và Đời sống, mà vào những năm 80 của thế kỷ trước, phát hành lên đến 3.400.000 bản/tháng; tờ Tri thức – Sức mạnh phát hành 700.000 bản/tháng. Tác giả của những tạp chí này thường là những nhà khoa học rất nổi tiếng, như nhà vật lý Kapitsa, nhà toán học Smirnov, các giáo sư ĐH Lomonosov.

Ngoài những tạp chí dành cho đại chúng, người ta còn chú ý đến những tạp chí đặc biệt hướng tới giới trẻ. Ví dụ, nước Pháp, bên cạnh tạp chí Science et Vie dành cho mọi lứa tuổi, họ còn xuất bản Science et Vie De’couvertes cho tuổi 8-12, Science et Viet Junior cho tuổi 12-18; hơn nữa còn có những tạp chí dành cho những người quan tâm đặc biệt đến một lĩnh vực nào đó, chẳng hạn Les cahier de Science et Vie , 18 an et Passione’s d’Historie dành cho những người ham thích lịch sử.

Giới trẻ Việt còn thiếu thốn báo về khoa học

Nhìn vào danh sách các tờ báo, tạp chí hiện nay, còn một khoảng trống lớn: rất thiếu những tờ báo, tạp chí khoa học có mục tiêu giới thiệu cho một số độc giả không có trình độ khoa học chuyên sâu, có thể hiểu được những nội dung, tư tưởng chính của các thành tựu khoa học, công nghệ mới. Sự trống vắng này là một thiệt thòi lớn cho cộng đồng, nhất là các bạn trẻ: không có một nơi để “khơi nguồn” lòng say mê khoa học, ước mơ tìm tòi khám phá, nên dễ lãng phí thời gian vào những chuyện “cướp-giết-hiếp” đầy rẫy trên nhiều mặt báo.

Thực ra, nước ta hiện nay cũng có một số tạp chí mang tính chất phổ biến khoa học. Một số báo điện tử cũng có mục Khoa học. Nhưng có thực trạng là thông tin trên đó nhiều khi chưa chính xác, không qua thẩm định nghiêm túc nên gây hiểu nhầm.

Một số tạp chí khá nghiêm túc, dù chất lượng chưa cao, đã được xã hội đón nhận. Ví dụ Tạp chí Toán học và Tuổi trẻ (phát hành 20.000 bản/số), Toán Tuổi thơ (phát hành 100.000 bản/số). Điều đó khẳng định nhu cầu thực sự của xã hội đối với báo chí khoa học, đặc biệt là các loại dành cho thế hệ trẻ.

Tình hình cho thấy, cần phải xây dựng một (hoặc một số) báo khoa học nhẹ nhàng nhưng nghiêm túc dành cho đại chúng, đặc biệt là hướng đến giới trẻ. Cần nói ngay là, giới trẻ VIệt không phải không yêu thích KHCN. Bằng chúng là những cuộc thi như “Sáng tạo Robocon” là sự kiện được quan tâm cao.

Như vậy, yêu cầu đầu tiên của tạp chí là nguồn bạn đọc không phải là vấn đề đáng lo ngại. Vấn đề còn lại là làm thế nào để nội dung tờ báo có thể thực sự lôi cuốn họ…

Thiếu phóng viên viết chuyên sâu về KHCN

Trao đổi với Chất lượng Việt Nam bên lề Tuần lễ Truyền thông KHCN, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, đồng chí Nguyễn Đức Lợi cho rằng, nhiều phóng viên đưa tin về sự kiện, hội họp...rất nhanh, nhưng rất thiếu phóng viên viết chuyên sâu, chính xác về các thuật ngữ của khoa học.

Còn PGS.TS. Phạm Huy Kỳ, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền phân tích, để có được các nhà báo viết về khoa học tốt, chỉ có thể lấy từ những người học khoa học - kỹ thuật, sau đó đào tạo một khóa học về báo chí. Tuy nhiên, vài năm nay, lượng người như vậy đăng ký học văn bằng 2 ở trường này cũng hạn chế. Ngay cả lượng thí sinh thi khối A, đăng ký thi vào Học viện Báo chí cũng không nhiều....


GS.TSKH Hà Huy Khoái

(Nguyên Viện trưởng viện Toán học)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang