Giun sán trong nước sinh hoạt KĐT Pháp Vân - Tứ Hiệp: Lộ kết quả kiểm định nước chứa vi khuẩn vượt chục lần quy chuẩn

author 06:57 03/10/2021

(VietQ.vn) - Những ngày vừa qua, phản ánh tới Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn), người dân tại Khu đô thị (KĐT) Pháp Vân - Tứ Hiệp (thuộc quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội) bày tỏ sự lo lắng, bất an về tình trạng nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm bẩn, nhiều giun sán bơi trong nước.

Rùng mình nước bẩn

Nguồn nước được xem là “mạch sống” của con người. Nhưng gần đây không hiếm các vụ việc liên quan đến tình trạng nước sinh hoạt nhiễm bẩn khiến người dân sống trong bất an, lo lắng. Đặc biệt, vừa qua, tòa soạn Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) liên tục nhận được phản ánh của người dân sống tại KĐT Pháp Vân – Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai) về tình trạng nước sinh hoạt nhiễm bẩn, giun sán bơi trong nước.

Nước sinh hoạt của cư dân KĐT Pháp Vân - Tứ Hiệp nhiễm giun sán. (Ảnh: Người dân cung cấp). 

Theo chị Lê Thị H. (trú tại tòa nhà NƠ 21, Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp), nguồn nước máy của gia đình chị chuyển màu đục, lắng cặn và xuất hiện nhiều giun sán từ đầu tháng 9/2021. "Nước bẩn nên chúng tôi không sử dụng trong ăn uống. Chỉ dám xả nước ra xô cho cặn bẩn đọng lại bên dưới rồi dùng nước này để tắm rửa. Riêng nước nấu ăn, chúng tôi phải mua nước bình để dùng", chị H. cho biết.

Một số người dân tại chung cư NƠ3 cho biết thêm, khi phát hiện nhiều giun sán trong nước, họ đã phản ánh với ban quản lý tòa nhà để xử lý. Cũng theo người dân, việc nước vẩn đục, giun sán không phải mới mà xảy ra khá thường xuyên tại KĐT này. Cụ thể, chia sẻ với phóng viên, anh H. – một cư dân tại đây cho biết: “Không chỉ năm 2021, mà vào năm 2016 tại KĐT này đã xảy ra tình trạng tương tự, nước nhiễm bẩn, giun sán. Nhưng vì ngày ấy mạng xã hội chưa phát triển, người dân cũng chỉ biết im lặng chứ không biết làm thế nào cả”.

Cũng theo thông tin anh H. cung cấp, kết quả kiểm định mẫu nước tại 2 căn chung cư tại KĐT này vào năm 2019 cho thấy, hàm lượng vi khuẩn coliform có trong nước cao gấp nhiều lần so với quy chuẩn cho phép về nước sinh hoạt (QCVN 01-1:2018/BYT). Được biết, vi khuẩn Coliform là loại vi khuẩn có thể sinh sống trong nhiều môi trường khác nhau như đất, nước và cả hệ tiêu hóa của con người. Đây chính là thủ phạm gây nhiều bệnh nguy hiểm trên hệ tiêu hóa như tiêu chảy, mất nước dẫn tới suy thận, thậm chí là tử vong.

Kết quả kiểm định nước tại KĐT Pháp Vân – Tứ Hiệp năm 2019 cho thấy hàm lượng vi khuẩn coliform vượt đến hơn chục lần quy chuẩn cho phép. (Ảnh: Người dân cung cấp).

Người dân chưa yên tâm dùng nước

Để rộng đường dư luận, phóng viên Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đã có cuộc trao đổi với ông Lương Hữu Công, Giám đốc Xí nghiệp 1, Công ty TNHH MTV Dịch vụ nhà ở và Khu đô thị (HUDS) - đơn vị cung cấp nước sạch cho Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp.

Ông Lương Hữu Công xác nhận có tình trạng nước sinh hoạt tại Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp bị vẩn đục, lắng cặn và lọt một số loại côn trùng trong nước. “Sau khi tiếp nhận phản ánh của một số Ban quản trị (thuộc Khu đô thị mới), xí nghiệp 1 đã cử cán bộ xuống địa bàn và phối hợp cùng các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương tiến hành xử lý sự cố. Tại các chung cư có hiện tượng nước sinh hoạt “có vấn đề” như cư dân phản ánh”, ông Công nói.

Ông Công cũng cho hay, hôm 15/9, phát hiện sự cố ở tòa nhà NƠ 7 cũng đã được xử lý xong. Hôm 20/9, Xí nghiệp 1 mời chính quyền phường và đại diện Ban quản trị các tòa nhà cùng lấy mẫu nước tại nơi sản xuất và đường ống dẫn nước đến các tòa chung cư và mẫu bất kỳ ở các căn hộ để kiểm tra, đánh giá nguyên nhân ở đâu.

“Nguồn nước tại trạm sản xuất của Xí nghiệp 1 được lấy ở tầm sâu từ 180-200 m nên chất lượng rất tốt. Sau khi khai thác lên, đơn vị đều có kiểm tra, đánh giá, giám sát theo đúng Thông tư 41 của Bộ Y tế. Tối hôm 20/9, chúng tôi nhận được kết quả kiểm nghiệm của CDC Hà Nội với 3 mẫu tại trạm nước và hai tòa nhà NƠ3, NƠ7. Kết quả cho thấy, tất cả chỉ số về vi sinh, hóa lý đều đảm bảo tiêu chuẩn”.

Tuy nhiên, để kết luận nguyên nhân chính xác ngay bây giờ thì chúng tôi phải cần thêm thời gian. Bởi, ở khu vực Pháp Vân hiện trạng lún sụt cũng tương đối, giữa nền và cốt đã có sự thay đổi. Vì vậy, không loại trừ khả năng các vấn đề bể bị nứt. Thực tế, một số bể ở chung cư có hiện tượng nứt cổ bể, nắp chắn bể, một số Ban quản trị hiện nay chưa có nắp đậy chống côn trùng. Khi chúng tôi mở ra các bể này cũng có thạch sùng, ruồi, gián… chết trong bể nước. Đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc đó”, ông Công cho biết thêm.

Tuy nhiên, sau sự việc, một số hộ dân ở KĐT mới Pháp Vân – Tứ Hiệp vẫn tiếp tục phản ánh, tình trạng nước bị vẩn đục vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Thậm chí trong nước vẫn có các vụn màu đen như vẩn kim loại, và người dân vẫn không yên tâm sử dụng nước. 

Giun sán chui vào cơ thể người có thể gây nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khoẻ

PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, giun sán chui vào cơ thể người có thể gây nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khoẻ. Theo PGS Thịnh, khi giun đi vào cơ thể, chúng sẽ ăn hết dinh dưỡng, sinh ra độc tố, trẻ em có giun sẽ bị còi cọc, giun chui vào mắt dẫn tới mù lòa, có người tử vong do giun chui ống mật... Người dân cần "ăn chín, uống sôi” đó là khuyến cáo của PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh nhằm tránh tác hại do giun gây ra dù chúng có ở trong thức ăn, nước uống.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin trong bài viết tiếp theo!

Thanh Tùng – Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang