Gỡ điểm nghẽn để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp minh bạch, ổn định

author 06:22 20/05/2022

(VietQ.vn) - Những vụ việc liên quan đến các vi phạm pháp lý trên thị trường vốn, rủi ro của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đang trở thành điểm nghẽn khi hành lang pháp lý chưa hoàn toàn hoàn thiện và hạ tầng thị trường chưa thực sự đồng bộ. Để phát triển thị trường TPDN minh bạch, ổn định, cần có các giải pháp đúng và trúng để đáp ứng các mục tiêu thúc đẩy thị trường.

Đây là nhận định của ông Hoàng Quang Phòng- Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Diễn đàn “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, bền vững" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 19/5/2022 tại Hà Nội.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang hạ nhiệt

Ông Hoàng Quang Phòng cho biết, thị trường vốn vay luôn có vai trò chủ đạo, lớn gấp 3 lần thị trường vốn chủ sở hữu; trong đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có vai trò quan trọng là kênh tài trợ vốn vay trung dài hạn cho tổ chức kinh tế, đi song song với thị trường vốn vay ngân hàng. Qua đó, giúp giảm bớt gánh nặng cho hệ thống ngân hàng đồng thời giảm rủi ro cho các doanh nghiệp, không bị quá phụ thuộc vào hệ thống tín dụng ngân hàng.

Trong 5 năm gần đây, thị trường TPDN Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bình quân 46%/năm. Tính đến cuối năm 2021, thị trường có gần 1,2 triệu tỷ đồng được doanh nghiệp huy động qua thị trường trái phiếu, chiếm khoảng 12% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế vào khoảng 15% GDP sau điều chỉnh. Mặc dù có tốc độ tăng trưởng như vậy, nhưng quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam chỉ chiếm khoảng 15% GDP, thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực như Malaysia (56% GDP), Singapore (38% GDP), Thái Lan (25% GDP).

Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, minh bạch. 

“Những vụ việc liên quan đến các vi phạm pháp lý trên thị trường vốn, rủi ro của thị trường TPDN đang trở thành điểm nghẽn khi hành lang pháp lý chưa hoàn toàn hoàn thiện và hạ tầng thị trường chưa thực sự đồng bộ, các chủ trương chính sách rà soát, quản lý thị trường trái phiếu nói riêng, thị trường vốn nói chung theo hướng sát sao minh bạch, hiệu quả để hướng đến triển vọng tương lai là hoàn toàn đúng đắn; song vẫn khó tránh khỏi những tác động ngắn hạn”- ông Hoàng Quang Phòng cho biết.

Theo ông Hoàng Quang Phòng, những tháng đầu năm nay, thị trường TPDN đang có dấu hiệu hạ nhiệt vì một số chính sách mới, làm giảm cơ hội tiếp cận vốn của doanh nghiệp, qua đó, làm chậm nhịp phục hồi và phát triển và lỡ nhịp chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội 2022 - 2023 của quốc gia.

Theo các chuyên gia, việc thị trường TPDN co cụm có thể tác động xấu đến câu chuyện nợ xấu khi doanh nghiệp không thể huy động vốn để tiếp tục đảm bảo triển khai như kế hoạch, thậm chí doanh nghiệp có thể bị mất thanh toán, giá trị tài sản phải định giá lại. Do đó, việc xử lý tài sản đảm bảo nợ xấu của khối ngân hàng thương mại cũng sẽ trở nên khó khăn hơn. Bên cạnh đó, cùng với những thông tin tiêu cực về thao túng giá chứng khoán, lo ngại về chính sách siết tín dụng nói chung và áp lực lạm phát gia tăng đã khiến thị trường vốn Việt Nam điều chỉnh rất mạnh.

Tháo gỡ điểm nghẽn, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả

Để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, minh bạch, ổn định, cần có sự nhận diện đúng vai trò của trái phiếu doanh nghiệp, đi cùng là các giải pháp đúng và trúng để đáp ứng các mục tiêu thúc đẩy thị trường vốn hiệu quả và bền vững, đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, tăng trưởng của nền kinh tế và hội nhập tài chính toàn cầu.

Theo lãnh đạo VCCI, kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn phục hồi với mức tăng trưởng GDP quý 1 đã vượt mốc 5%. Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% sẽ là thách thức lớn, khi cộng đồng doanh nghiệp đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, như giá cả hàng hóa-nguyên nhiên liệu đầu vào tiếp tục tăng cao, kênh vốn tín dụng tiếp cận khá khó khăn.

Do đó, lãnh đạo VCCI cho rằng, cần phải có sự nhận diện đúng về vai trò dẫn vốn của kênh trái phiếu doanh nghiệp, từ đó có những giải pháp “trúng và đúng” để thúc đẩy thị trường phát triển hiệu quả và bền vững, đóng góp vài trò vào sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp cũng như tăng trưởng của nền kinh tế và hội nhập tài chính toàn cầu.

Cùng chung quan điểm, Tiến sỹ Cấn Văn Lực- Thành viên hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia nhấn mạnh kênh huy động vốn qua thị trường trái phiếu là vô cùng quan trọng cho dòng vốn dài hạn của doanh nghiệp, do đó cần xây dựng hạ tầng điều tiết thị trường trái phiếu doanh nghiệp một cách lành mạnh.

“Trong bốn tháng đầu năm, quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã giảm, đặc biệt trái phiếu doanh nghiệp do các doanh nghiệp bất động sản phát hành đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy thị trường đang được kiểm soát chặt chẽ và đã giảm nhiệt”- ông Cấn Văn Lực cho hay.

Thực tế hiện nay, thị trường trái phiếu nói riêng, thị trường vốn nói chung, hành lang pháp lý vẫn chưa hoàn toàn hoàn thiện. Trong khi đó, sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đòi hỏi những quy định pháp lý phải cao hơn.

Để lành mạnh hóa thị trường, ông Cấn Văn Lực kiến nghị các cấp quản lý nên có cơ chế chính sách vừa kiến tạo phát triển, vừa kiểm soát được rủi ro trên thị trường. Trước mắt, cơ quan chức năng cần giải quyết dứt điểm các vụ việc vừa qua để củng cố niềm tin nhà đầu tư và tránh được những tiền lệ xấu.

Theo đó, ông Cấn Văn Lực đề xuất các cấp có thẩm quyền cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp với điều kiện mới của thị trường, cụ thể là sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, Nghị định 156/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, rà soát Luật chứng khoán 2019 tiến tới sửa đổi đồng thời nâng chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp…

Đặc biệt, trái phiếu doanh nghiệp phát hành cần phải tăng chất lượng thông qua các quy định cụ thể hơn về quy mô, tần suất, điều kiện phát hành. Không những thế, quy định tài sản đảm bảo, bảo lãnh phát hành, phân phối trái phiếu cần cân nhắc các mức độ phù hợp.

Bên cạnh đó, ông Cấn Văn Lực kiến nghị cần có quy định về định hạng tín nhiệm nhằm giúp nhà đầu tư dễ dàng xác định chất lượng doanh nghiệp, mức độ rủi ro của trái phiếu phát hành và các quy định nhằm đảm bảo công ty định hạng tín nhiệm có đủ năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp.

Theo chuyên gia ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu, thị trường TPDN tại Việt Nam đang trải qua giai đoạn khó khăn, lòng tin của nhà đầu tư bị dao động vì những vụ việc xảy ra gần đây.

Nhiều ý kiến hiện nay lo ngại việc siết chặt của các cơ quan quản lý sẽ làm mất đi khả năng phát triển của thị trường, nhưng TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, sự kiểm soát thị trường một cách hiệu quả sẽ là tiền đề cho sự phát triển bền vững trong tương lai. Dĩ nhiên sẽ tạo ra khó khăn cho thị trường, nhưng sẽ tạo lại niềm tin cho thị trường và có lẽ cũng là cái giá phải trả để có một thị trường trái phiếu doanh nghiệp đi vào quy củ và ổn định.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang