Hoạt động kinh doanh thương mại điện tử tại Hà Nam đặt ra nhiều thách thức cho quản lý

(VietQ.vn) - Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Hà Nam cho biết, hiện nay tình hình kinh doanh hàng hóa trên thương mại điện tử ngày càng phức tạp đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan chức năng trong vấn đề ngăn chặn.
Trải nghiệm kinh tế đêm: Điều gì khiến Đà Nẵng, Phú Quốc luôn hấp dẫn?
Chuyển đổi số toàn dân, toàn diện, toàn trình để tăng tốc, bứt phá phát triển kinh tế số
Kon Tum xử phạt 70 triệu đồng cơ sở kinh doanh cá tầm không rõ nguồn gốc
Hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), kinh tế số ngày càng phát triển mạnh mẽ, trở thành xu hướng mua sắm phổ biến của người tiêu dùng. Bên cạnh những mặt tích cực, phương thức mua sắm này cũng đang tạo cơ hội cho các đối tượng kinh doanh thực hiện các hành vi gian lận thương mại. Trước thực tế này, các ngành chức năng của tỉnh đang đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc chấp hành những quy định của pháp luật, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động TMĐT trên địa bàn.
Năm 2024, chỉ số TMĐT của tỉnh Hà Nam tăng 6 bậc so với năm 2023, vươn lên vị trí thứ 18/58 tỉnh, thành phố tham gia đánh giá xếp hạng. Số người dân mua sắm trực tuyến so với những người sử dụng internet trên địa bàn đạt tỷ lệ khoảng 80%. Điều này cho thấy, hoạt động TMĐT trên địa bàn tỉnh diễn ra ngày càng sôi động.
Tuy nhiên lợi dụng các tiện ích mà TMĐT mang lại, các chủ thể kinh doanh đã và đang thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật, trong đó phổ biến là lợi dụng việc khai báo hải quan điện tử để buôn lậu, trốn thuế; trà trộn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng để bán hàng trên website, sàn giao dịch TMĐT, mạng xã hội như zalo, facebook, tiktok… Từ đó, làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, làm tổn hại kinh tế, sức khỏe người tiêu dùng và gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Nghiêm trọng nữa là thông qua hoạt động TMĐT, nhiều đối tượng đã đánh cắp thông tin, dữ liệu, tài khoản ngân hàng của khách hàng và sử dụng các chiêu thức lừa đảo tinh vi để chiếm đoạt tài sản.

Nhiều hàng hóa vi phạm bị thu giữ. Ảnh: Cục QLTT Hà Nam
Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong hoạt động TMĐT, Cục QLTT tỉnh đã thực hiện rà soát thông tin 10 địa chỉ facebook và website có dấu hiệu vi phạm trên môi trường TMĐT. Trên cơ sở đó, đã chỉ đạo đội QLTT trực thuộc các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, xử lý 5 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước số tiền 61,8 triệu đồng.
Các hành vi vi phạm chủ yếu là buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, buôn bán hàng giả trên môi trường internet; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; không thông báo website TMĐT bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng.
Điển hình là vụ việc do Đội QLTT số 2 tiến hành kiểm tra đối với hộ kinh doanh tại thôn Quan Phố, xã Chuyên Ngoại (thị xã Duy Tiên) – chuyên kinh doanh mặt hàng thời trang trên mạng xã hội facebook và đã xử lý vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh này về 2 hành vi vi phạm là buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu (gồm dép, quần áo giả mạo nhãn hiệu adidas) và buôn bán hàng giả trên môi trường internet với tổng tiền phạt 21 triệu đồng.
Ngày 11/11/2024, Đội QLTT số 3 đã tiến hành kiểm tra đối với cá nhân là chủ sở hữu website thương mại điện tử bán hàng, địa chỉ https://kimnganmobile.com về thực hiện trách nhiệm thông báo website thương mại điện tử bán hàng với Bộ Công Thương. Kết quả kiểm tra: Trên website có chức năng đặt hàng trực tuyến, có biểu tượng giỏ hàng, hướng dẫn các bước mua hàng, thông tin hàng hóa, giá cả, có chính sách bảo mật, chính sách đổi trả, phương thức thanh toán và vận chuyển, địa chỉ liên hệ. Hàng hóa bán trên website thương mại điện tử bán hàng là các mặt hàng điện tử, điện máy như: điện thoại di động, ti vi, tủ lạnh, máy giặt, điều hòa, phụ kiện điện thoại (sạc, ốp), loa bluetooth. Chủ sở hữu website thừa nhận thiết lập, khai thác, vận hành, sử dụng website để thực hiện hoạt động bán hàng trực tuyến nhưng không thông báo với Bộ Công Thương theo quy định.
Tiếp đến, ngày 12/11/2024, qua thực hiện biện pháp nghiệp vụ, phát hiện địa chỉ https://www.facebook.com/Anchispa?_rdc=1&_rdr giới thiệu, chào bán hàng hóa là các loại kẹo cho trẻ em có dấu hiệu là hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Xác định địa chỉ facebook nêu trên thuộc sở hữu của hộ kinh doanh Trần Đ.T tại thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Đội QLTT số 3 tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh Trần Đ.T, phát hiện hộ kinh doanh đang bày bán 12 danh mục kẹo các loại (kẹo C ngậm, kẹo socola, kẹo hoa quả các loại) không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Tuy nhiên, theo Cục QLTT tỉnh, số vụ vi phạm trong hoạt động TMĐT được phát hiện, xử lý trong những năm qua còn rất hạn chế, chưa phản ánh đúng thực trạng vi phạm trên thực tế. Lĩnh vực này đang đặt ra nhiều thách thức đối với các ngành chức năng.
Ông Nguyễn Anh Năng, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh khẳng định: TMĐT là xu thế tất yếu của thời đại công nghệ số, chuyển đổi số nhưng lại là thách thức lớn đối với lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đối với các website có tên miền quốc tế với các đuôi như “.com”, “.us”, “.net”, lực lượng chức năng gặp khó khăn trong quá trình xác định thông tin về chủ sở hữu để làm căn cứ xử lý vi phạm do các tên miền ẩn hoàn toàn nội dung chủ sở hữu khi tra cứu.
Hoạt động kinh doanh trên các trang mạng xã hội và các ứng dụng di động cũng rất khó chứng minh vi phạm và không xác thực được đối tượng vi phạm, bởi phần lớn đối tượng bán hàng online không có kho hàng, không có địa điểm kinh doanh cụ thể. Các đối tượng thường sử dụng thông tin giả để tạo nhiều tài khoản bán hàng khác nhau, sử dụng hình ảnh được lấy từ chính hãng để lừa dối người tiêu dùng.
Dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả còn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp. Cùng với sự phát triển của công nghệ, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử ngày càng phát triển, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng hàng hóa ngày càng tăng và đa dạng trên sàn thương mại điện tử. Trong khi đó, ý thức chấp hành quy định pháp luật của một số cơ sở sản xuất, kinh doanh và trách nhiệm với người tiêu dùng còn hạn chế, vì lợi nhuận sẵn sàng đưa ra thị trường những sản phẩm không bảo đảm chất lượng.
An Dương (T/h)