Hà Nội- Tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật các Cụm công nghiệp

author 16:10 03/10/2023

(VietQ.vn) - Năm 2023, Hà Nội phải khởi công 34 cụm công nghiệp còn lại trong tổng số 43 cụm công nghiệp UBND Thành phố đã quyết định thành lập giai đoạn 2018-2020 theo Kế hoạch số 97/KH-UBND ngày 21/3/2023 của UBND thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, đến nay, Hà Nội vẫn còn 28 cụm công nghiệp chưa khởi công xây dựng hạ tầng.

Đối với 28 Cụm công nghiệp chưa khởi công: Sở Công Thương đã thường xuyên phối hợp với UBND các huyện đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại các Cụm công nghiệp. 

 Hà Nội quyết tâm xây dựng hạ tầng kỹ thuật 34 cụm công nghiệp trong năm 2023

Đến nay, 5 Cụm công nghiệp đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, và nộp hồ sơ xin giao đất là: Cụm công nghiệp Thụy Lâm, Cụm công nghiệp Dục Tú, Cụm công nghiệp Thiết Bình, Cụm công nghiệp Liên Hà 2, huyện Đông Anh; Cụm công nghiệp Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ; 

Có 2 Cụm công nghiệp đã hoàn thành giải phóng mặt bằng trên 90%, đã nộp hồ sơ đề nghị giao đất đợt 1 là: Cụm công nghiệp Đông Phú Yên, huyện Chương Mỹ; Cụm công nghiệp Vân Từ, huyện Phú Xuyên; 

2 Cụm công nghiệp đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, chưa được ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án: Cụm công nghiệp Song Phương, huyện Đan Phượng; Cụm công nghiệp Xà Cầu, huyện Ứng Hòa. 

1 Cụm công nghiệp đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, đang hoàn thiện hồ sơ xin giao đất thực hiện dự án: Cụm công nghiệp Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai. 

18 Cụm công nghiệp còn lại, 1 cụm chưa có trong kế hoạch sử dụng đất năm 2023: CCN Đình Xuyên, huyện Gia Lâm. 3 Cụm công nghiệp đã giải phóng mặt bằng đạt trên 50% diện tích, chưa trình giao đất. 2 Cụm công nghiệp đã giải phóng mặt bằng đạt dưới 50% diện tích. 

Có 7 Cụm công nghiệp đang thực hiện công tác kiểm đếm, lập phương án đền bù GPMB, và 5 Cụm công nghiệp chưa đủ điều kiện để thực hiện giải phóng mặt bằng, trong đó có 4 Cụm công nghiệp chưa có văn bản chấp thuận chuyển đổi đất lúa trên 10ha của Thủ tướng Chính phủ. 

Nguyên nhân tiến độ khởi công và xây dựng hạ tầng kỹ thuật các CCN trên địa bàn Thành phố còn chậm so với tiến độ tại các quyết định thành lập CCN và Kế hoạch số 97/KH-UBND ngày 21/3/2023 của UBND Thành phố là do các khó khăn, vướng mắc về việc ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án. 

Được biết, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có Văn bản xác nhận ký quỹ cho 22 cụm công nghiệp được thành lập theo Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 (giai đoạn 2018 – 2020); Hiện còn 21 chưa được xác nhận ký quỹ, trong đó có 03 cụm công nghiệp đang thực hiện thủ tục ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án (CCN Hồng Dương, huyện Thanh Oai; CCN Song Phượng, huyện Đan Phượng; CCN Xà Cầu, huyện Ứng Hòa) gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư. Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Công ty nghiên cứu, thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành và liên hệ với Sở Công Thương để được hướng dẫn các quy định liên quan về quản lý, phát triển cụm công nghiệp. 

Về việc giao đất từng phần đối với diện tích đã hoàn thành giải phóng mặt bằng để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố, ngày 07/8/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản báo cáo UBND Thành phố về việc giao đất từng phần đối với diện tích đã hoàn thành giải phóng mặt bằng để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội. 

Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND Thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét, tham mưu cho UBND Thành phố quyết định cho thuê đất từng phần đối với diện tích đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng theo nguyên tắc trọn ô trọn thửa (nếu có) để thực hiện dự án đầu tư theo quy định.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang