Hợp tác thúc đẩy phát triển ngành công thương 5 thành phố và các tỉnh phía Bắc

author 14:43 02/10/2023

(VietQ.vn) - Hội nghị ngành Công Thương 5 thành phố trực thuộc Trung ương lần thứ VI năm 2023 với chủ đề: “Hội nhập quốc tế thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu, công nghiệp và thương mại, dịch vụ” giai đoạn 2023 – 2025 nhằm trao đổi kinh nghiệm, nhân rộng cách làm hay trong việc thực thi, tận dụng cơ hội từ các FTA thế hệ mới, thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu và thương mại, dịch vụ.

Sáng 2/10/2023 tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị ngành Công Thương 5 thành phố trực thuộc Trung ương lần thứ VI năm 2023 do Sở Công Thương Hà Nội đăng cai tổ chức, với chủ đề: “Hội nhập quốc tế thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu, công nghiệp và thương mại, dịch vụ” giai đoạn 2023 – 2025. 

Hội nghị trao đổi, thảo luận những vấn đề mới phát sinh từ nhu cầu phát triển và thực tiễn quản lý nhà nước, cùng đồng thuận quan điểm để đề xuất kiến nghị Chính phủ, bộ ngành Trung ương tháo gỡ khó khăn, có cơ chế hỗ trợ tạo điều kiện cho 5 thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh và Cần Thơ phát huy lợi thế, thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu và thương mại, dịch vụ. 

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan chia sẻ kinh nghiệm quản lý nhà nước lĩnh vực công thương. 

Tích cực triển khai giải pháp thực thi các FTA thế hệ mới 

Trong hơn 2 năm qua, việc thực thi các FTA thế hệ mới của 5 Thành phố trực thuộc Trung ương diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến nghiêm trọng, nền kinh tế thế giới gặp khó khăn, bất ổn địa chính trị, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu… ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, Bộ Công Thương, các Bộ ngành liên quan và các cấp chính quyền 5 Thành phố, công tác thực thi các FTA thế hệ mới đã đạt được nhiều kết quả tích cực. 

Sở Công Thương 5 thành phố với vai trò cơ quan đầu mối, giúp việc của Ban Chỉ đạo hội nhập quốc tế của địa phương đã tham mưu UBND thành phố ban hành và triển khai các kế hoạch thực thi các FTA thế hệ mới: CPTPP, EVFTA, UKVFTA... 

Trong công tác triển khai thực hiện các FTA thế hệ mới, Sở Công Thương 5 Thành phố thường xuyên phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt Bộ Công Thương và các Bộ, ngành đã tích cực hỗ trợ, cử các chuyên gia đầu ngành, cung cấp thông tin kịp thời để các địa phương triển khai nhiệm vụ đạt kết quả tích cực. 

Trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, thách thức, tình hình xuất nhập khẩu của 5 Thành phố trong năm 2021 – 2022 đạt mức tăng trưởng tích cực. Tổng kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều của 5 Thành phố giai đoạn 2021- 2022 đạt 449.015 triệu USD. Trong đó xuất khẩu đạt 189.539 triệu USD; nhập khẩu đạt 259.476 triệu USD. 

Tính riêng 8 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của 5 thành phố chiếm tỷ trọng 24,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Có 3/5 thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, Hải phòng, TP.Hồ Chí Minh) nằm trong Top 10 địa phương có kim ngạch thương mại và kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước. Trong đó, TP.Hồ Chí Minh là địa phương có kim ngạch thương mại lớn nhất với 63,4 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu đạt 27,7 tỷ USD; tiếp theo là TP.Hà Nội với tổng kim ngạch thương mại đạt 34,33 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 10,95 tỷ USD và TP.Hải Phòng với tổng kim ngạch thương mại đạt 29,13 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 15,59 tỷ USD. 

Công tác nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ được đẩy mạnh. 5 thành phố đã triển khai hàng loạt chương trình hỗ trợ doanh nghiệp như: hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư trong và ngoài nước, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển thị trường, kết nối giao thương (B2B) thông qua các sự kiện hội chợ - triển lãm thương mại và đầu tư; chương trình tiếp cận, đưa hàng Việt Nam trực tiếp vào hệ thống phân phối nước ngoài; phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ... 

Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, triển khai chương trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp.  

Nhìn chung việc triển khai thực thi các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA  thời gian qua đã có những tác động tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội của 5 thành phố. Các FTA góp phần thúc đẩy tăng trưởng giá trị thương mại hai chiều giữa 5 thành phố và các nước trong FTA, kim ngạch xuất khẩu gia tăng, đóng góp một phần quan trọng vào sự tăng trưởng GDP của các thành phố. 

Việc thực thi các FTA thế hệ mới giúp hoàn thiện hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ, đồng bộ, phù hợp với tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế; nâng cao tính minh bạch trong chính sách, tạo ra môi trường kinh doanh ngày càng bình đẳng và thông thoáng. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. 

Tiếp tục tăng cường hợp tác thúc đẩy ngành công thương phát triển 

Xuất khẩu sang thị trường các FTA của 5 thành phố tuy có tăng trưởng tích cực thời gian qua nhưng tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường các FTA còn chưa đạt kỳ vọng, tỷ lệ tận dụng ưu đãi (CO ưu đãi) chưa cao. Số lượng doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường FTA còn khiêm tốn. 

Hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp vẫn tập trung vào thị trường truyền thống, hoạt động xuất nhập khẩu sang các thị trường mới là thành viên của các Hiệp định còn chiếm tỷ trọng khiêm tốn (Canada, Mexico, Peru); các doanh nghiệp FDI vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn thực hiện gia công hoặc xuất khẩu nguyên liệu, bán thành phẩm; chưa nhiều doanh nghiệp Việt Nam xây dựng được thương hiệu xuất khẩu sang thị trường các FTA.  

 Sở Công Thương 5 thành phố trực thuộc Trung ương ký biên bản hợp tác.

Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thời gian tới, ngành công thương Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung thực hiện những chương trình/ kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt các FTA thế hệ mới để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. 

Trong đó, tập trung tuyên truyền, thông tin về mặt hàng và thị trường cũng như những ưu đãi thuế quan theo các FTA để doanh nghiệp biết được cơ hội đang ở đâu, ở thị trường nào và nhóm hàng nào, doanh nghiệp cần đáp ứng những điều kiện gì về quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan...; theo dõi sát tình hình của doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc để chủ động tháo gỡ, hỗ trợ theo thẩm quyền. 

Đồng thời, đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, nhất là thị trường các FTA để hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm và tìm kiếm đối tác, đẩy mạnh cơ hội hợp tác, xuất khẩu; chú trọng phát triển các ngành phụ trợ để tránh phụ thuộc quá lớn vào nguyên vật liệu nhập khẩu, có chính sách thu hút đầu tư vào các ngành này.  

Cùng với đó, phát triển hạ tầng logistic đồng bộ, hiện đại phục vụ sản xuất và xuất khẩu đưa Hà Nội trở thành đầu mối logistic quan trọng của vùng, cả nước và khu vực; phát triển thương mại điện tử, thực hiện kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp nội địa tham gia các sàn TMĐT lớn trong nước như (Lazada, Shopee, Tiki), đẩy mạnh xuất khẩu trực tuyến xuyên biên giới thông qua thương mại điện tử. 

Tuy nhiên, để có thể tận dụng tốt cơ hội từ các FTA thế hệ mới để tăng trưởng xuất khẩu, cùng với sự vào cuộc tích cực của cơ quan quản lý nhà nước, cần phải có sự chủ động từ phía doanh nghiệp- bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh. 

Bà An Thanh Thảo- Chánh văn phòng Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội (HAMI) chia sẻ, gần 100 doanh nghiệp thành viên của HAMI đã chủ động áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tiêu thụ và tăng trưởng xuất khẩu. 

Trong 2 năm qua, HAMI thực sự là cầu nối giúp các doanh nghiệp thành viên tiếp cận sớm nhất với những chính sách, chương trình xúc tiến, khuyến công, hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực của Thành phố… 

Thời gian tới, HAMI tiếp tục kết hợp các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Sở Công Thương Hà Nội, thúc đẩy hợp tác, liên kết sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội với các tỉnh, thành trong nước và nước ngoài; đồng thời tích cực hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực khai thác và tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh từ các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương- bà An Thanh Thảo cho hay.   

Ông Nguyễn Mạnh Quyền- Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội nhấn mạnh, Hội nghị ngành Công Thương 5 thành phố trực thuộc Trung ương lần này là dịp để Sở Công Thương 5 thành phố, cũng như Sở Công Thương các địa phương  cùng nhau đưa ra những giải pháp tận dụng tốt các FTA thế hệ mới; đồng thời xây dựng, định hình các mối liên kết, hợp tác thúc đẩy phát triển ngành công thương 5 thành phố và các tỉnh phía Bắc, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của từng địa phương nói riêng và cả nền kinh tế nói chung. 

Tại hội nghị, Sở Công Thương 5 thành phố trực thuộc Trung ương đã ký biên bản hợp tác; trao kỷ niệm chương giữa Sở Công Thương 5 Thành phố trực thuộc Trung ương và Sở Công Thương các tỉnh phía Bắc... Nhân  dịp này, đại biểu của Sở Công Thương 5 thành phố trực thuộc Trung ương và 26 Sở Công Thương các tỉnh phía Bắc cũng đi tham quan, khảo sát mô hình chợ và làng nghề tại Hà Nội để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm quản lý nhà nước ngành công thương.

 Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang